Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ tích cực cho văn học trẻ

Hạ Yến| 07/07/2022 16:57

(HNMCT) - Tương lai của nền văn học Việt Nam phụ thuộc vào sự dấn thân của các nhà văn trẻ hôm nay. Hànộimới Cuối tuần xin giới thiệu một số ý kiến của các nhà thơ, nhà văn về những vấn đề của văn học trẻ.

Nhà thơ Vinh Huỳnh, Chủ nhiệm CLB Văn học trẻ Hà Nội:
Tìm điểm tựa cho nhà văn trẻ cất cánh

Không rõ lý do nào, tuy nhiên Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc vừa qua, tôi thấy một số gương mặt sáng giá đã không xuất hiện. Đặt giả thiết về điều kiện lựa chọn đại biểu, theo tôi, nên thêm nhiều tiêu chí đánh giá, mở rộng cả về thể loại (cần chấp nhận đa thanh và thay đổi các góc nhìn) dựa vào chất lượng sáng tác thì mới quy nạp chính xác.

Hiện có nhiều cây bút trẻ sáng tác, in ấn, hoạt động văn học rất tích cực trên trang cá nhân, trên mạng internet... nhưng ít hoặc hầu như thờ ơ, không quan tâm, không hào hứng với các hoạt động của Hội Nhà văn. Điều này có lẽ do họ thiếu tri âm tri kỷ, những sáng tác của họ ít được lắng nghe. Khác với thời xưa, ngày nay không phải đội ngũ viết trẻ chưa đủ tự tin, mà quá tự tin. Họ xác quyết vào phong cách, lối viết mà họ theo đuổi, trong khi nhiều ý kiến từ các nhà văn trong Hội lại cho rằng, sáng tác của họ không phải hoặc ít tính văn chương nên không dễ chấp nhận, như là với các tác phẩm trinh thám, fantasy, sci-fi, tranh truyện...

“Văn chương là tiếng chim gọi bầy” nên kết nối là nhu cầu tự thân. Các hội nhóm vẫn là cơ chế quy tụ khả dĩ nhất, chỉ có điều hoạt động như thế nào. Để kết nối, quy tụ, kiến tạo đội ngũ viết trẻ thì phải chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của các cây viết trẻ. Khi các cây viết trẻ đã trong hội đoàn rồi thì cần có sự hỗ trợ một cách hiệu quả. Bản thân viết văn là công việc tự thân của từng cá nhân, nhưng hội đoàn có thể hỗ trợ phần nào như tăng cường tổ chức các hoạt động chuyên môn (tổ chức các cuộc thi, hội thảo, tọa đàm, giao lưu); thiết lập các đội nhóm có chung khuynh hướng sáng tác; liên kết với các nhà sách, các đơn vị xuất bản để hỗ trợ xuất bản, tái bản tác phẩm; tổ chức các khóa bồi dưỡng viết bởi hiện nay có rất nhiều cây bút học và làm ngành nghề khác nhau lại có tác phẩm văn chương đáng chú ý.

Tôi cho rằng, sẽ không phải “tiếc những chân trời không có người bay” mà hiện đang có những cánh chim báo bão âm thầm trong văn chương Việt. Việc cần làm là tạo cho những người này phương tiện để bay tới chân trời rộng mở.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ:
Nhà văn trẻ không cần so sánh với ai

Người phương Tây có câu ngạn ngữ rằng, mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng so sánh. Nhưng cũng lại có câu rằng, mọi so sánh đều là khập khiễng. Vì thế, tôi cho rằng mỗi nhà văn trẻ khi cầm bút thì điều quan trọng là không bao giờ so sánh mình với ai. Bởi mỗi một thế hệ nhà văn trẻ không những có một tính cách, cá tính, cuộc sống, cách viết riêng mà hoàn cảnh lịch sử xã hội của từng giai đoạn cũng thay đổi. Thế thì tại sao chúng ta lại phải so sánh mình với thế hệ trước để rồi tự dằn vặt? Ngay cả những tên tuổi lớn thành công từ lúc trẻ, nhưng đó là sự thành công mà hậu thế đánh giá chứ không phải sự thành công được đánh giá ở thời điểm nhà văn ấy còn trẻ. Tôi tin rằng, người ta có thể dạy cách viết, cung cấp kiến thức nền tảng, tạo bệ phóng, nhưng không thể dạy để trở thành nhà văn. Con đường của những người cầm bút là phải tự đi, tự nỗ lực. Trên con đường đó, người cầm bút không tuân theo một khuôn mẫu nào mà phải vượt thoát ra khỏi những khuôn mẫu.

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng:
Khơi nguồn cho dòng chảy văn học trẻ

Dòng chảy văn học trẻ, ngoài việc được khởi lên từ chính tài năng, nội lực, tri thức, trải nghiệm, tình cảm của những người viết trẻ, trong thực tế diễn tiến còn được xây dựng, bồi bổ, thúc đẩy, xúc tác nhờ những yếu tố bên ngoài có liên quan. Trong công tác của hội nghề nghiệp, có một số hoạt động đáng chú ý hướng đến người cầm bút trẻ, như các chuyến đi thực tế, trại sáng tác mà thành phần tuy không chiếm chủ đạo nhưng có sự tham gia của những gương mặt trẻ; Sân thơ trẻ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội được tổ chức hằng năm; Giải thưởng Tác giả trẻ cũng đã được khởi động; Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc quy tụ đông đảo các gương mặt trẻ tài năng, sung sức, tâm huyết trong sáng tạo văn học...

Tuy nhiên, trong bối cảnh thời gian qua và hiện tại, những mối quan tâm, những hoạt động hợp tác, hỗ trợ có tính chất tương đối ổn định, thông thường đó đang ngày càng cho thấy sự khiêm tốn, hạn chế, và cần được thúc đẩy hơn bằng nhiều sáng tạo mới, cách làm mới phù hợp tình hình, phù hợp với điều kiện sống, sáng tác, những nguyện vọng, mong muốn của nhiều người viết trẻ. Dễ nhận thấy, sự quan tâm, hỗ trợ đối với các tác giả trẻ thời gian qua thường mang tính sự vụ, nhỏ lẻ, xuất hiện đây đó, chứ chưa thành phong trào, chưa được lan rộng, đặc biệt là chưa được nâng lên tầm chính sách, cơ chế. Ngành Văn hóa nói chung, trong công tác sự nghiệp, vẫn thường tập trung vào các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, bảo tồn bảo tàng..., riêng lĩnh vực văn học, trong đó có văn học trẻ, còn nhiều khoảng trống.

Về lâu dài, cần chú trọng xây dựng chính sách, cơ chế tìm kiếm, bồi dưỡng, đào tạo, hỗ trợ các tài năng văn học trẻ. Nên từng bước xây dựng, tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện văn chương cụ thể và thiết thực cho những người viết trẻ như tổ chức các cuộc vận động sáng tác, xây dựng cơ chế đặt hàng, các mô hình hỗ trợ tác giả trẻ in tác phẩm, tổ chức ra mắt, quảng bá, tổ chức trại sáng tác văn học trẻ... Một nhu cầu không nhỏ của nhiều cây bút trẻ là ngoài vấn đề sáng tác mang tính chất cá nhân, riêng tư, thì việc kiến tạo các hoạt động, diễn đàn để giao lưu, trao đổi, thúc đẩy nhau cùng làm nghề, sáng tạo, gắn bó hoặc đi dài hơi với văn chương cũng rất quan trọng và cần thiết.

Nhà văn trẻ Đức Anh:
Văn chương không hẳn là một cho tất cả

Văn học Việt Nam đang có sự nhúc nhích, tất nhiên đâu đó chúng ta vẫn nghe thấy rằng chưa có tác phẩm thực sự chất lượng. Tuy nhiên, ngày nay, văn chương không hẳn sẽ là một cho tất cả, mà từng tác phẩm sẽ đáp ứng từng nhu cầu: Sự đọc và viết giờ đây sẽ là sự cùng tư duy.

Tiểu thuyết Việt Nam có thể nhìn ra thế giới được không? Thực lòng tôi không dám đánh giá hay đề cao một nẻo đường nào. Cái nhìn thế giới có thể làm ta lạc mất vị trí của ta ở nơi bản địa, cái nhìn của ta cũng đâu có thể mạnh mẽ hơn các nước dẫn đầu. Đó là còn chưa kể, chúng ta ngày nay chưa gặp những vấn đề như thế giới đang gặp phải.

Tôi hy vọng, không dám nói trước, sẽ tiếp tục con đường của mình. Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi trải nghiệm cuộc sống này như một công dân của một thế giới vừa phồn hoa vừa Kafka. Và điều đó bồi đắp cho kinh nghiệm sống và quan sát của chúng tôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ tích cực cho văn học trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.