(HNM) - Ngày 12-10, Hội đồng Tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường cùng Hội đồng Tư vấn về tôn giáo (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) tổ chức hội nghị góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, văn kiện trình Đại hội XII của Đảng được chuẩn bị công phu, có sự đổi mới cả về nội dung và cách thể hiện, đánh giá đúng tình hình thực tế, có tính tổng kết và khái quát cao; đã tiếp thu có chọn lọc ý kiến của đại hội Đảng bộ các cấp, đóng góp của các tổ chức và nhân dân, đạt được sự thống nhất cao trong những vấn đề lớn cả về lý luận và thực tiễn.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng dự thảo văn kiện cần khắc phục được tình trạng dài, dàn trải, chung chung...; đồng thời, tập trung góp ý các vấn đề liên quan đến quản lý phát triển xã hội; xác định mô hình tăng trưởng kinh tế; vấn đề về tôn giáo... Một số đại biểu bày tỏ mong muốn, chủ trương, phương hướng về công tác quản lý phát triển xã hội trong nhiệm kỳ tới cần đặt ra một cách quyết liệt hơn; việc tổ chức thực hiện các chính sách xã hội cần sâu sát, cụ thể, nhất là phải có các chế tài ràng buộc trách nhiệm, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân.
Góp ý về phát triển kinh tế, các đại biểu nhấn mạnh, hiện nay có nhiều vấn đề liên quan đến mô hình kinh tế cần phải làm rõ, trong đó có việc phải định ra lộ trình để hạn chế dần sự lệ thuộc vào nguồn vốn ODA. Về vấn đề tôn giáo, đại biểu chức sắc các tôn giáo đề nghị bổ sung một số luận điểm mới về vai trò của tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
l Ngày 12-10, Trung ương Đoàn tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, giáo viên, tri thức trẻ, giảng viên trẻ và sinh viên đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Tại hội nghị, các ý kiến tham gia góp ý đều bày tỏ cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo văn kiện, đồng thời đề xuất chỉnh sửa các nội dung: Tình hình giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ; thực hiện chính sách xã hội, các vấn đề giải quyết việc làm, văn hóa, sân chơi tri thức dành cho học sinh, sinh viên; tình hình phát triển của thanh, thiếu nhi hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường…
Các đại biểu cũng quan tâm đóng góp nhiều ý kiến về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; chú trọng học đi đôi với hành, lý luận gắn liền thực tế, đào tạo ngành nghề phải sát với nhu cầu thực tế cần sử dụng, cấp văn bằng chứng chỉ phải đúng với thực chất kiến thức của người học…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.