(HNM) - Bộ Y tế vừa ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế cũng đề nghị vận động hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong đám cưới, lễ tang, lễ hội.
Tách riêng bối cảnh, thời gian xuất hiện văn bản nói trên, dễ thấy nội dung của nó mang tính thiết thực, cần thiết, có lợi cho cộng đồng. Nói vậy là bởi ai cũng biết việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra nhiều loại bệnh, trong đó có những bệnh đặc biệt nguy hiểm như ung thư phổi, đột quỵ… Tuy thế, có ý kiến cho rằng văn bản nói trên xuất hiện ở thế kỷ XXI, thời điểm mà người người đều biết về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, nỗi khổ của người phải chịu ảnh hưởng của khói thuốc… mà vẫn thiên về kêu gọi "vận động", "hạn chế hoặc không hút thuốc" thay vì xác định những không gian, địa điểm cụ thể và đề nghị cấm triệt để thì khó có thể tạo hiệu quả thực tế. Chẳng hạn, như với việc tổ chức tang lễ, đám cưới, lễ hội thì cùng với tuyên truyền, vận động người tham gia các hoạt động này tự giác không hút thuốc lá thì còn cần xác định những khu vực cấm hút thuốc cụ thể.
Chúng ta hoàn toàn có thể đề ra quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên các di tích lịch sử, văn hóa. Chúng ta cũng có thể ra quy định cấm hút thuốc tại đám cưới khi đám cưới đó được tổ chức tại hội trường của một cơ quan, đơn vị hay khách sạn nào đó chứ không phải ở tư gia. Chúng ta cũng có thể cấm hút thuốc trong khu vực nhà tang lễ, nơi diễn ra các nghi thức tiễn đưa người quá cố. Quy định cấm có thể do chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ tổ chức đám cưới, chủ khách sạn, nhà hàng ban hành, cũng có thể do các bệnh viện có nhà tang lễ hoặc ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội đưa ra.
Đề ra quy định cấm hút thuốc ở những không gian cụ thể và vận động không hút thuốc ở một phạm vi rộng hơn trong khuôn khổ hoạt động lễ hội, đám cưới, lễ tang, điều đó dễ tạo hiệu quả thực tế hơn là ban hành một văn bản "đề nghị" chung chung. Hơn nữa, để hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tự giác không (hạn chế) hút thuốc lá tại nơi công cộng có được hiệu quả thì cần phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, đặc biệt là tại những không gian công cộng như nhà ga, bến xe, thiết chế văn hóa cơ bản, bệnh viện… Thực tế cho thấy trong thời gian qua, tại nhà ga, nhà chờ ở bến xe, nhà văn hóa và thậm chí là trong khuôn viên bệnh viện vẫn có hiện tượng hút thuốc lá. Việc hút thuốc diễn ra công khai hoặc lén lút và không phải lúc nào thì hành động nói trên cũng bị nhắc nhở hoặc xử lý, do tâm lý e ngại của người dân và do sự buông lỏng của bộ phận có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm.
Động thái nói trên của Bộ Y tế là cần thiết, nhưng ý tưởng đúng thì không thể triển khai và tạo hiệu quả thực tế đầy đủ nếu chỉ dừng lại ở mức vận động, tuyên truyền, "đề nghị". Cần phải xác định cụ thể những nơi có thể và cần phải ban hành lệnh cấm hút thuốc lá và tìm ra giải pháp để thi hành quy định cấm đó một cách triệt để. Nếu không làm được việc đó thì tình hình không thể khá lên dẫu các bộ, ngành, địa phương có ban hành thêm bao nhiêu công văn "đề nghị" nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.