Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về tổ chức kỳ thi quốc gia: Đồng tình, nhưng còn băn khoăn

Hà Phong| 24/09/2014 06:02

(HNM) - Đâu là cơ sở để tổ chức kỳ thi quốc gia vào năm 2015 nhằm mục đích lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ; giải quyết các tình huống bất lợi có thể xảy ra thế nào?



Đâu là cơ sở để tổ chức kỳ thi quốc gia vào năm 2015 nhằm mục đích lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ; giải quyết các tình huống bất lợi có thể xảy ra thế nào? Đó là câu hỏi nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra, đòi hỏi người đứng đầu ngành GD&ĐT phải trả lời chi tiết.

Học sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014. Ảnh: Nhật Nam


Hàng trăm câu hỏi từ cử tri

Mở đầu phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Lê Minh Thông đã chia sẻ với người đứng đầu ngành GD&ĐT rất nhiều thông tin thu thập được sau khi khảo sát, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, đã nhận được hàng trăm câu hỏi từ nhiều ngày nay của cử tri về kỳ thi quốc gia chứng tỏ xã hội vô cùng quan tâm đến những đổi mới trong ngành giáo dục. Nhiều ý kiến chia sẻ đã nắm được tinh thần tổ chức kỳ thi quốc gia là không dựa trên việc bỏ một trong hai kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ mà là tổ chức một kỳ thi. Song làm thế nào để bảo đảm mục tiêu gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm mà vẫn cho kết quả tin cậy là vấn đề được đặt ra.

Ông Lê Minh Thông đề cập, trong phương án thi quốc gia sẽ có thi theo cụm, trong đó có cụm sẽ có hàng chục nghìn thí sinh dự thi. Cần làm rõ sẽ có những loại cụm nào, tổ chức ra sao, tiêu chí nào để tổ chức theo cụm cũng như tiêu chí nào để chọn các trường ĐH được chủ trì cụm thi?

Một nội dung nữa cũng được quan tâm của Ủy viên chuyên trách Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Kim Thúy và ĐBQH Huỳnh Thành Đạt (Đoàn TP Hồ Chí Minh) là, Bộ có đặt mình vào địa vị học sinh hay không? Và đây có phải là phương án đổi mới cuối cùng? Hàng loạt các câu hỏi khác cũng được đặt ra, tiêu biểu là các trường ĐH được quyền tự chủ phương án tuyển sinh, vậy mối quan hệ của các trường ĐH - CĐ với kỳ thi quốc gia này ra sao? tiêu chí nào để chọn trường chủ trì tổ chức thi? "Nếu mỗi trường làm một kiểu thì sẽ phá vỡ mục đích hai trong một của kỳ thi" - ĐB Huỳnh Thành Đạt phân tích.

Thay đổi có lộ trình

Giải đáp những lo lắng nêu trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, khó khăn lớn nhất Bộ GD&ĐT đang phải đối mặt hiện nay là sức ỳ, thói quen của giáo viên, học sinh và tâm lý của cả xã hội. Cách thi cử, dạy học truyền thụ kiến thức một chiều đã đi vào máu thịt từ lâu nay. Làm sao để hàng triệu thầy cô giáo hiểu và thống nhất, để hàng chục triệu học sinh hiểu, rồi từ đó hàng chục triệu phụ huynh, cô dì chú bác của các em cùng hiểu không đơn giản, nhưng Bộ GD&ĐT quyết tâm thay đổi. Người đứng đầu ngành GD&ĐT phân tích, thực chất, thay đổi tại kỳ thi quốc gia sắp tới là không bất ngờ, với cả giáo viên và học sinh, mọi việc đều làm có lộ trình, dựa trên tiền đề một loạt những việc Bộ GD&ĐT đã làm ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XI, gồm đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, thi cử rồi dẫn đến thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh có một số điểm mới. Từ kết quả thay đổi đó thì mới đến thay đổi kỳ thi 2015 tới đây. Kỳ thi năm 2015 cũng còn nhiều thời gian để chuẩn bị. Theo lời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, thay đổi thi trong năm 2015 hướng đến mục tiêu đổi mới phương pháp dạy và học, thực chất nằm ở đề thi. Bộ GD&ĐT cam kết những thay đổi trong đề thi không làm cho đối tượng chịu tác động bị sốc. Song đây không phải là đổi mới cuối cùng, trong năm 2016, 2017 sẽ tiếp tục điều chỉnh rõ hơn nữa.

Giải đáp băn khoăn về thi theo cụm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xác nhận, phương án của bộ hướng đến tổ chức theo cụm thi với hai loại hình là thi tại tỉnh và liên tỉnh. Các tiêu chí để xác định cụm thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết sẽ căn cứ vào năng lực của các trường ĐH (cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh nghiệm tổ chức thi) để xác định đơn vị chủ trì cụm thi. Song không phải tỉnh nào cũng có trường ĐH đủ uy tín, nên chắc chắn chưa thể tổ chức thi cụm ở từng tỉnh được. Với những học sinh có mục tiêu xét tuyển ĐH, cụm thi sẽ được tổ chức liên tỉnh. Với những học sinh ở vùng miền núi, do địa bàn đi lại khó khăn thì sẽ được thi ở cụm thi địa phương.

Các tuyên bố của người đứng đầu ngành GD&ĐT đã phần nào giúp các ĐBQH tham dự phiên giải trình yên tâm. Bà Nguyễn Thanh Hải, ông Lê Minh Thông và nhiều ý kiến đều đồng tình, việc đổi mới là cần thiết. Nhưng bên cạnh đó cũng nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Đáng lưu ý nhất là với mô hình mới, cách ra đề thi mới, dự báo tỷ lệ thí sinh thi đỗ tốt nghiệp là bao nhiêu? Cũng liên quan đến cụm thi, nhiều giả thiết được các đại biểu đặt ra như, nếu xảy ra tình trạng tiêu cực thì có thi lại không, triển khai thế nào để bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng cho các thí sinh.

Trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, chỉ có thể dự báo được số lượng thí sinh đỗ ĐH theo chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Còn thi tốt nghiệp tùy kết quả học của học sinh. Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là cố gắng để tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, khách quan chất lượng. Về tổ chức thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, bộ sẽ tổ chức giám sát, thanh tra rất chặt chẽ. Kể cả sau khi học sinh đã thi đỗ thì công tác giám sát vẫn tiếp tục.

Người đứng đầu ngành GD&ĐT cũng khẳng định sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội chứ không phải là chỉ trong ngành về đổi mới thi cử. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu một cách cầu thị, sẵn sàng làm những gì khó khăn nhất để tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Về tổ chức kỳ thi quốc gia: Đồng tình, nhưng còn băn khoăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.