(HNMCT) - Việt Nam là đất nước của những cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc, chống kẻ thù xâm lược. Nền văn học, nghệ thuật của chúng ta, ở phần nổi bật nhất, là những tác phẩm về đề tài vệ quốc, trong đó có hình tượng các thương binh - liệt sĩ trên nền cảm hứng xuyên suốt là lòng yêu nước sâu sắc. Ngay cả trong thời bình, đề tài này vẫn đầy sức hút và rộng mở biên độ sáng tác với người viết.
Ở thời hiện đại, trong các cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, văn học Việt Nam đã trở thành nền văn nghệ tiên phong chống đế quốc. Thế hệ những nhà văn kháng chiến với những tác phẩm xuất sắc của họ đã định hình gương mặt thời đại, gương mặt những người chiến sĩ anh dũng, dâng hiến đời mình cho non sông, Tổ quốc. Có thể kể đến Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Vùng trời của Hữu Mai, Hòn đất, Một chuyện chép ở bệnh viện, Dưới một vầng ánh sáng đục, Bức thư Cà Mau... của Anh Đức, Người mẹ cầm súng, Những đứa con trong gia đình... của Nguyễn Thi, Chiếc lược ngà, Quán rượu người câm của Nguyễn Quang Sáng...
Tiếp nối các thế hệ đi trước, những người viết trẻ với mảng đề tài này có thể nhắc đến như: Trịnh Sơn (Sóng gió Ô Cấp, Những bóng người trên đất), Nguyễn Thị Kim Hòa (Đỉnh khói, Giấc mơ đá vỡ), Nguyệt Chu (Gió tháng Chạp), Đinh Phương (Đợi đến lượt), Xác phàm của Nguyễn Đình Tú... Cùng với đó, hàng loạt nhật ký chiến trường của những người lính đã được tìm thấy, được công bố, gây xúc động mạnh mẽ trong xã hội. Chưa dừng lại ở đó, bộ tổng tập Kỷ yếu tác giả và tác phẩm trên Văn nghệ quân đội, gồm 5 tập, khoảng 5.000 trang, với nhiều tác giả, tác phẩm viết về người chiến sĩ, về chiến tranh, về những người thương binh - liệt sĩ, chắc chắn sẽ làm đầy đủ hơn nhận thức về một nền văn học sử thi hào hùng.
Trong di sản to lớn của văn học cách mạng, văn xuôi viết về thương binh - liệt sĩ là một bộ phận lớn, góp phần làm nên diện mạo, đặc tính của văn học chiến tranh, văn học sử thi. Một điều có thể khẳng định, gần như không có tác phẩm văn học nào (văn xuôi) khi viết về chiến tranh mà lại không có những chi tiết, những sự kiện liên quan đến hy sinh, mất mát. Sự hy sinh, mất mát trong chiến tranh trở thành động lực, thành điển hình, thành tấm gương tiêu biểu của thời đại, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sự hy sinh, mất mát trong chiến tranh giai đoạn này được nhìn nhận như những biểu hiện của chân lý, của lương tri, sức mạnh dân tộc trước sự tàn bạo, man rợ của kẻ thù.
Một thời đạn bom nay đã lùi xa, đất nước hòa bình, thống nhất, nhưng di chứng của chiến tranh, những hiện hữu đầy nhức nhối từ hệ quả của cuộc chiến vẫn làm chúng ta không thể không nhắc đến đề tài này. Chiến tranh qua đi, người viết có được một độ lùi nhất định để bao quát đối tượng. Những thuận lợi chung về đời sống kinh tế, chính trị xã hội cũng giúp các cây bút có tâm thế thoải mái hơn khi tiếp cận đề tài này. Nền tảng tri thức nhân loại được gia tăng trong không gian văn chương và học thuật Việt Nam cũng là điều kiện khiến các tác giả có thêm công cụ, phương tiện để khám phá đối tượng một cách đầy đủ hơn. Nhiều khoảng không gian được vén mở, gần gũi hơn, sáng rõ hơn, chân thực hơn, đem lại sự phong phú từ bản thân đề tài thương binh - liệt sĩ.
Tuy nhiên, cùng với những điều kiện thuận lợi trên là những thử thách không nhỏ mà người viết đang phải đối mặt. Thiếu những trải nghiệm trực tiếp về chiến tranh, về những hy sinh mất mát là thử thách đầu tiên và lớn nhất đối với người viết đương đại. Họ buộc phải tiếp cận đề tài, đối tượng thông qua sử liệu, tư liệu, chuyện kể, các hồi ức, nhân chứng..., điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến cảm hứng và sự bày tỏ của người viết. Hơn thế, di sản của văn học viết về chiến tranh, về thương binh - liệt sĩ khá lớn.
Điều đó đặt những người viết hôm nay vào tình thế phải đối mặt, phải viết khác, phải đem đến những giá trị mới mà thế hệ đi trước chưa làm được. Sự cạnh tranh của các đề tài khác hấp dẫn hơn, các hình thái nghệ thuật khác lôi cuốn hơn là thử thách không nhỏ đối với văn học viết về đề tài thương binh - liệt sĩ. Ngoài ra, sự lên ngôi của các giá trị nhất thời, mang tính đại chúng; sự trương nở của văn chương diễm tình, sự thống trị của truyền thông đa phương tiện... cũng là thách thức không nhỏ với người viết và cả người đọc.
Chính những điều kiện thuận lợi cùng những thử thách đang đặt ra đã mang đến một diện mạo nhiều khác biệt của văn xuôi hậu chiến viết về chiến tranh nói chung và đề tài thương binh - liệt sĩ nói riêng. Không có đề tài cũ, vấn đề ở đây chính là cách viết, cách khám phá, thể hiện đề tài thương binh - liệt sĩ như thế nào. Đề tài thương binh - liệt sĩ trong văn học Việt Nam luôn là đề tài lớn, gắn với lịch sử, văn hóa dân tộc.
Vẫn biết chiến tranh không bao giờ tách khỏi cái chết, sự mất mát đau đớn, văn chương viết về sự mất mát đó phải đi đến tận cùng của nỗi đau, của chiến tranh, nơi từng thân phận, từng gia đình, từng vết sẹo, từng di chứng, thậm chí những âm ỉ len lỏi trong di truyền của cả một thế hệ, nhiều thế hệ. Những vấn đề liên quan đến thương binh - liệt sĩ đang diễn ra trong xã hội đương đại: Mưu sinh, chính sách, sự tha hóa, sự gìn giữ, nghị lực sống, những đau đớn, di chứng, những chiến công lặng thầm bị quên lãng,... vẫn đang từng ngày, từng giờ được tái hiện, được cất tiếng.
Văn chương viết về đề tài thương binh - liệt sĩ, trong truyền thống ân nghĩa của Việt Nam, trong thái độ trân trọng quá khứ, trân trọng xương máu của các thế hệ đã viết nên lịch sử dân tộc, cần phải đồng hành với sự phát triển của đất nước, để các thế hệ đi sau hiểu và trân quý hơn giá trị của hòa bình.
Trong mỗi gia đình Việt Nam hôm nay ít nhiều đều lưu giữ ký ức về những cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Vì thế, chắc chắn đề tài này sẽ còn thu hút được sự chú ý của cộng đồng. Tuy nhiên, để hấp dẫn người đọc, văn xuôi viết về đề tài này cần chú ý mở rộng phạm vi khám phá, thể hiện, không chỉ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà cần cả chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo và những hy sinh, mất mát của người lính thời bình.
Góc độ phản ánh cũng cần phong phú đa dạng hơn: Mặt tốt, mặt xấu trong mỗi con người, cuộc sống mưu sinh đời thường, phản ánh không chỉ trực tiếp câu chuyện về thương binh - liệt sĩ mà còn cả thân phận gia đình, người thân của họ. Đổi mới văn học viết về đề tài thương binh - liệt sĩ là đổi mới điểm nhìn về đối tượng, đa dạng về điểm nhìn, thay vì lối tiếp cận đơn tuyến như trước đây trong văn học sử thi. Khai thác những khía cạnh phức tạp, ẩn khuất, sâu kín của đề tài, bù đắp những thiếu khuyết trước đây chúng ta chưa có dịp nói đến... Có thể nói, trong những động thái đổi mới ấy, đề tài chiến tranh cách mạng nói chung, và về thương binh - liệt sĩ nói riêng vẫn đầy hấp dẫn đối với công chúng văn học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.