Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn học trẻ hiện nay: Khơi mạch riêng trong nguồn chung

An Nhi| 10/07/2022 06:18

(HNM) - Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã khép lại, song câu chuyện về văn chương trẻ tiếp tục “nóng” trên các diễn đàn, hội, nhóm và ở nhiều địa phương. Để khơi mạch riêng trong nguồn chung, thúc đẩy văn học trẻ phát triển, bên cạnh sự dấn thân, tìm tòi của các cây bút trẻ, thì sự hỗ trợ, ủng hộ của cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp sẽ là trợ lực quan trọng đối với người viết...

Độc giả chọn lựa sách văn học tại Phố sách Hà Nội. Ảnh: Quang Thái

Mạch văn chương dồi dào

Theo quy ước của Hội Nhà văn Việt Nam, lực lượng viết văn trẻ phải dưới 35 tuổi. Hiện nay, họ xuất hiện khá dày, với bút lực dồi dào, ghi dấu ấn trên tất cả các thể loại. Có thể kể đến Đinh Phương (32 tuổi) đã có 6 tập truyện ngắn và tiểu thuyết; Lý Hữu Lương (33 tuổi) có 4 tập sách gồm thơ, trường ca, bút ký; Lữ Mai (33 tuổi) có 10 tựa sách; Văn Thành Lê (35 tuổi) có 13 tựa sách; Phan Đức Lộc (26 tuổi) có 6 tựa sách; Lê Quang Trạng (25 tuổi) có 4 tập thơ và truyện ngắn; Vũ Thị Huyền Trang (35 tuổi) xuất bản 11 tập truyện ngắn, tùy bút; Huỳnh Lê Triều Phú (25 tuổi) đã ra mắt 9 tựa sách; Phạm Minh Quân (28 tuổi) có 5 tiểu thuyết; Nguyễn Bình (20 tuổi) có cả tiểu thuyết và sách dịch…

Bức tranh văn học mà người trẻ tạo nên cũng rất phong phú, nhiều màu sắc và có chiều sâu. Có người đi vào đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, có người viết ca ngợi những vẻ đẹp, tấm gương điển hình trong cuộc sống hay phơi bày các thói hư, tật xấu trong xã hội. Có tác giả trẻ lại quan tâm đến đời sống của đồng bào miền núi, các vùng quê, nhưng khai thác đề tài khác nhau, như vấn đề bảo vệ môi trường, phòng, chống tệ nạn xã hội, gìn giữ văn hóa... Không ít người viết trẻ cũng mở ra câu chuyện về hội nhập quốc tế, với những nhân vật là công dân toàn cầu, các vấn đề thời sự mà cả thế giới đang đối mặt.

Nhìn vào sự nở rộ của văn học trẻ trong 5 năm trở lại đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Phan Vàng Anh (Trường Đại học Sư phạm Huế) cho rằng, có thể hoàn toàn yên tâm về triển vọng của các nhà văn trẻ. Một chặng đường mới của văn học Việt Nam thế kỷ XXI được mở ra với thế hệ 8X đang sung sức và thế hệ 9X đang hăm hở, giàu tiềm năng sẽ còn tạo được những dấu ấn riêng, mới.

Còn nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa (Tạp chí Văn nghệ quân đội) cho hay, người viết trẻ hôm nay đầy bản lĩnh, tự tin với phông nền văn hóa, văn chương, triết mỹ vững chắc. Họ ý thức rằng, muốn đi đường xa, đường dài với văn chương, theo kịp tốc độ phát triển của văn chương thì phải không ngừng cập nhật, tích nạp tinh hoa tri thức và tinh túy văn học của nhân loại. Họ nỗ lực, dấn thân không chỉ thêm vào bức tranh văn học một gam sắc mới, mà còn là một sức sống mới.

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X quy tụ đội ngũ có bút lực dồi dào, giàu sáng tạo trên văn đàn hiện nay. Ảnh: Tấn Việt

Tạo nguồn lực thúc đẩy dòng chảy

Từ kinh nghiệm của mình, nhà thơ, nhà văn trẻ Lữ Mai cho biết, viết văn là công việc mang tính cá nhân cao, đòi hỏi mỗi người phải dành nhiều thời gian đọc, quan sát và viết với sự kiên trì, quyết tâm. Song những người viết trẻ rất muốn nhận được sự động viên, hỗ trợ, tiếp sức để bước đi trên chặng đường dài.

Còn theo nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học trẻ (Hội Nhà văn Hà Nội), văn chương là tiếng chim gọi bầy, nên kết nối là nhu cầu tự thân. Các hội, nhóm vẫn là một cơ chế quy tụ khả dĩ nhất. Tuy nhiên, để kiến tạo đội ngũ viết trẻ được đông đảo thì các hội, nhóm phải tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, giao lưu về các hiện tượng, vấn đề văn chương hiện nay, trao đổi về tác phẩm của các tác giả trẻ trên thế giới hay mời những nhà văn nổi tiếng nước ngoài, các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài tham gia… Bên cạnh đó, các hội, nhóm nghề nghiệp nên tổ chức nhiều cuộc thi cho các cây bút trẻ thể hiện tài năng, thiết kế các chương trình cho người viết trẻ đi và tự đi để trải nghiệm, tích lũy thực tế và đặc biệt là tích cực tổ chức các kênh đầu ra theo hướng liên kết với các nhà xuất bản, tổ chức trong và ngoài nước…

“Dòng chảy văn học trẻ, ngoài việc được khởi lên từ chính tài năng, nội lực, tri thức, trải nghiệm, tình cảm của những người viết, còn được góp phần xây dựng, bồi bổ, thúc đẩy, xúc tác từ những yếu tố bên ngoài có liên quan”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) khẳng định. Dù đã có nhiều hoạt động phát triển thị trường sách, thúc đẩy văn hóa đọc, giúp các tác giả trẻ giới thiệu tác phẩm; có nhiều giải thưởng của hội nghề nghiệp, sân chơi, câu lạc bộ thơ văn trẻ ra đời, song các hoạt động hỗ trợ này chỉ mang tính sự vụ, nhỏ lẻ, chưa thành phong trào, chưa nâng lên tầm chính sách, cơ chế…

Tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X diễn ra trung tuần tháng 6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, muốn nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa, Nhà nước phải tạo được hành lang pháp lý thuận lợi cho họ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Chính phủ cho phép xây dựng nghị định về hoạt động văn học, nghệ thuật đáp ứng được thực tiễn đang vận động, phát triển. Bộ sẽ phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện các công việc cụ thể, thiết thực, như nâng cấp trại sáng tác, xây dựng giải thưởng văn học quốc gia, hiện thực hóa đề án nâng cao năng lực sáng tác, lý luận và phê bình văn học giai đoạn 2022-2025…, nhằm tạo động lực thúc đẩy văn học trẻ phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn học trẻ hiện nay: Khơi mạch riêng trong nguồn chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.