(HNM) - Với quỹ đất hạn hẹp, dân số gia tăng cơ học cao, việc xây dựng các tòa nhà chung cư tại thành phố là tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân.
Chắc chắn, mọi cư dân ở chung cư đều mong muốn đây thực sự là nơi “an cư lạc nghiệp” bảo đảm chất lượng sống để yên tâm lao động, làm giàu cho gia đình, cống hiến, góp phần xây dựng thành phố ngày càng khang trang, hiện đại.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những khoảng cách giữa mong muốn và thực tế. Bên cạnh chất lượng xây dựng, việc tổ chức quản lý nhà chung cư đã và đang bộc lộ những hạn chế. Có nhiều lý do dẫn đến những bất cập, thậm chí mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư. Không chỉ nhà tái định cư mà ngay cả những tòa nhà thương mại được “gắn mác” cao cấp cũng bị cư dân “tố” về chất lượng cũng như các dịch vụ đáp ứng nhu cầu sống. Đây cũng là nguyên nhân khiến các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên tục xảy ra trong thời gian qua giữa người dân và chủ đầu tư.
Với các thành phố đang trong quá trình đô thị hóa mạnh như Hà Nội, các vấn đề phát sinh nói trên là khó tránh. Vấn đề đặt ra là cần sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước hết, hai chủ thể quan trọng tại các tòa chung cư là chủ đầu tư và cư dân cần xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Với chủ đầu tư, yếu tố quan trọng nhất là đặt chất lượng, uy tín lên hàng đầu khi thực hiện các dự án. Với cư dân, trước khi quyết định chọn nơi “an cư, lạc nghiệp” cần nghiên cứu kỹ về chủ đầu tư, và các điều khoản trong hợp đồng mua bán nhà ở để tránh những rủi ro. Bởi lẽ, trong trường hợp xảy ra khiếu kiện, tranh chấp, hơn hết hai chủ thể này là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Vì vậy, cách giải quyết tối ưu là "ngồi lại với nhau" để tìm “tiếng nói chung”, tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc, ảnh hưởng tới trật tự xã hội, dẫn tới thiệt hại không đáng có cho cả hai phía.
Với các cơ quan chức năng, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý nhà chung cư thống nhất, đồng bộ và giám sát việc thực hiện nghiêm túc là trách nhiệm, đòi hỏi để ngăn chặn, xử lý mâu thuẫn, tranh chấp. Trên thực tế, pháp luật về nhà ở đã có quy định cụ thể để xử lý các vướng mắc trong quá trình quản lý, vận hành và sử dụng nhà chung cư, nhưng có nơi các quy định chưa được chính quyền cơ sở và chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc. Một phần do có quy định chưa phù hợp, khó triển khai nhưng có thể thấy sự mờ nhạt về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tiếp tay dung dưỡng mâu thuẫn.
Vì vậy, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, trước hết, cần tăng cường tuyên truyền về pháp luật để chủ đầu tư, người dân hiểu về các quy định về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Tiếp đó, phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định liên quan tới quản lý chung cư như: Bảo đảm phòng cháy, chữa cháy; đúng thiết kế công trình; thành lập ban quản trị;… Trường hợp chủ đầu tư vi phạm phải xử lý nghiêm khắc, kiên quyết không cho phép đưa các tòa nhà vào sử dụng khi chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết. Ngoài ra, việc tạo điều kiện chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tòa nhà, tổ chức tổ dân cư sẽ tạo điều kiện quản lý, vận hành chung cư hiệu quả hơn.
Như đã nói, những hạn chế, thiếu sót bộc lộ trong quá trình phát triển đô thị là khó tránh. Điều quan trọng là cùng có trách nhiệm, nâng cao ý thức vì cộng đồng, phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đó cũng chính là đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.