Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về quê ăn Tết

Lê Văn Vọng| 21/02/2015 09:57

(HNM) - Đức cẩn thận xếp các thứ định đem về quê vào túi xách. Tết này anh và bố sẽ về ăn Tết ở quê. Lâu nay hai tiếng

Còn sắp tới anh sẽ được tận hưởng cảm giác xúc động vui sướng giữa những người thân tại quê hương. Mấy thứ đồ lễ ngày Tết mẹ anh chuẩn bị cho hai bố con từ vài hôm trước: Hương vòng, vàng mã, hộp mứt, bánh kẹo, gói trà sen, chai rượu vang Đà Lạt... mọi khi anh chẳng để ý tới, bây giờ thì săm soi nâng lên đặt xuống. Túi rộng, đồ không cồng kềnh vậy mà phải xếp đến lần thứ ba mới tạm hài lòng. Chuyến về quê lần đầu có gì đó làm anh bối rối không yên. Chưa khi nào bị mất ngủ, vậy mà đêm qua anh cứ thao thức, thỉnh thoảng lại bật đèn xem đồng hồ. Anh hình dung, mường tượng ra đủ chuyện, nào là gặp gỡ anh em họ hàng, đi chơi trên con đường làng quanh co dưới tán cây, hay phụ giúp mọi người gói bánh chưng...


Quê Đức, một làng vùng cát ven biển Thanh Hóa, vừa có nghề làm ruộng, vừa làm muối và đánh cá. Đặc sản ở đây là thuốc lào. Tuy không nổi tiếng bằng thuốc lào Tiên Lãng (Hải Phòng), song cũng được dân nghiện tứ xứ biết đến. Người dân quê anh cần cù chân chất như củ khoai, hạt đậu. Những năm chiến tranh phá hoại bọn giặc trời Mỹ coi nơi này là trọng điểm đánh phá vì nó gần một bến phà trên con đường ra tiền tuyến. Những bà mẹ không quản hiểm nguy đêm đêm dưới ánh sáng đèn dù máy bay trao quà, tiếp nước cho những người lính hành quân ra trận. Các cô dân quân ban ngày làm ruộng, đêm đêm đắp trận địa pháo phòng không... Những chuyện như vậy, Đức lõm bõm nghe bố kể chứ thực chất nhà anh xa quê đến thế hệ anh là ba đời. Ông nội rời quê ra Hà Nội trong một hoàn cảnh cực chẳng đã. Rồi đến bố anh suốt mấy chục năm cũng không liên lạc gì với mảnh đất chôn nhau cắt rốn, sống cuộc đời tha hương.

- Về quê nhà cửa thưa thoáng, vườn tược rộng gió lạnh lắm đấy, con mang thêm đồ ấm cho cả bố nữa đi - Mẹ Đức từ phòng trong đi ra nhắc.

- Riêng con thì thế này là đủ lắm rồi mẹ ạ! Ở bên đó những khi trời có tuyết con cũng chỉ mặc thế này thôi.

- Nhưng thời tiết ở ta nó khác, rét buốt tận óc chứ không dễ chịu đâu! Con không chủ quan được, nhỡ ốm thì khổ!

Mười bốn tuổi Đức xa bố mẹ đi du học, xong đại học rồi làm luận án tiến sĩ. Mải mê với chuyện học hành, thoắt cái đã ngoài ba mươi tuổi. Gần hai mươi năm ở xứ người, vài lần anh về thăm bố mẹ vào dịp nghỉ hè, nhưng chẳng đi được đâu xa vì bạn bè níu kéo. Đến khi về nước làm việc anh mới có điều kiện thực hiện cái điều bố mẹ vẫn đau đáu. Khác hẳn người Tây, người Việt từ xa xưa đã coi trọng cội nguồn, tổ tông. Cái câu "Cáo chết ba năm quay đầu về núi" như là một triết lý sống. Chả thế mà mỗi lần nhắc đến quê hương, bố mẹ anh vẫn thốt lên đầy tâm trạng: "Đừng bao giờ làm kẻ mất gốc, quê hương dù nghèo khó cũng là nơi mình khóc tiếng chào đời". Là một giảng viên Đại học Khoa học - xã hội Nhân văn, sau khi nghỉ hưu, bố Đức dành nhiều thời gian tìm hiểu văn hóa làng xã và ông nhận ra nhiều điều thú vị từ phong tục tập quán đến tâm thức người nông dân. Người nông dân ở đâu cũng coi trọng tình làng nghĩa xóm, họ sống cuộc đời giản dị, chân mộc. Chính cái đó tạo nên nền tảng, sức mạnh, một xã hội tự do dân chủ. Khác hẳn với lối sống đô thị đầy bon chen, khép kín, mạnh ai nấy được. Cũng là những con người ấy, bối cảnh ấy, song mỗi lần về quê ông lại phát hiện ra một điều mới mẻ. Sự cởi mở, chân thực là chất keo gắn kết họ với nhau trong một môi trường sống đầy mâu thuẫn và biến động. Từ một người gần như đoạn tuyệt với các mối quan hệ thân thích chốn quê nhà, lúc nào cũng có cảm giác chông chênh, bố Đức đã tìm lại được sự tự tin, phấn chấn tinh thần. Ông chăm về quê hơn, như cái cây sống bám vào được mạch nguồn. Trong bản phả tộc do ông nội ông thủ bút bằng chữ Nho năm Bảo Đại thứ nhất (1926), lược chép cụ Tổ quê gốc làng Bao Hàm, phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định. Nhà nghèo, đất chật, lại đông anh em, nên đành tha phương cầu thực kiếm sống qua ngày. Số phận đẩy đưa ông đã trở thành người làm thuê cho một gia đình ở làng Văn Hà, phủ Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa - một vùng đất vừa có biển vừa có đồng. Đó chính là nơi ngày nay họ tộc ông cư ngụ. Đến đời bố ông là thế hệ thứ năm, còn từ đó về sau này bản phả tộc vẫn để trống. Để người trong họ mạc đọc được, hiểu được ông đã nhờ người chuyển ngữ từ chữ Nho sang Quốc ngữ cùng với việc bổ sung các tư liệu để bản phả tộc được đầy đủ, phong phú hơn. Có một điều ông lấy làm tự hào, hãnh diện là cùng với sự phát triển của đất nước, các thế hệ con cháu trong họ sau này học vấn được nâng lên rất nhiều. Ngày xưa cả dòng tộc chỉ có một, hai người học tới sơ học yếu lược, là cấp học thấp nhất trong hệ thống giáo dục thời đó, còn ngày nay là hàng chục cử nhân, có cả tiến sĩ. Bộ mặt nông thôn cũng thay đổi, không chỉ trong họ mạc mà cả làng, xã không tìm đâu ra một căn nhà tranh tre, mái lá, nhiều ngôi nhà xây hai tầng, ba tầng khang trang. Rồi tủ lạnh, máy giặt, truyền hình cáp, internet... Đường làng ngõ xóm bê tông hóa, ô tô, xe máy vào tận sân. Chiến tranh nổ ra mãi tận Trung Đông, hay một ngân hàng lớn ở Mỹ tuyên bố phá sản, một ca sĩ nổi tiếng thế giới chết vì ma túy... chỉ vài phút sau người dân ở đây đã biết. Nhưng điều ông rất mừng là những phong tục tập quán lành mạnh và tình cảm con người không bị đô thị hóa. Cái câu nói bao đời "tắt lửa tối đèn có nhau" vẫn còn nguyên giá trị và dường như nó được nâng lên phạm trù đạo đức. Ông đã tận mắt chứng kiến câu chuyện cảm động. Một ông già đột ngột qua đời, trong khi các con cháu ở xa chưa về kịp, thì bà con xóm làng đã có mặt lập ra ban tổ chức tang lễ, người lo dựng rạp, người đi mua áo quan, người tìm địa điểm đào huyệt, rồi trống, kèn... Khi con cháu về tới thì mọi việc đã xong, chỉ còn đưa tiễn ông ra đồng. Rồi chuyện một đại gia ở đâu không rõ đến gạ mua cây đa cổ thụ đầu làng. Chẳng hiểu ông ta mua làm gì mà sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn, nếu đem chia đều cho cả làng, mỗi gia đình cũng được mấy triệu đồng. Người ta kháo nhau gỗ đa 300 năm tuổi trở lên làm phản nằm rất tốt cho sức khỏe, người lại bảo ông ấy biết dưới gốc đa có cổ vật... Người mua thì nói chỉ lấy cái gốc to như cái nong xù xì góc cạnh để chơi. Đi đi về về kể đến chục lần, đám trung niên bảo quyền quyết định ở các cụ già. Nhưng các cụ thì dứt khoát không bán bởi cây đa ấy là nhân chứng, hồn cốt, là nét văn hóa của làng. Trong từng thớ gỗ của nó in dấu những bước thăng trầm, dâu bể. Nó là một phần làng, là hình ảnh làng của những người đi xa. Ở nơi góc bể chân trời nào đó người của làng cứ nhớ đến cây đa là hình dung ra làng mình. Không có cây đa sẽ không phải là làng Văn Hà nữa... Lại thêm một minh chứng cho sự bảo tồn văn hóa làng của bà con trước sự xâm lấn, tấn công của văn minh thực dụng. Điều mắt thấy tai nghe đó càng củng cố thêm nhận thức của ông và ông muốn truyền sang cho người con trai của mình.

Sáng mồng Một Tết, Đức đi cùng bố sang dâng hương nhà thờ Tổ. Đây là nơi thờ cúng ông Tổ 6 đời, người đã có công khai phá đặt nền móng cho sự ra đời chi họ anh và phát triển đến ngày nay. Con cháu xa gần kẻ trước, người sau, áo quần tề chỉnh nghiêm trang quỳ lạy trước tiên tổ. Đôi hạc đồng cao chừng mét tám chầu hai bên ban thờ. Phía trên treo bức đại tự sơn son thếp vàng ba chữ: Đức Lưu Quang, như một ý nguyện, lời nhắc nhở các thế hệ cháu con phải lấy đức làm trọng và lưu truyền lại cho các đời sau. Sát hậu cung là chiếc long ngai tượng trưng cho bậc tiền nhân. Một cành đào với những cánh hoa mỏng nở bung báo hiệu xuân về. Trong khói hương lan tỏa ngạt ngào, chưa bao giờ Đức thấy gương mặt bố anh trang nghiêm, thành kính như vậy. Khấn vái tiên tổ rồi hai bố con sang gian bên thắp hương các liệt sĩ đã hy sinh vì nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới và tình nguyện giúp nước bạn, chi họ của Đức có 6 liệt sĩ trong số hơn trăm người ra trận. Quả thực đó là sự hiếm. Bởi vậy mà người ta đồn đại rằng họ ấy có ông Tổ thiêng vô cùng, đã che chở cho cháu con trước hòn tên mũi đạn nơi chiến trường. Khi đất nước yên hàn, ông lại phù hộ cho cháu con học hành thi cử đỗ đạt, tiến bộ trong công tác...

Làm thủ tục ở nhà thờ Tổ, rồi Đức được bố đưa đi chúc Tết các gia đình. Đầu tiên là ông trưởng họ rồi đến chú bác, cô dì. Lần đầu về quê cũng là lần đầu Đức nhận anh em họ hàng. Người gọi là anh, người gọi là chú, có người lớn tuổi, đầu bạc mà lại xưng với anh là cháu; thấy anh khó hiểu, ông giải thích, dù ít tuổi nhưng anh là cành trên, con của ông phải gọi anh bằng ông trẻ. Đức nghe mà chẳng nhớ gì cả. Người này đi, người khác tới ai cũng niềm nở, chân tình.

Khi qua ngõ một căn nhà mái ngói đã lên rêu, một người đàn ông chạy ra nắm tay bố Đức nói như trách: "Tôi biết ông về làng nhiều lần mà chưa bao giờ quá bộ vào uống với tôi chén nước. Hôm nay đầu xuân mời hai bố con". Rồi ông như lôi hai người vào nhà. Đồ đạc trong nhà đơn sơ chẳng có gì ngoài bộ bàn ghế gỗ tạp. Ông với tay lên ban thờ định lấy chai rượu rót nhưng bố Đức ngăn lại: "Ông Chỉ ơi! Uống trà được rồi, cha con tôi có biết uống rượu đâu!". Ông cũng trạc tuổi bố Đức vẫn nói với mọi người bà vợ ông không biết đẻ nên đẻ ra một lũ năm đứa con gái. Ông đặt tên: Kim, Tơ, Lụa, Vá, May. Bây giờ ông có tới mười mấy đứa cháu ngoại. Thời còn trẻ, không biết chữ nhưng ông có trí nhớ rất tốt nên được xã giao cho làm chân bưu tá. Ông bị hỏng một con mắt, thư từ công văn nhận về cả một xấp chỉ cần hỏi ai đó một lần thôi, vậy mà không khi nào đưa nhầm địa chỉ, thế mới giỏi.

Đức ngộ ra một điều rằng, trong xã hội hiện đại khi người thành phố sống thu mình, khép kín thì người ở nông thôn lại cởi mở, hòa đồng dễ gần. Và ngày Tết chỉ ở quê mới vui, mới thực sự có không khí đón xuân. Tết ở quê cũng là dịp để anh em họ hàng tìm về với nhau, cùng nhau ôn lại những thăng trầm buồn vui, được - mất trong năm để rồi động viên khích lệ nhau trong năm tới. Đêm qua mấy anh em quây quần bên nồi bánh chưng, trong tiếng reo ù ù lửa cháy và tiếng nổ tí tách của than củi, Đức mới có cơ hội để nghe bố anh kể lại tường tận lý do vì sao ông nội anh bỏ quê ra Hà Nội mà ông vẫn gọi là "cực chẳng đã".

Đời cụ kị anh phiêu dạt tới đây với hai bàn tay trắng. Bản chất cần cù chịu khó, lại biết chắt chiu gom góp, đưa ông từ một kẻ cày thuê cuốc mướn bước ra cuộc sống độc lập. Bằng số vốn liếng ít ỏi ban đầu, ông mua được mảnh đất cắm dùi, lấy vợ rồi dần dà gây dựng được cơ ngơi. Đến đời ông nội anh đã có nhà gỗ ba gian, bốn sào ruộng, một con bò cày. Kinh tế gia đình không còn khó khăn, mỗi vụ thu hoạch dư dật chút ít, song ông không muốn làm giàu theo kiểu trọc phú. Trong số 6 người con 4 trai 2 gái, ông quyết tâm cho 5 người đi học, chỉ để lại một người con gái lớn giúp việc ruộng đồng. Sau này mấy anh em đều thành đạt, có vị trí xã hội. Rồi cơn bão cải cách ruộng đất tràn tới, cái làng Văn Hà bình lặng bỗng nổi sóng dữ dội. Là người biết lo xa, một đêm tháng Chạp, ông vơ vội ít đồ nhét vào túi rồi cùng bà và mấy đứa con nhỏ rời khỏi cái tổ ấm được tạo dựng bằng mồ hôi, nước mắt. Đêm cuối năm trời không một đốm sao, từng cơn gió lạnh mang theo những hạt nước li ti quất lên người họ những lằn roi xé da cắt thịt. Những ngón chân trần bấm vội trên con đường đất thịt trơn nhẫy mà không sợ lạnh. Giữa đêm giá rét, mồ hôi dâm dấp lưng áo, tới bến phà và khi đã ngồi trên một chiếc xe khách tư nhân chạy từ Vinh ra cả nhà mới hướng cái nhìn về phía làng, nơi có căn nhà của mình và đứa con gái đã có chồng con đang sống ở đấy để rồi thấy lòng mình trĩu nặng. Một màn đêm chứa đựng bao bất trắc, như bủa vây cắn xé cái làng nhỏ đáng yêu của ông. Từ giờ phút đó hình ảnh quê hương trở thành nỗi ám ảnh... Ra tới Hà Nội với số vốn mang theo, ông bắt đầu gây dựng lại cuộc sống. Là người tháo vát biết tính toán, ở chốn phố thị trăm người bán vạn người mua, ông mở cửa hàng bán thuốc lào, chè nước, nhanh chóng ổn định cuộc sống gia đình, tiếp tục cho các con đi học. Sống xa quê, ông vẫn đau đáu nỗi niềm. Trước khi nhắm mắt, ông dặn bố Đức phải đưa ông về chôn tại quê hương, gần mộ ông bà.

Sáng mồng Ba Tết, Đức cùng bà bác (chị bố) ra cồn Mã Chậu viếng mộ ông bà nội. Và câu chuyện lần đầu về quê ăn Tết có thể đã đặt dấu chấm hết nếu anh không được nghe bà kể về cốt cán Bửu Chín. Tất cả những thứ gọi là của cải của địa chủ được đem chia cho các gia đình bần cố nông. Cố nông Bửu Chín được hưởng quả thực nhiều nhất. Ngoài nồi, mâm, bát đĩa, giường tủ còn được chia hai sào ruộng ở cánh đồng Đu và nửa con bò cày. Sau mấy cuộc bình chọn, bà bác Đức cũng được nhận một cái cối đá nhưng không có chày. Ông trời như không biết thương người, sau cải cách liên tiếp rơi vào hai vụ mùa mất trắng vì lũ lụt. Một số người gồng mình rau cháo cầm cự được, riêng ông Bửu Chín vì đông con lại không biết tính toán nên đồ quả thực lần lượt ra đi. Đầu tiên là hai sào ruộng rồi đến nửa con bò, cuối cùng là chiếc mâm đồng. Và gia đình ông lại trở về với nghề kiếm sống trước đây là nhặt phân bán cho người trồng thuốc. Hằng ngày bốn người con lớn của ông gọi nhau dậy từ lúc hai giờ sáng quảy gánh, vào mãi tận bãi biển Hải Thanh, Ba Làng, xa hai mươi cây số nhặt đầy gánh phân, gần tối mới về. Ngày nào kiếm đủ gạo ăn ngày đó...

Như một guồng máy chuyển động, xã hội phát triển kéo theo gia đình Bửu Chín. Những năm 1970 nhà ông đã thoát được cảnh kiếm ăn từng bữa nhờ làm muối và thu hoạch mùa nào thức nấy trên 3 sào ruộng được hợp tác xã chia cho. Song điều vui nhất là ông có đứa cháu nội tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm về dạy trường cấp II xã nhà. Lịch sử cũng như muốn khép lại sự tị hiềm đố kỵ bao năm qua, nó đã trở thành cháu rể của anh.

Trưa mồng Bốn, bố con Đức đang chuẩn bị ra xe về Hà Nội thì ông Bửu Chín bước vào nhà. Làng Văn Hà hiện nay có gần 400 hộ gia đình, gồm nhiều dòng họ: Hoàng, Bùi, Nguyễn, Tô... nhưng chỉ có chi họ Lê của Đức là thành đạt nhất. Số người lớn tuổi khá đông. Song ông Bửu Chín vẫn là người nhiều tuổi nhất, bước qua con số 87. Từ ngoài ngõ, ông đã lên tiếng:

- Bố con ông Đức định về hôm nay à? (ở đây khi bố hoặc mẹ đã ngoài tuổi 60 thì người ta lấy tên con gọi thay).

- Mời ông vào chơi. Tết quê vui lắm nhưng không thể ở lâu được, cháu nó phải đi làm - Bố Đức nói.

- Tôi cũng muốn "trình bày" với ông và cháu kế hoạch dựng lại ngôi đền ở gốc đa làng.

Ngôi đền mà ông Bửu Chín nói được xây từ thời nhà Lê thờ một vị tướng có công với nước. Đền xây theo hình chữ đinh, phía ngoài có ba gian, hậu cung rộng rãi. Năm bộ đội miền Nam tập kết đóng quân trong làng, cả đại đội vào họp vẫn không hết chỗ. Vào những năm đầu 1970 "cấp trên" ra lệnh phá đền lấy gạch, ngói xây trường cấp I của xã. Nghe nói cái ông ra lệnh đó đã bị chết bất đắc kỳ tử chỉ chưa đầy nửa năm sau trong một tai nạn giao thông. Gần đây các vị "bô lão" trong làng họp dân, quyết định vận động bà con xa gần, các nhà hảo tâm góp tiền xây lại ngôi đền theo nguyên mẫu trước kia. Ông Bửu Chín được bầu là trưởng ban vận động. Ông nói chỉ có một nguyện vọng trước khi chết được nhìn thấy ngôi đền đã được phục dựng dưới gốc cây đa như trước đây.

Như được khơi trúng mạch nguồn suy tư, bố Đức nhìn ông già tuy tuổi đã cao song bước đi vẫn còn nhanh nhẹn.

- Thưa ông! Về việc phục dựng lại ngôi đền đầu làng, chúng tôi rất tán thành. Làng mình mà không còn ngôi đền thì coi như mất đi một phần văn hóa. Còn nhớ khi tám, chín tuổi, đêm Ba mươi Tết, tôi theo bố tôi đội mâm đồ lễ ra đền dâng cúng cơ mà. Từ khi phá ngôi đền, cây đa như kẻ cô đơn; mà mỗi lần đặt chân về tới đầu làng tôi vẫn như thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Gia đình tôi rất hoan hỉ được cung tiến một khoản tài chính cho việc phục dựng ngôi đền và tôi sẽ vận động con em làng Văn Hà ở Hà Nội góp tay chung sức cho công trình sớm được khởi công.

Đức ngồi nghe câu chuyện giữa bố anh và ông Bửu Chín, càng có thêm hiểu biết về làng Văn Hà của anh hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Về quê ăn Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.