(HNM) - Dư luận còn chưa hết bàng hoàng vì vụ cháy chung cư 18 tầng tại đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính (Thanh Xuân) khiến 2 người chết thì mấy ngày hôm sau lại xảy ra cháy trên tầng 25 công trình tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam (Từ Liêm)...
Hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng trở thành nỗi ám ảnh của không ít cư dân nội thành. Chưa kể còn vô vàn vấn đề khác liên quan đến đời sống dân sinh. Thế nhưng không ít nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn "điếc không sợ súng". Nói đúng hơn, các nhà đầu tư và cả các cơ quan hữu trách không "điếc", vấn đề ở chỗ vì lợi nhuận hay một lý do nào khác mà họ giả vờ "điếc".
Đơn cử, gần đây một số người dân tái định cư tại Khu tập thể Kim Liên không muốn lên nhà mới cũng bởi một lý do đơn giản, họ chưa thực sự yên tâm với thay đổi thiết kế của chủ đầu tư dự án, nói cách khác là họ cảm thấy thiếu an toàn. Khoan nói chuyện chủ đầu tư tự thay đổi kết cấu, thu hẹp cầu thang, tăng số tầng... chỉ riêng chuyện thoát hiểm nếu xảy cháy đã là cả vấn đề. Khu nhà này có hai khối nhà 17 và 14 tầng, mỗi khối có một cầu thang. Cầu thang ở khối nhà 14 tầng đi trực tiếp lên nhà sinh hoạt cộng đồng, cũng có thể sử dụng để thoát hiểm, nay chủ đầu tư phá bỏ. Lên nhà sinh hoạt cộng đồng, cư dân nhà 14 tầng có thể đi nhờ cầu thang của khối nhà 17 tầng, nhưng nếu xảy ra hỏa hoạn, người dân chạy đi đâu? Liệu họ còn có thể chạy nhờ cầu thang của khối nhà 17 tầng? Hậu quả sẽ ra sao?
Chủ đầu tư vì lợi nhuận mà cố tình phá bỏ cầu thang để mở rộng diện tích cho việc kinh doanh đương nhiên rất đáng trách, thế nhưng các cơ quan chức năng phê duyệt, thiết kế nếu tiếp tục để tình trạng này tồn tại thì còn đáng trách hơn. Việc thay đổi thiết kế ở khu nhà mới Kim Liên, không phải các cơ quan hữu trách không biết, mà vấn đề ở chỗ "biết rồi để đấy". Văn bản của Thanh tra Sở Xây dựng đã thừa nhận những sai lệch của thiết kế nhưng lại không đề nghị biện pháp xử lý triệt để. Thêm nữa, những thay đổi thiết kế này chưa được UBND thành phố chấp thuận, chủ đầu tư đã triển khai xây dựng và cũng không công bố công khai bản vẽ thiết kế điều chỉnh cho bà con. Do vậy đã gây nên tình trạng khiếu kiện kéo dài...
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp cụ thể minh chứng cho tình trạng "điếc không sợ súng" mà thực chất là chạy theo lợi nhuận, bất chấp những hiểm họa có thể xảy ra. Đã đến lúc nhà đầu tư phải dừng ngay việc điều chỉnh kết cấu khối nhà này, dành nhiều khoảng không hơn nữa cho các tiện ích dân sinh thiết yếu. Các cơ quan có trách nhiệm của thành phố cũng cần khẩn trương vào cuộc làm rõ vấn đề, sai phạm đến đâu phải có biện pháp xử lý thấu tình đạt lý, không để người dân phải bức xúc kéo dài.
Hà Nội có 364 nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên) đã đưa vào sử dụng, trong đó 247 nhà có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các vụ cháy, chưa kể hàng trăm công trình cao tầng khác đang được gấp rút hoàn thiện. Thành phố cần tổ chức một cuộc thanh tra diện rộng đối với các công trình xây dựng cao tầng đã và đang hoàn thiện để xử lý triệt để các vấn đề kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho người dân, không để tình trạng đáng tiếc như đã xảy ra với các chung cư cao tầng thời gian vừa qua. Nếu xử lý sớm, triệt để, xã hội sẽ tránh được rất nhiều hệ lụy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.