(HNMCT) - Từng có ý kiến cảm thán rằng, văn chương đang lâm nguy, người trẻ ngày càng thực dụng, chẳng mấy ai đoái màng văn chương, hay những ngộ nhận mặc định rằng trẻ đồng nghĩa với thiếu kinh nghiệm cả về sống lẫn viết. Sự thực, đội ngũ người trẻ viết văn vẫn đang ngày ngày nỗ lực tự định vị mình trên bản đồ văn chương nước nhà trong tâm thế lặng lẽ và không ngừng bung trổ.
Đội ngũ viết trẻ chưa bao giờ thiếu vắng
“Trẻ”, đó là độ tuổi dưới 35, sinh từ năm 1986 trở lại đây theo như quy định tạm thời của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn già nào cũng từng là trẻ, và nhà văn trẻ nào rồi cũng đến lúc phải già. Trên ấn phẩm “Viết và Đọc - chuyên đề mùa hạ 2022” mới đây có đăng nội dung cuộc trò chuyện giữa nhà báo Yên Ba và nhà văn Nguyễn Việt Hà cách đây 20 năm. Thời điểm ấy, nhà báo Yên Ba đã đặt ra vấn đề rằng, phải chăng những nhà văn trẻ không vượt qua được thế hệ đi trước như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... cũng như không vượt qua được những gương mặt lừng lẫy của văn học kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ? Câu hỏi ấy dường như là câu hỏi muôn thuở.
Lịch sử văn học Việt Nam như một dòng chảy liên tục, chưa bao giờ đứt đoạn, các thế hệ cứ nối và gối lên nhau. Hơn 20 năm trước, nhà báo Yên Ba đưa ra câu hỏi, thì thời điểm hiện tại đã có câu trả lời. Mỗi giai đoạn văn học như trước 1945, 1945-1975, sau 1975, sau 1986 hay sau 2000 đều có những gương mặt mới. Sự thực, đội ngũ người trẻ viết văn chưa bao giờ thiếu vắng. Bằng chứng là trước mỗi kỳ hội nghị, ban tổ chức phải rất vất vả trong việc chốt danh sách đại biểu trẻ được mời bởi những gương mặt sáng giá được đề cử là quá đông. Tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 vừa qua, số lượng đại biểu trẻ chính thức giới hạn khoảng 140 người, trong khi người trẻ xứng đáng được mời thì còn nhiều. Điều đó có nghĩa, những người trẻ hữu duyên có mặt nơi hội nghị này chỉ là những đại biểu, mang tính đại diện, chứ chưa phải là tất cả những người trẻ lặng lẽ tự nguyện dấn thân làm "phu chữ" trên cánh đồng văn chương.
Chỉ cần nhìn lướt vào những người viết trẻ có tác phẩm nổi bật được xuất bản trong khoảng 2 năm gần đây cũng đủ hình dung về sự hiện diện của lực lượng trẻ và bút lực của họ. Hơn 100 đầu sách cho thấy tính chất nhiều màu lắm vẻ, khẳng định mức độ bao sân chiếm sóng của người trẻ: Ngôn ngữ từ tiếng Việt đến tiếng Anh; loại hình từ phi hư cấu đến hư cấu; thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến tản văn, từ thơ đến trường ca, từ phê bình báo chí đến phê bình hàn lâm, từ dịch xuôi đến dịch ngược; bút pháp từ truyền thống đến hiện đại và hậu hiện đại; đề tài từ lịch sử đến hiện thời, từ người lao động đến lực lượng vũ trang, từ nông thôn đến đô thị, từ đồng bằng đến miền núi...
Trên bức tranh văn trẻ đa dạng, điểm nhấn ấn tượng là cuộc hăm hở “đi tìm mặt” của những chủ thể thơ nội lực, cá tính. Có thể kể đến Khét (tên thật là Trần Đức Tín) với thi tập “Ở đậu trong nhau”, Hà Hương Sơn với “Cuộc hành hương của giấc mơ”, Lý Hữu Lương với “Yao”, Nguyễn Thị Thúy Hạnh với “Văn học vết thâm”, Nam Thi với “Cô độc nên thơ”, Trương Công Tưởng với "Đợi những vắng xa", Phương Đặng với “Con người” và “Bên trong”... Họ xác quyết “đạp tung chật hẹp” để “xới hành trình khác”.
Ở địa hạt văn xuôi, khi mà người đọc ngày nay đã quá bội thực với “hiện thực cuộc sống” được cập nhật từng khắc bởi truyền thông đa phương tiện, đặc biệt là mạng xã hội, thì người ta tìm đọc tác phẩm văn chương không nhất thiết để “nhận thức” thực tại, mà nhiều khi chỉ là phiêu lưu vào một thế giới ở bên ngoài thế giới - để mơ tưởng, để giải trí, để tìm quên; hoặc dò vục vào lịch sử - để truy vấn, để nhắc nhớ, để dự phóng; và trên tất cả là để làm đầy khoái cảm thẩm mỹ nơi mình. Đón nhu cầu đọc của một bộ phận người đọc này, một thế hệ nhà văn trẻ như Đinh Phương, Nguyễn Dương Quỳnh, Minh Moon, Huỳnh Trọng Khang, Đặng Hằng, Nhật Phi, Đức Anh, Hiền Trang, Phạm Giai Quỳnh, Trần Phú Minh Anh (sinh năm 2007), Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008)..., mỗi người một vẻ, đang hăm hở dấn nhập vào cuộc văn mới. Và suy cho cùng, chẳng có cái viết nào của họ lại vô can với thời tiết chính trị văn hóa xã hội của thời đại mà họ đang thuộc về.
Mỗi người viết trẻ hôm nay là một “người chữ”
Những dấn nhập vào cuộc văn mới của người trẻ lại đưa đến một quan điểm khác, cho rằng người viết trẻ xa rời thực tế, thiếu vốn sống, không có khả năng trực chiến áp sát đời sống tươi ròng đang diễn ra nên buộc phải “làm đầy” cái đọc, cái viết của mình bằng cách tìm đến những thể loại như kỳ ảo, giả tưởng, trinh thám... Nhưng, nhận định này xem ra chưa đúng và chưa trúng.
Trẻ là tài sản, là cơ hội. Thứ đáng giá nhất ở họ là sức trẻ, là lập trường trước cái mới cái khác, là tín hiệu chuyển dịch của ý thức tư duy văn chương thời đại.
Văn trẻ mùa này không ồn ào khuấy đảo "gây hấn" như những mùa trước, mà lặng lẽ bung trổ phá cách theo cách của mình với “đầy đủ cá tính, tận lực mà không hỗn loạn” (chữ của Irot Armstrong Richards). Họ ý thức, rằng cách tân trước hết phải là "cách" chính cái tôi chủ thể sáng tạo, là phải "tân" từ bên trong. Họ xác quyết trình hiện mình bằng tác phẩm chứ không bằng bất cứ một "tệp đính kèm" ngoài văn chương nào.
Mỗi người viết trẻ hôm nay là một “người chữ”, nên đều trình hiện mình đầy bản lĩnh tự tin với phông nền văn hóa văn chương triết mỹ vững chắc. Với họ, vốn sống thực tế, vốn sống sách vở, hay vốn sống tưởng tượng không cái nào đắt giá hơn cái nào, chúng đều là tài sản lớn của nhà văn, không dễ mà sở hữu được. Và, mỗi chủ thể viết sẽ tận dụng và phát huy tối đa cái lưng vốn của mình, lựa chọn lối viết mà mình thuận tay nhất, có thể đem tới cho mình mức độ tự do ngôn ngữ và tự do tưởng tượng cao nhất. Họ xa lạ với kiểu viết bản năng, ăn may, “tự ăn mình”, “chuyện đời tự kể”. Họ ý thức cao độ, rằng muốn đi đường dài với văn chương, muốn đi kịp tốc độ tiến hóa của văn chương thì phải không ngừng cập nhật, tích nạp tinh hoa tri thức và tinh túy văn học của nhân loại.
Nhiều người trong số họ là cây bút "đa năng", "nhiều trong một" (nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, dịch giả) như Văn Thành Lê, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Hà Hương Sơn, Lữ Mai, Đào Quốc Minh, Phạm Thu Hà, Nhật Phi, Hiền Trang, Nguyễn Đình Minh Khuê...
Người viết trẻ ở đâu trên bản đồ văn chương?
Trên bản đồ văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam, những người viết trẻ vắng mặt, từ danh sách hội viên (trừ một vài cái tên được bổ sung trong những năm gần đây) đến danh sách giải thưởng hay danh sách khách mời dự tọa đàm, hội nghị, hội thảo (trừ Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc nếu diễn ra vào khung thời điểm mà họ đang còn “trẻ”).
Phải vậy chăng mà chương trình hành động của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020-2025) đã ráo riết vạch ra “những việc cần làm ngay” hướng đến lực lượng người viết trẻ, đó là: Khôi phục tờ báo Văn nghệ Trẻ với phiên bản mới mang tên Nhà văn Trẻ và giao cho người trẻ làm; mời người trẻ giỏi vào Hội, thành lập Giải thưởng Tác giả trẻ... như Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều sốt sắng: “Hội Nhà văn bạt ngàn lau trắng, chúng tôi muốn có thêm người trẻ”.
Vẫn biết rằng, tài năng, nói như nhà văn Hồ Anh Thái thì như hoa của cây vô ưu ashoka, trăm năm mới nở một lần. Tuy nhiên, tài năng nhiều khi không đợi tuổi. Chẳng hạn như cây bút 12 tuổi Bonnie Mae (tên thật là Đặng Hà Linh) với tiểu thuyết đầu tay “Lựa chọn giữa hai thế giới” viết trực tiếp bằng tiếng Anh, vừa được Nhà xuất bản Ukiyoto (Canada) cho ra mắt bạn đọc toàn cầu nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6-2022.
Suy cho cùng, chẳng ai ngẫu nhiên lựa chọn lập thân bằng văn chương. Mỗi cái viết đều là sản phẩm của sự thôi thúc nội tại. Hay nói cách khác, văn học tự bản chất là “văn học vết thâm”. Với người viết, đặc biệt là người trẻ, viết là xoa dịu, là cứu rỗi, là “cô độc nên thơ”, là phóng vượt. Họ như “bầy chim bạc rời nơi ẩn trú/ sải niềm tin về phía mặt người” (thơ Nhung Nhung, sinh năm 1991), như “lũ bồ câu cánh trắng/ vãi từng chùm tự do lên cao” (thơ Hoàng Thúy, sinh năm 1992). Chúc cho họ trường sức để có thể tự vượt lên chính họ, sớm tìm được khuôn mặt và giọng nói của họ. Đó là cuộc tìm kiếm vĩ đại trong cuộc hiện sinh này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.