(HNM) - Nhà văn Hiệu Constant (tên thật là Lê Thị Hiệu, sinh năm 1971, tại Thường Tín - Hà Nội, hiện đang sống và viết văn tại Pháp) vừa cho ra mắt tự truyện
Chị tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sorbonne I chuyên ngành văn học, là tác giả của 5 cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, dịch giả của hơn 50 tác phẩm… Từ Paris, nhà văn Hiệu Constant có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới.
Nhà văn Hiệu Constant. |
- Mặc dù có nhiều trang viết dữ dội khi phản ánh chiến tranh, hậu chiến, thân phận con người, nhưng tác phẩm của chị không giấu được vẻ lãng mạn. Đó phải chăng là sự ảnh hưởng của tâm hồn Pháp?
- Cám ơn bạn đã nhận ra được những điều mà tôi muốn giãi bày trong những tác phẩm của mình. Còn sự lãng mạn trong các tác phẩm của tôi ư? Tôi bản chất lãng mạn từ nhỏ. Tôi rung động trước mỗi sáng ban mai khi nhìn hạt sương đọng long lanh trên bờ cỏ dọc con đường tới trường. Tôi run rẩy khi đứng trước cánh đồng lúa bạt ngàn xanh mướt làng mình trước mỗi buổi hoàng hôn. Tôi ngất ngây trước cánh cò trắng đơn lẻ chập chờn trên đầu những con sóng xanh và vút bay về đường chân trời. Tôi thích vẻ đẹp của Mẹ thiên nhiên và vẻ đẹp của tình người cao cả... Tất cả những thứ đó đã thấm đẫm trong tôi từ nhỏ, giờ gặp dịp những cảm xúc ấy cứ tự nhiên bung ra dưới ngòi bút.
Người Pháp lãng mạn, vâng, rất lãng mạn. Tôi cũng không phủ nhận tôi yêu con người Pháp, nhưng đó chỉ là sự bổ trợ, chứ tôi không bị ảnh hưởng từ sự lãng mạn của họ.
- Vậy điều gì trong văn hóa Việt Nam ảnh hưởng lớn nhất đến ngòi bút, giọng văn của chị?
- Câu hỏi này rộng quá, hẳn trong khuôn khổ một câu trả lời, tôi không thể giãi bày hết và có lẽ trong suốt cuộc đời mình tôi cũng sẽ không thể trả lời hết được.
Sinh ra, lớn lên, được nuôi dạy và trưởng thành trong một nền văn hóa thấm đẫm những câu ca dao, tục ngữ, những lũy tre quấn quện bên những dải khói lam chiều, hương nhài thoang thoảng mỗi sớm mai và hình ảnh bà nội, bố mẹ và các anh chị cùng quây quần bên mâm cơm... Tất cả vẫn sống động trong tôi, mặc dù tôi đã xa quê gần hai chục năm, sống trong một nền văn hóa khác hẳn. Tôi hiểu những bất cập hiện thời ở Việt Nam và cảm thông với nỗi niềm của bao người dân Việt. Nhưng tôi tin vào truyền thống văn hóa lâu đời của Việt Nam, những cơn choáng váng ngất ngây trước cuộc sống ham mê vật chất sẽ qua mau, để nhường chỗ cho tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “tắt lửa tối đèn có nhau”... Đấy cũng là nguồn cơn, sức mạnh Việt mang lại cho ngòi bút của tôi.
- Tác phẩm của chị có rất nhiều chi tiết thú vị, ám ảnh về đời sống của nhiều tầng lớp người Việt trong nước, chị cập nhật và đi thực tế như thế nào?
- Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhận được câu hỏi này. Là một người Việt sinh sống tại Paris đã nhiều năm, trong khi đọc hay dịch những tác phẩm của các nhà văn Pháp, nếu có thể tôi cũng cố gắng đến những nơi, đụng vào những đồ vật mà các tác giả đã làm nền cho câu chuyện của họ. Tôi muốn được sống trong những phong cảnh ấy và cố hình dung ra cảm giác mà các nhà văn cảm nhận được khi cầm bút viết. Như tôi đã nói, tôi yêu văn hóa và con người Việt Nam. Tôi đã cố gắng năm nào cũng về thăm quê hương và nhiều nhất đến mức có thể. Tôi đã đi khắp nơi, có mặt tại rất nhiều vùng trên lãnh thổ của Tổ quốc, từ mũi Cà Mau đến tận các vùng cao miền Bắc. Có thể tôi hơi nhiều tham vọng, nhưng tôi muốn mỗi trang viết của mình là một đại diện cho mỗi vùng quê và con người nơi ấy...
- Theo cảm nhận của chị, văn học Việt trên văn đàn Pháp hiện nay như thế nào?
- Văn học Việt trên văn đàn Pháp vẫn còn rất khiêm tốn, nếu không nói là rất ít, nhưng dù gì vẫn hiện diện đây đó trong các hiệu sách hoặc thư viện từ xưa đến giờ, nhưng thường là những tác phẩm đã cổ điển lắm rồi. Từ vài năm đổ về đây, một số tác phẩm đương đại được dịch cũng đã xuất hiện, có tác phẩm được công chúng Pháp đón nhận nhiệt tình, cuốn thì không. Âu cũng là do thị hiếu của bạn đọc, sự khác nhau về văn hóa mà công chúng Pháp chưa thể hiểu văn phong và cách diễn đạt của các tác giả Việt, chứ không phải là nhà văn Việt bất tài.
- Xin chân thành cảm ơn chị và chúc chị nhiều thành công!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.