(HNM) -
Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" với 3 nội dung trọng yếu: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhất là ở TƯ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH; (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền... đã nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cũng là tâm điểm của hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng Đảng. Đây là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ, cũng là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể nói là một cuộc đấu tranh cam go, gian khổ diễn ra trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Vì vậy, ngành tổ chức xây dựng Đảng, với vai trò là cơ quan chủ trì cần tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện nghị quyết.
Kết hợp luân chuyển và điều động cán bộ, tạo chuyển biến trong công tác tổ chức xây dựng đảng. Ảnh: Huyền Linh
Trưởng ban Tổ chức TƯ Tô Huy Rứa khẳng định rõ tinh thần sẵn sàng nhập cuộc: "Toàn ngành không thể đứng ngoài đặt câu hỏi "Biết có thực hiện được không?" mà phải tích cực vào cuộc với tinh thần tích cực, chủ động và kiên quyết hơn để khắc phục hạn chế, yếu kém, vượt qua khó khăn, thử thách, tận tâm, tận lực góp phần tạo chuyển biến mới trên các mặt công tác tổ chức xây dựng Đảng". Theo đó, ngay trong năm 2012, Ban Tổ chức TƯ sẽ tham mưu cho Ban Chấp hành TƯ, BCT, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức Đảng (TCĐ) hướng dẫn và kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4; đôn đốc, kiểm tra việc kiểm điểm của cấp ủy, TCĐ, cán bộ diện cấp ủy quản lý. Tập trung vào những việc cần thiết, cấp bách có thể làm ngay, Ban tích cực phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu cho BCT, các cấp ủy xây dựng và thực hiện các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy khi để cơ quan, đơn vị mình trực tiếp xảy ra tham nhũng, lãng phí; cụ thể hóa việc mở rộng quyền tự đề cử, tự ứng cử và giới thiệu nhiều phương án nhân sự. Ban tiếp tục tham mưu cho TƯ và các cấp ủy thực hiện quy trình lấy phiếu giới thiệu, tín nhiệm trong công tác cán bộ...; xây dựng cơ chế, quy chế phát hiện, tiến cử và sử dụng người tài cùng các nội dung quan trọng liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ. Toàn ngành sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả 35 đề án, trong đó có những nhiệm vụ rất quan trọng lần đầu tiên thực hiện như: Tham mưu xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành TƯ, BCT, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước; Đề án "Nhận xét, đánh giá các đồng chí UVTƯ Đảng".
Tạo chuyển biến về công tác cán bộ
Xuất phát từ yêu cầu của công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay, Ban Tổ chức TƯ quyết định thông qua sơ thảo Quy định luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố. Bản sơ thảo này được những người làm công tác tổ chức đánh giá có nhiều điểm mới, chi tiết, phù hợp với tinh thần quyết liệt của Nghị quyết TƯ 4 "Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay".
Theo đó, TƯ đặt ra 3 mục đích đối với công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ; khắc phục tâm lý chủ quan, thỏa mãn của cán bộ khi công tác lâu năm ở một vị trí công tác, một địa bàn, hạn chế sự ràng buộc đối với cán bộ bởi các mối quan hệ họ hàng, dòng tộc; kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý, tăng cường cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách... Đặc biệt, thời gian tới TƯ sẽ đẩy mạnh thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí cán bộ không là người địa phương và không bố trí cán bộ đảm nhiệm chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị đối với các chức danh bí thư huyện ủy, tỉnh ủy; chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, TP trực thuộc cấp tỉnh; viện trưởng Viện KSND cấp huyện, tỉnh; trưởng công an quận, huyện, giám đốc CA tỉnh, TP.
Ngoài nội dung đẩy mạnh luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Tổ chức TƯ sẽ nghiên cứu, đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Xuất phát từ thực trạng, tiêu chí đánh giá cán bộ còn chung chung, tiêu chuẩn cán bộ mới thiên về bằng cấp; quy trình, nội dung lấy phiếu tín nhiệm còn hình thức; thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan đơn vị chưa rõ... Trưởng ban Tổ chức TƯ Tô Huy Rứa khẳng định, tới đây sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ bằng các quy chế, quy định cụ thể gắn liền với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp do Nghị quyết TƯ 4 đề ra. Ngành sẽ tham mưu cho TƯ và các cấp ủy đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, trong đó xem việc mở rộng dân chủ trong Đảng, tạo điều kiện để nhân dân tham gia đánh giá, đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm cán bộ là giải pháp quan trọng để đánh giá đúng thực chất... Với khí thế mới, đặc biệt là phát huy kết quả năm 2011, toàn ngành xác định rõ vai trò, gương mẫu đi đầu trong việc tổ chức thực hiện việc đánh giá cán bộ nói riêng, thực hiện các nội dung, yêu cầu của Nghị quyết TƯ 4 nói chung, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, củng cố niềm tin trong nội bộ Đảng và nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.