(HNM) - Những năm gần đây, thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) đang ngày một tăng. Nhiều dịch bệnh như tai xanh, lở mồm long móng ở gia súc, bệnh cúm gia cầm, dịch lùn xoắn lá, rầy nâu,… ở cây lúa; bão lụt, hạn hán… đã gây nhiều khó khăn trong sản xuất cho nông dân.
(HNM) - Những năm gần đây, thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) đang ngày một tăng. Nhiều dịch bệnh như tai xanh, lở mồm long móng ở gia súc, bệnh cúm gia cầm, dịch lùn xoắn lá, rầy nâu,… ở cây lúa; bão lụt, hạn hán… đã gây nhiều khó khăn trong sản xuất cho nông dân.
Chính sách bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) được xem như giải pháp tránh thiệt hại phần nào cho nông dân. Tuy nhiên, việc triển khai còn rất chậm và muốn khai thông cần phải có chiến lược đồng bộ.
Rất khó triển khai
Chăm sóc đàn gà tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây.Ảnh: Bá Hoạt
BHNN xuất hiện cách đây 30 năm, đủ lâu để một chính sách, chiến lược được hiện thực hóa. Tuy nhiên, đến nay BHNN vẫn ở điểm xuất phát. Thống kê của Bộ Tài chính mới đây cho thấy, tỷ trọng tham gia BHNN của nông dân rất thấp, chưa tới 1% tổng diện tích cây trồng, vật nuôi. Và mỗi khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, nguồn hỗ trợ cho nông dân hoàn toàn từ phía Nhà nước như một điệp khúc được lặp đi lặp lại. Doanh nghiệp (DN) đầu tiên nhận BHNN cho nông dân là Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt). Ban đầu, việc bảo hiểm được thí điểm trên cây lúa vào năm 1983 ở 2 huyện Vụ Bản và Nam Ninh (tỉnh Nam Định). Đến năm 1998, Bảo Việt mở rộng hình thức bảo hiểm cho cây lúa ra 26 tỉnh, thành với khoảng 200.000ha. Song đến năm 1999, đơn vị này phải bỏ cuộc vì phải chi bồi thường 14,4 tỷ đồng trong khi thu phí chỉ được 13 tỷ đồng. Các gói BHNN khác cho vật nuôi cũng đều phải bù lỗ.
Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Hợp tác và Phát triển (Bộ NN&PTNT) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc BHNN tại Việt Nam khó triển khai như: không có thị trường truyền thống nên số lượng người tham gia ít dẫn tới mức phí bảo hiểm cao; thiếu kênh phân phối phù hợp; Nhà nước chưa có cơ chế bắt buộc nông dân tham gia BHNN,… Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do tính chất SXNN của nước ta rất manh mún, nông dân chưa có thói quen mua bảo hiểm, chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc mua bảo hiểm nên ngại tham gia. Nhiều nông dân còn lo DN đánh giá thiệt hại không khách quan và hỗ trợ không kịp thời. Trong khi đó, DN lại e ngại vì SXNN lợi nhuận ít, độ rủi ro rất cao.
Ông Hoàng Xuân Điều, phụ trách lĩnh vực BHNN của Bảo Việt cho biết, doanh thu mỗi năm từ BHNN của Bảo Việt khoảng 2 tỷ đồng, nhưng mức bồi thường, chi trả có khi gấp 2, 3 lần. Đến nay, Bảo Việt chỉ áp dụng BHNN cho một vài loại hình như chăn nuôi bò sữa ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Kon Tum, Tuyên Quang; trồng cao su ở Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Phước; nuôi cá tra, ba sa ở An Giang. Việc BHNN với cây lúa thì đã dừng hẳn.
Cân bằng lợi ích hai bên
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013. Ðối tượng được bảo hiểm gồm: cây lúa, trâu, bò, lợn, gia cầm, cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng. Với cây lúa, sẽ thực hiện thí điểm BHNN tại các tỉnh: Nam Ðịnh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Ðồng Tháp. Với trâu, bò, lợn, gia cầm thực hiện tại Bắc Ninh, Nghệ An, Ðồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Ðịnh, Bình Dương và Hà Nội. Các loại thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong nông nghiệp như: bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm rét hại, sương giá... và dịch bệnh như cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh, bệnh lở mồm long móng đối với gia súc; bệnh thủy sản đối với tôm, cá tra; dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá đối với cây lúa... sẽ được ưu tiên bảo hiểm. Đây được đánh giá là bước ngoặt để BHNN đi vào đời sống SXNN.
Nói về những điểm mới trong dự thảo BHNN lần này, ông Lê Song Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, ngay trong năm 2010, hộ nông dân nghèo SXNN khi tham gia thí điểm BHNN có thể được hỗ trợ 80-90% mức phí đóng bảo hiểm. Đối với những hộ không thuộc diện nghèo vẫn được hỗ trợ 60% khi tham gia BHNN. Và mức hỗ trợ 50% được áp dụng cho các tổ chức SXNN. Đây được coi là điểm mới của đề án BHNN lần này nhằm thu hút DN và nông dân cùng tích cực tham gia. TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển NNNT cho rằng, để BHNN thành công và phát huy đúng chức năng của nó cần cân bằng lợi ích giữa DN và nông dân. Với DN phải bảo đảm được yếu tố lợi nhuận còn nông dân phải giảm được rủi ro trong sản xuất. Khi hài hòa được mối quan hệ tương tác này thì BHNN mới thực sự có tác dụng. Muốn làm được điều đó phải tuyên truyền để người nông dân hiểu, tuy họ phải trích một phần thu nhập khi bán nông sản cho BHNN, nhưng nếu mất mùa, mất giá, họ sẽ được bảo hiểm bù lỗ để tích cực tham gia. Về phía các DN, Nhà nước cần có những chính sách, ưu đãi phù hợp để khuyến khích người nông dân tham gia vào lĩnh vực này.
BHNN được coi là "liều thuốc" giúp nông dân giảm tối đa những thiệt hại do thiên tai và dịch bệnh. Tuy nhiên, "liều thuốc" này đang cần những hướng dẫn cụ thể, chính xác để phát huy đúng công dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.