Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn là bài toán lượng - chất

Hoàng Lê| 31/12/2022 14:35

(HNMCT) - Mới đây, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế. Báo cáo ngành đưa ra số liệu không mấy khả quan, cho thấy trong 11 tháng của năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vào khoảng gần 3 triệu lượt, tăng hơn 21 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, dù đánh giá rằng chúng ta chỉ mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch kể từ ngày 15-3 và coi đó là một trong những nguyên nhân kéo giảm số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong cả năm 2022 thì cũng không thể phủ nhận rằng, số lượng khách quốc tế ở mức gần 3 triệu lượt là vô cùng thấp so với năm 2019 - thời điểm chưa xuất hiện đại dịch Covid-19. Hơn nữa, đáng chú ý hơn là nhận xét của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mà theo đó, mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia mở cửa hoạt động du lịch sớm nhất nhưng so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore... thì hoạt động đón khách quốc tế tại Việt Nam không sôi động bằng.

Nhiều người, khi nói về phần việc này, hoàn toàn đồng ý với đánh giá “đi trước về sau” của Thủ tướng Chính phủ. “Về sau”, nhận xét đó chắc hẳn không chỉ hàm ý về số lượng, mà còn về hiệu quả hoạt động thu hút khách cũng như chất lượng dịch vụ đủ để họ quay trở lại hoặc chi tiêu nhiều hơn. “Vấn đề ở đây không chỉ là số lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm nhiều so với mấy năm trước, mà còn là hiệu quả hoạt động thu hút cũng như phục vụ khách khi họ tới Việt Nam. Nhìn về lâu dài, không phải hễ lượng đổi là đương nhiên chất sẽ đổi theo”, đại diện một công ty lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh viết trên trang cá nhân khi bàn về mô hình dịch vụ du lịch tại một số điểm đến ở Việt Nam.

Hàng chục năm qua, tính cho tới khi dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh qua từng năm. Mức tăng đó cho phép hy vọng, phấn khích khi nhìn nhận tương lai của ngành kinh tế đặc biệt này.

Nhưng, ngay vào lúc đa số đang phấn khởi, chỉ cần thận trọng một chút là có thể nhận ra những gì mà chúng ta đang và sẽ đối mặt, phải vượt qua nhằm duy trì sự phát triển bền vững. Đó chính là chất lượng dịch vụ, yếu tố quan trọng hàng đầu để giữ chân du khách, khiến họ chi tiêu nhiều hơn cũng như muốn quay trở lại.

Nói vậy là bởi trong khoảng thời gian đã qua, tại Việt Nam, một trong những điều quan trọng thu hút khách du lịch quốc tế là sự lạ, những điều mới mẻ trong mắt khách cũng như chi phí thấp cho chuyến đi bình dân. Vẻ bí hiểm ở Phong Nha - Kẻ Bàng, sự lạ cao nguyên đá Đồng Văn, vẻ đẹp thơ mộng Đà Lạt, Mộc Châu, “vịnh đẹp nhất” Hạ Long, nét văn hóa - kiến trúc đặc biệt ở Hà Nội, Huế, Hội An... có sức hút mạnh mẽ đối với du khách quốc tế, đặc biệt là khách Âu - Mỹ, nhưng không có gì bảo đảm rằng họ sẽ quay trở lại khi yếu tố “độc, lạ”, “mới mẻ” không còn nữa. Khi đó, một chuyến đi thứ hai, thứ ba... tới những điểm đến đã trở nên quen thuộc phần nào phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ mà họ đã được trải nghiệm.

Và như thế, chất lượng dịch vụ tại điểm đến chính là yếu tố quan trọng để duy trì mức tăng trưởng ổn định về số lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong hiện tại và tương lai, ngay cả khi nền kinh tế thế giới chưa ổn định trở lại và du khách trở nên đắn đo hơn trong việc lựa chọn điểm đến cho hành trình du lịch của mình.

Lượng khách quốc tế giảm mạnh so với cách nay 3 năm, nhưng đó không phải mối lo hàng đầu bởi sự sụt giảm về số lượng rồi sẽ được bù đắp khi thị trường khách truyền thống của du lịch Việt Nam, như Trung Quốc, không còn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhìn vào tương lai và sự ổn định, tính bền vững trong phát triển, điều quan trọng là tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nói chung cũng như dịch vụ dành cho phân khúc khách có khả năng chi tiêu cao. Vấn đề không mới, nhưng khi thực hiện giải pháp còn thiếu tính đồng bộ, nay cần có thái độ ứng xử khác, mạnh mẽ hơn, chủ động hơn, tính liên kết chặt chẽ hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn là bài toán lượng - chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.