Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không tổ chức bất cứ cuộc họp báo chính thức nào để thông tin về việc Chính phủ sẽ bãi bỏ 26 luật liên bang, bao gồm cả những luật bảo vệ môi trường, nhằm phục vụ cho việc tiếp tục xây dựng bức tường biên giới.
Thay vào đó, ông để Bộ An ninh Nội địa Mỹ “âm thầm” ra một thông báo hôm 4-10 “mở đường” cho việc xây dựng thêm bức tường biên giới ở Nam Texas.
“Sẽ không có thêm một chân tường biên giới nào được xây dựng dưới thời chính quyền của tôi”, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố trong một lời hứa tranh cử vào năm 2020. Để đến hôm 5-10 vừa qua, cựu Tổng thống Donald Trump có cơ hội hả hê trên mạng xã hội Truth Social: “Tôi đợi lời xin lỗi của ông ấy!”.
Wall Street Journal dẫn thông báo từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ nói rằng, chính quyền Joe Biden không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục xây dựng vì Quốc hội đã phân bổ 190 triệu USD - dưới thời chính quyền Donald Trump - cho mục đích xây bức tường mà Nhà Trắng lúc này gọi là “rào chắn”.
Tổng thống Joe Biden cũng đã lặp lại lời giải thích này trước báo giới hôm 5-10, bất chấp nghi vấn đặt ra rằng nếu điều đó là sự thật thì tại sao việc xây dựng lại không được bắt đầu sớm hơn? Ông Joe Biden, với quyền hạn của Tổng thống, đã hủy bỏ mọi công trình xây dựng bức tường biên giới ngay trong những tháng đầu tiên nắm quyền.
Đối với nhiều đời Tổng thống Mỹ, yếu tố thời điểm luôn có ảnh hưởng lớn, chi phối những lời hứa trong chiến dịch tranh cử. Một khi đã trúng cử, những hứa hẹn ngày nào trở thành “bóng ma trở lại”, đòi hỏi những tính toán chính trị: Liệu có nên bất chấp rủi ro thực tế để giữ lời hay không? Hay liệu những lời hứa ban đầu có đáng nhớ đến mức cử tri sẽ nghĩ đến nó khi đi bỏ phiếu?
Quay trở lại năm 1932, Franklin Roosevelt thắng cử Tổng thống Mỹ nhờ hứa hẹn chấm dứt cuộc đại suy thoái bằng cách cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu của Chính phủ. Nhưng sau khi đắc cử, ông đã thay đổi đáng kể đường hướng, thậm chí tăng chi tiêu và đưa ra các chương trình chính sách kinh tế mới nhằm tăng cường sự kiểm soát của Chính phủ đối với nền kinh tế.
Như tờ Boston Globe từng bình luận, kế hoạch ban đầu của cố Tổng thống Roosevelt có lẽ sẽ kết thúc cuộc đại suy thoái sớm hơn. Tuy nhiên, nỗi lo sợ chung của công chúng về các ngân hàng phá sản và tỷ lệ thất nghiệp cao đã làm lu mờ ký ức trong họ về bất cứ lời hứa nào trong chiến dịch tranh cử.
Còn trong trường hợp của cựu Tổng thống George H.W.Bush là sau nhiều tháng đàm phán, ông nhận ra rằng mình không thể đạt được thỏa thuận ngân sách do Quốc hội thông qua nếu không tăng thuế. Vấn đề là, lời hứa “Không thuế mới” của ông tại Đại hội đảng Cộng hòa quá ấn tượng và đáng nhớ. Kết quả, Bush “cha” đã thua trong cuộc đua tái tranh cử năm 1992.
Vậy với Tổng thống Joe Biden và bức tường biên giới thì sao? Đây là những gì đang diễn ra thực địa: Lực lượng biên phòng của Mỹ đã bắt giữ hơn 200.000 người vượt biên trái phép qua biên giới với Mexico trong tháng 9 vừa qua, là con số cao nhất trong năm 2023. Một quan chức cấp cao của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ nói với CNN rằng, ông dự báo con số này sẽ còn tăng trong tương lai gần. Và đây là thực tế chính trị Mỹ: Làn sóng người di cư, người tị nạn và người xin tị nạn băng qua biên giới khiến xếp hạng tín nhiệm của ông Joe Biden sụt giảm thê thảm ngay trước khi bước vào năm bầu cử. Theo một cuộc khảo sát mới đây của Gallup, chỉ có 31% người Mỹ được hỏi tán thành cách Tổng thống xử lý vấn đề nhập cư.
Ngay cả một số đồng minh đảng Dân chủ, chẳng hạn như Thống đốc bang Illinois JB Pritzker, cũng bắt đầu gây áp lực lên ông Joe Biden về vấn đề biên giới thiếu kiểm soát. Pritzker tỏ ra tức giận hơn cả vì Texas đã “mở toang” cho 15.000 người di cư tràn vào bang của ông bằng những chuyến xe buýt trong năm qua. Ông đổ lỗi cho Tổng thống đương nhiệm vì “thiếu sự can thiệp và phối hợp ở biên giới”.
Những bức tường ở các vị trí biên giới chiến lược lẽ ra không bao giờ rơi vào tình trạng phân cực như ở Mỹ hiện nay. Nhưng cuộc khủng hoảng biên giới có thể đã được ngăn chặn nếu Quốc hội và Nhà Trắng tìm thấy tiếng nói chung thông qua các mục tiêu hợp lý - chẳng hạn như cấp giấy phép cho lao động nước ngoài, hay dành nguồn tài trợ lớn hơn cho hệ thống nhập cư để có thể xử lý nhanh hơn các yêu cầu tị nạn và các vấn đề khác liên quan đến biên giới…
Đã có rất nhiều cải cách hợp lý được đề xuất, trong đó tất cả đều dựa trên ý tưởng tạo ra một hệ thống linh hoạt, tránh hạn chế hay trừng phạt những người di cư đáng thương. Và vào thời điểm nhiều nơi trên nước Mỹ đang thiếu hụt lao động, tại sao không hình thành một hệ thống có thể chủ động đưa lao động nhập cư đến nơi cần thiết một cách có trật tự?
Đây mới thực sự là câu hỏi đáng quan tâm của Quốc hội và Nhà Trắng lúc này, thay vì lo ngại cử tri Mỹ liệu có tin vào lý do xây bức tường đầy tranh cãi hay không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.