(HNMO) - Đây là nội dung rất được quan tâm tại Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP mới được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ.
Cuối giờ chiều ngày 21/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố toàn bộ nội dung dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; trong đó, có một số nội dung hiện đang được dư luận quan tâm.
Đó là: Thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động sản xuất, gia công, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ là 12 tháng; thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là 6 tháng. Sau thời gian này, hoạt động mua bán vàng miếng phải được thực hiện tại các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.
Tất cả các loại vàng miếng đã được NHNN cho phép sản xuất và lưu thông trong thời gian trước đây vẫn tiếp tục được lưu thông sau khi Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực thi hành.
Những nhà đầu tư đang sở hữu vàng miếng Rồng Thăng Long đã có thể yên tâm |
Đối với việc xử phạt các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 202/2004/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh vàng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 174 cho tới khi Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực thi hành.
Như vậy, thông tin trên đã làm nhẹ lòng những nhà đầu tư đang ôm vàng miếng phi SJC bởi quyền lợi của họ được bảo đảm.
Lý do là, ngày 28/10 NHNN cho biết đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó dự thảo quy định, để được NHNN xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký hoạt động sản xuất vàng miếng trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên; Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng miếng; Chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất.
“Chiểu” theo quy định trên thì trong 8 doanh nghiệp sản xuất vàng miếng hiện nay chỉ có duy nhất Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đủ điều kiện sản xuất vàng miếng bởi vàng SJC của doanh nghiệp này chiếm trên 90% thị phần vàng miếng cả nước.
Sau thông tin trên, nhiều nhà đầu tư ôm vàng miếng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đã lũ lượt mang đi bán bởi lo sợ cho số phận vàng miếng phi SJC nếu Dự thảo Nghị định trên được ban hành. Vì vậy, thị trường vàng miếng xuất hiện tình trạng 2 giá. Kể từ ngày 4/11 Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng Rồng Thăng Long luôn thấp hơn nhiều so với vàng miếng SJC thay vì ngang bằng hoặc chênh lệch không đáng kể như trước nhằm hạn chế khách đi bán. Chênh lệnh giá giữa hai loại vàng miếng này có lúc lên đỉnh điểm là 800.000 đồng mỗi lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.