Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẹn nguyên tình yêu quê hương

Thùy Linh| 02/12/2012 06:50

(HNM) - Đi vùng kinh tế mới theo sự điều động với thời gian 3 năm, không ngờ ông "bén duyên" vùng đất Lâm Hà (Lâm Đồng) và chọn nơi này làm quê hương thứ hai.

Hơn 36 năm gắn bó với quê hương mới và đảm nhận rất nhiều vị trí để xây dựng Lâm Hà, khi đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy", ông Phan Hữu Giản vẫn luôn trăn trở làm sao để không chỉ phát triển kinh tế mà còn phải giữ gìn được nét văn hóa Tràng An ở vùng đất mới này.

Ông Phan Hữu Giản.


Dù là người con của đất Hà thành, nhưng hơn nửa thời gian của cuộc đời, ông Phan Hữu Giản phải xa Hà Nội. Năm 1958, khi mới 17 tuổi, chàng thanh niên Hà Nội theo tiếng gọi thanh niên xây dựng đất nước đã hăng hái lên đường đi xây dựng vùng kinh tế mới (KTM) ở miền núi Việt Bắc. Sau 11 năm lao động sản xuất và xây dựng Nông trường Sông Lô (tỉnh Tuyên Quang), ông về Hà Nội học đại học và là cán bộ Đoàn của Trường Đại học Nông nghiệp. Năm 1976, chủ trương xây dựng vùng KTM Hà Nội ở Lâm Đồng được đặt ra, ông lại lên đường nhận nhiệm vụ mới theo tinh thần "Ba sẵn sàng" của tuổi trẻ Thủ đô. Ngày 9-5-1976, ông chia tay gia đình, lên đường "Nam tiến" cùng Tổng đội thanh niên xung phong Từ Liêm. Ngày ấy, cứ ngỡ chỉ tạm xa Thủ đô yêu dấu một thời gian thôi, chứ ông nào có nghĩ vùng đất Nam Tây Nguyên xa xôi ấy rồi sẽ gắn bó, trở thành quê hương thứ hai của mình.

Thời kỳ đầu xây dựng vùng KTM, núi rừng hoang sơ còn nguyên dấu bom đạn tàn phá, vết chân thú dữ chen dấu giày Fulro, bạn đồng hành với muỗi, vắt, sốt rét rừng… nhưng ông Giản và những người con của Hà Nội vẫn bám trụ và xây dựng nơi đây trở thành miền quê mới mang tên Lâm Hà trù phú. Dù 36 năm đã qua, khi nhắc lại câu chuyện mở đất, ký ức vẫn vẹn nguyên với ông Giản. 36 năm, ông từng đảm đương nhiều công việc, từ Bí thư Đoàn vùng KTM, Phó trưởng ban xây dựng vùng KTM, rồi Bí thư Huyện ủy Lâm Hà… Chỉ có những người từng chứng kiến Lâm Hà ngày xưa nhìn lại mới thật khó hình dung một vùng đất hoang vu ngày đó đã có sự thay đổi mạnh mẽ như bây giờ. Với ông, những gì mà Lâm Hà hiện có đã chứng minh được sự đúng đắn của chủ trương đưa dân đi kinh tế mới của Hà Nội ngày ấy.

Nhưng, hơn 36 năm gắn bó với vùng đất Lâm Hà đủ để ông Giản xem đó là máu thịt, luôn muốn nó hoàn thiện hơn, đẹp hơn. Vậy nên, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông bảo ông không muốn nói về "cái được" vì quá dễ thấy và ai cũng biết, đó là vùng đất hoang hóa ngày xưa đã trở thành một vùng quê trù phú, kinh tế đã phát triển mạnh mẽ và hợp lý. Ông ví von "thời thập niên 80 của thế kỷ trước, Lâm Hà như anh hàng xén, cái gì cũng có thì bây giờ đã tập trung vào ba cây công nghiệp cà phê, chè, dâu tằm phù hợp với đất đai, tập quán canh tác, giúp đời sống bà con ngày càng khấm khá". Được "quê mẹ" Hà Nội hỗ trợ rất nhiều nên cơ sở hạ tầng của Lâm Hà đã được xây dựng khang trang hơn với những mái trường, những trạm y tế đầy đủ trang thiết bị để khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân; những cây cầu gỗ năm nào giờ đã được bê tông hóa, những con đường đất ngày xưa đã thay bằng đường bê tông đến từng thôn, xóm. Hơn 36 năm chứng kiến sự đổi thay, ông bảo, mừng thì mừng đấy, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và vùng đất này phải được phát triển hơn nữa. Cái mong muốn của ông, đó là năng suất cà phê "không thể 3 tấn như bây giờ mà phải là 5 tấn" và "người làm nông nghiệp không còn bị o ép tứ bề". Cùng cuốc đất, cùng làm rẫy từ ngày đất đai còn hoang hóa nên ông hiểu nỗi khổ của người nông dân làm ra sản phẩm nhưng người quyết định sản phẩm của mình không phải là mình mà là thương lái, nhà chế biến. Rồi nỗi khổ phải vay tiền mua giống, mua phân,… để chưa đến vụ phải bán cà phê non đắp đổi nên phải chịu thiếu trước hụt sau… Thêm băn khoăn là huyện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế của vùng đất này, nhất là du lịch. Khi chọn vùng đất Nam Tây Nguyên này, lãnh đạo Hà Nội đã khéo "nhìn xa trông rộng" khi chọn một nơi vừa tiện đường giao thông, vừa màu mỡ để sản xuất kinh tế, vừa có nhiều cảnh đẹp để phát triển du lịch. Thế mà hiện những thế mạnh này chưa được phát huy. "Nếu với sự giúp sức của Hà Nội, Lâm Hà biết vận động xã hội hóa sự đóng góp của nhân dân thêm thì làm được nhiều việc hơn, nếu làm không được việc này là phụ sự "chung tay" của người Hà Nội!", ông Giản tâm tư.

Lãnh đạo Hà Nội đã xác định "Lâm Hà là huyện xa thứ 30 của Hà Nội". Những người con Hà Nội ban đầu vào vùng KTM mang theo từng gốc đào, hương án, mang được những tập quán tốt đẹp chia bùi sẻ ngọt tình làng nghĩa xóm với nhau… với ý thức giữ gìn văn hóa Tràng An. Vậy mà "Bây giờ cốt cách con người Hà Nội còn gì, mất gì?". Ông băn khoăn việc giữ gìn nếp văn hóa trong từng gia đình, thôn xóm, khi mà Lâm Hà hiện nay không chỉ là người Hà Nội mà còn là nơi "đất lành chim đậu" của người dân nhiều vùng quê khác. Cái ông lo là nỗi lo chung và đặc biệt là Lâm Hà, nơi ông đã cống hiến gần như trọn một đời trai trẻ và gắn bó đến tận bây giờ. Ông lo là lo vài năm nữa, nếu không giữ gìn tốt thì lớp trẻ không nhớ mình gốc gác ở đâu. "Phát huy được cái tốt của địa phương mình và học hỏi những cái tốt của địa phương bạn mới giữ và phát huy được bản sắc tốt đẹp", ông trầm ngâm.

Chia tay chúng tôi vào buổi chiều muộn, giọng ông chùng xuống khi tôi nói rằng hình như ông yêu quý Lâm Hà hơn Hà Nội mất rồi. Ông trầm ngâm rồi bảo rằng, dù hơn nửa đời người xa quê hương, nhưng tâm tư lúc nào cũng nhớ về Hà Nội. Tình yêu quê hương của người đi xa càng mãnh liệt hơn. Với ông, đi xa là để làm đẹp hơn quê hương yêu dấu và cảm nhận được không đâu bằng quê mình. Có thể vì vậy mà những tình cảm gửi gắm vào những vần thơ của ông luôn khắc khoải về nỗi nhớ Hà Nội, như bài thơ "Người Hà Nội đi xa" trong tập thơ "Lâm Hà trong tôi" của ông:

Vì yêu Hà Nội lại chia tay
Sen ngát Tây Hồ tỏa mãi đây
Việt Bắc ngàn trùng... chân luyến phố
Tây Nguyên muôn dặm… tóc vờn mây
Mở mùa xuân mới hoa đua nở
Khép cảnh đông tàn cỏ lắt lay
Mải miết ngày xanh đầu nhuốm bạc
Trông vời quê mẹ ngắm Rồng bay…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẹn nguyên tình yêu quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.