Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn học nhìn từ "mùa" giải thưởng

Thi Thi| 08/11/2015 07:33

(HNM) - Cuối năm là

Trong mỗi giai đoạn phát triển văn học, giải thưởng cũng phản ánh những chuyển động trong lĩnh vực này. Cụ thể là phản ánh sự đọc, sự tiếp nhận của công chúng, không khí sáng tác và lực lượng sáng tác… Có lẽ vì thế mà mới đây, trong một buổi tọa đàm được tổ chức tại Hà Nội về chủ đề này, vấn đề tuy không gây ồn ào nhưng lấy được ý kiến thẳng thắn của một số nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình như Lại Nguyên Ân, Mai Anh Tuấn, Nhật Phi…

Các tác phẩm văn học hay, đoạt giải ngày càng thu hút sự quan tâm của độc giả. Ảnh: Bảo Lâm


Hôm đó, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân dẫn ra nhiều giải thưởng từng được trao trong lịch sử văn học nước nhà. Có những giải thưởng được lập ra nhằm mục tiêu tìm kiếm tác giả trẻ, những cây bút mới. Có những giải, như giải thưởng Phan Châu Trinh do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh lập ra gần đây lại hướng tới những gương mặt đã có nhiều thành tựu. Ông cho rằng, mỗi giải thưởng đều kèm theo một triết lý riêng, sự xuất hiện giải thưởng của các tổ chức, đoàn thể, đơn vị… bên cạnh hệ thống giải chính thức đã góp phần làm phong phú đời sống văn học.

Quả vậy, bên cạnh hệ thống giải thưởng lớn như Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội; Giải thưởng của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam… thì đời sống văn học cũng đánh dấu sự trở lại của nhiều giải thưởng khác như Giải thưởng Phan Châu Trinh, cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20, cuộc vận động sáng tác Văn học cho thiếu nhi (NXB Kim Đồng, Hội Nhà văn Đan Mạch), Giải thưởng Sách hay… Mới đây nhất, lần đầu tiên một đơn vị làm sách tư nhân là Quảng Văn Books đã trao Giải thưởng Văn học Đoàn Thị Điểm với mục tiêu tìm kiếm tác giả, bản thảo mới chất lượng do cây bút nữ sáng tác về các vấn đề của giới nữ. Tác giả trẻ Nhật Phi (giải thưởng Văn học tuổi 20) thừa nhận: Sau khi nhận giải thì cuộc sống bản thân thay đổi, có thêm sự hứng khởi sau chặng đường mò mẫm viết. Cây bút này cho rằng cần có thêm nhiều giải thưởng để khuyến khích người sáng tác, đặc biệt là các giải thưởng cho các đề tài chuyên biệt như về môi trường, về người trẻ tuổi…

Có ý kiến khác cũng chỉ ra các báo và tạp chí còn ít có giải thưởng văn học. Bên cạnh đó, cũng có một số nhà văn, dịch giả trẻ cho rằng trong khi văn học dịch phát triển mạnh thì đời sống văn học vẫn thiếu vắng giải thưởng cho dịch thuật. Điều này là có thật, bởi trước đây, ngay cả Giải thưởng Sách quốc gia cũng từng có thời điểm không tổ chức được hạng mục giải cho sách dịch, đơn giản vì lực lượng chuyên gia đọc và thẩm được các dịch phẩm từ nhiều thứ tiếng vẫn còn hiếm.

Khó nhất là tạo "thương hiệu"

Có ý kiến cho rằng, một số tác phẩm được trao giải đã nhanh chóng chìm vào quên lãng, nhưng cũng có những tác phẩm đánh dấu một thời kỳ mà các nhà lý luận phê bình gọi là "đổi mới sau những vật vã của nền văn học và của công chúng"; thậm chí nó kéo theo những cuộc trao đổi, tranh luận lớn. Điều đó cho thấy giải thưởng đang trở thành một phần của đời sống văn học nói riêng và xã hội nói chung.

Bìa các tác phẩm đoạt giải Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015.


Vậy thì, có câu hỏi rằng: Giải thưởng văn học của ta đã đủ sức tác động lên thị hiếu của bạn đọc? Nghĩa là nỗi lo chạy theo tác phẩm dễ dãi, lối đọc mì ăn liền, sợ những tác phẩm có tính triết luận… có thể phần nào được giảm bớt nhờ sự tác động của các giải thưởng uy tín, có giá trị hay không? Có ý kiến cho rằng kỳ vọng đó chứa đựng sự lạc quan thái quá bởi trong một số trường hợp cụ thể, đã có sự hoài nghi nhất định về giải thưởng được trao.

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 vừa được trao hồi tháng 10 vừa qua và lần đầu tiên trong lịch sử giải, BCH Hội đã phải ra quyết định thu hồi giải thưởng dành cho một tập thơ - chỉ ít ngày sau khi trao. Đơn vị xuất bản ngậm ngùi ngừng phát hành tác phẩm vừa được trao giải… Đó có phải là điều gì đó bất thường trong đời sống văn học nói chung và giải thưởng văn học nói riêng? Theo nhà phê bình Lại Nguyên Ân, giải thưởng cũng là một thực thể, một hiện tượng của đời sống và nó cũng phải tự mình chứng tỏ đời sống riêng của mình. Vậy nên, ngoài việc trao giải vốn khó đã đành, thì sự khó lớn hơn là làm thế nào để nuôi dưỡng sức sống và gìn giữ uy tín của giải thưởng.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn nêu: Mỗi giải thưởng được trao là một lá phiếu góp vào đời sống văn học, góp phần thiết lập những giá trị của đời sống văn học. Tuy thế, việc duy trì một giải thưởng văn học không hề đơn giản bởi theo người trong giới, ngay giải Nobel Văn học những năm gần đây cũng phải đối diện với nhiều vấn đề trong việc chọn trao giải, từ sự va đập của các nền văn hóa đến sự tiếp nhận của công chúng… Các giải thưởng phản ánh sự nhập cuộc của văn học vào các vấn đề nóng của đời sống xã hội, kích thích sáng tạo và bởi vậy, việc chọn giải phải được thực hiện trên cơ sở giá trị cốt lõi nằm ở hai chữ "nhân văn".

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2015 cũng như Giải thưởng cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 4 (2011-2014) của hội sẽ được công bố vào cuối năm nay. Trong đó, Giải thưởng cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 4 đã chậm so với kế hoạch. Bạn đọc đang tiếp tục chờ đợi một chuyển động mới qua việc công bố hai giải thưởng quan trọng trên của đời sống văn học nước nhà.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn học nhìn từ "mùa" giải thưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.