(HNM) - Cùng với việc tái lập Ban Văn học thiếu nhi (VHTN), Hội Nhà văn Việt Nam đang có nhiều động thái cho thấy những dấu hiệu mới tích cực nhằm quan tâm, vực dậy lĩnh vực này...
Những cuộc giao lưu giữa tác giả với bạn đọc sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động sáng tác văn học cho thiếu nhi. |
Chưa được động viên đúng mức
Nhà văn Trần Đức Tiến, Trưởng ban Công tác VHTN của Hội Nhà văn Việt Nam nhớ lại nhiệm kỳ VII (2005-2010) của Hội, dù có Ban VHTN nhưng hoạt động ít hiệu quả và không mấy được quan tâm. Giai đoạn đó, ông từng đề xuất xây dựng một giải thưởng riêng cho VHTN bên cạnh việc xét giải hằng năm của Hội, nhưng ý kiến này bị… bỏ qua! Đến nhiệm kỳ VIII (2010-2015) thì Ban VHTN không còn. Các vấn đề sáng tác liên quan đến thiếu nhi được đưa vào Ban Văn học chuyên đề, như một số mảng đề tài khác: Công nhân, nông dân, quân đội, công an…
Tuy nhiên, có thể thấy, công việc sáng tác cho thiếu nhi còn ít được chú trọng. Các nhà văn viết cho thiếu nhi chưa được động viên đúng mức. Hội cũng có tham gia một số giải thưởng văn học cho thiếu nhi, nhưng ở vai trò được mời góp mặt về chuyên môn, còn khởi xướng, chủ trì là do một số tổ chức, đoàn thể khác. Nhà văn Trần Đức Tiến thẳng thắn bày tỏ: Hình như viết cho người lớn dễ vào Hội hơn, dễ được chú ý hơn? Tôi có giới thiệu tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi để dự giải của Hội nhưng trượt ngay từ vòng sơ khảo.
Nhà văn Lê Phương Liên từng nhiều năm phụ trách các hoạt động về văn học cho thiếu nhi của Hội, nhiệm kỳ này được mời làm Phó ban Công tác VHTN, cũng nhiều lần chia sẻ trên các diễn đàn về tình hình thiếu hụt lực lượng tác giả viết thường xuyên, viết hay, cuốn hút cho thiếu nhi. Cũng theo nhận xét của bà, trong nhiệm kỳ trước của Hội Nhà văn Việt Nam, mảng VHTN còn ở vị trí thứ yếu.
Cần cú hích mạnh mẽ
Rõ ràng, việc tái lập Ban Công tác VHTN trong nhiệm kỳ 9 lần này của Hội cho thấy những dấu hiệu tích cực. Cùng với đó là một số gợi ý ban đầu cho việc lấp đầy hơn khoảng không gian còn trống trải này. Đã tiếp tục có đề xuất, gợi mở về việc tổ chức giải thưởng riêng cho VHTN hằng năm bên cạnh các giải thường niên của Hội dành cho thơ, văn, lý luận phê bình, dịch thuật. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhấn mạnh: Chúng ta phải sửa sai cho việc coi nhẹ VHTN trong nhiệm kỳ qua!
Hẳn rằng, không chỉ là những giải thưởng thường niên để xét các tác phẩm văn học cho thiếu nhi đã công bố trong một năm, mà Hội, Ban Công tác VHTN nên quan tâm đến việc kiến tạo thêm nhiều hoạt động cho lĩnh vực, tác giả và đối tượng bạn đọc này. Vừa qua, nhà thơ Hữu Thỉnh đã gợi mở về hướng đầu tư sáng tác. Đó là sẽ không phân đều giữa các ban trực thuộc của Hội, mà căn cứ từ kế hoạch đề xuất từ các ban. Như vậy, chính Ban Công tác VHTN cũng cần chủ động trong vai trò này. Sự chủ động còn thể hiện ở việc tìm hiểu, gợi mở cho Hội trong việc phối hợp với các đơn vị khác, với ngành văn hóa để tổ chức các hoạt động khuyến khích sáng tác VHTN, chứ không chỉ bằng lòng với những hoạt động dành cho thiếu nhi của Hội, trong Hội.
Tức là cần thêm các cuộc thi do Hội tổ chức nhưng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể như Trung ương Đoàn, Hội đồng đội trung ương, Hội Phụ nữ Việt Nam… Đặc biệt, cần "lôi kéo" được sự vào cuộc của ngành VH,TT&DL để tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp của cơ quan nhà nước cũng như sự đầu tư từ ngân sách cho các hoạt động thực tế, sáng tác, tổ chức in ấn, quảng bá bản thảo có chất lượng... Cũng có thể xem như một động thái "nhắc nhở, gợi ý" để Bộ VH,TT&DL - cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về văn học, có sự chuyên chú, quan tâm riêng đến văn học thiếu nhi, bạn đọc nhỏ và các tác giả viết cho các em.
Một ý tưởng cụ thể khác là trong quá trình nâng cấp website vanvn.net của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội sẽ xây dựng thêm mục VHTN trên trang này để đăng tải những tác phẩm hay dành cho thiếu nhi và cả những tác phẩm hay của chính các em. Thêm ô cửa này trên "tường nhà" của Hội để công bố tác phẩm, trao đổi nghề nghiệp, hẳn rằng tình yêu văn chương và yêu sáng tác của các cây bút lớn tuổi, nhỏ tuổi sẽ được động viên một cách thiết thực, hiệu quả hơn.
VHTN không phải không có những chuyển động thú vị, hấp dẫn ngay từ chính lực lượng tác giả trong nước. Cứ điểm qua thì thấy, không chỉ có các nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi mà còn có nhiều nhà văn vốn viết cho… người lớn nay cũng chuyển sang thử sức với bạn đọc nhỏ như Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú... Thậm chí có không ít cây bút nhỏ tuổi viết cho chính thế giới tuổi thơ của mình như Đỗ Nhật Nam, Đan Thi… Nhưng, thế thôi chưa đủ, rõ ràng, VHTN cần những cú hích mạnh mẽ hơn để ghi dấu trong đời sống văn học nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.