Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn học có những chuyển động mang tính hội nhập

Thi Thi| 27/01/2013 07:02

(HNM) - Họ là một nhà văn năng động, một nhà phê bình văn học thế hệ trẻ của Viện Văn học Việt Nam. Bằng những trải nghiệm thực sự trong nghề nghiệp, Di Li và Đoàn Ánh Dương chia sẻ với bạn đọc Hànộimới nhận định riêng về một vài khía cạnh của đời sống văn học năm qua, cũng như những dự định trong năm mới 2013.

Nhà văn Di Li (Nguyễn Diệu Linh), giảng viên Trường Đại học Hòa Bình:

Năm qua, ngoài việc xuất bản một số đầu sách, trong đó có cuốn "The Black Diamond" bằng tiếng Anh, sự kiện đáng nhớ nhất với tôi là trở thành Hội viên Hội Nhà văn Châu Á - Thái Bình Dương. Thật sự, việc trở thành hội viên của Hội Nhà văn Châu Á - Thái Bình Dương cũng không có gì ghê gớm, bởi lẽ cứ theo tiêu chí là: có sách tiếng Anh, biết tiếng Anh để tham dự các hội thảo, sự kiện là có thể gửi đơn xin gia nhập. Hiện nay, Hội có hội viên ở khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sau khi là thành viên, tôi đã tham dự các diễn đàn, hội thảo của tổ chức này và thấy rõ các nhà văn Châu Á - Thái Bình Dương rất quan tâm vấn đề đưa văn học Châu Á ra thế giới.


Năm qua, bước đầu đời sống văn học chúng ta đã có những động thái hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói hơn cả, là về sự xuất hiện tràn ngập của những tiểu thuyết ngôn tình trên thị trường. Trong đó, nhiều cuốn giải trí tầm tầm lại có sức tiêu thụ gấp mấy chục lần một cuốn sách đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam. Tất nhiên, văn học ở thời nào cũng luôn tồn tại nhiều loại, nhiều hạng khác nhau. Chúng ta không thể phủ nhận sự có mặt đồng thời của các nhu cầu thưởng thức văn học. Song chắc chắn rằng, nếu như các loại tiểu thuyết giải trí tầm tầm ấy chiếm đa số thì đó là điều rất đáng phải lưu tâm.

Tôi cũng rất muốn nói về việc quảng bá và phát hành sách văn học năm vừa rồi. Đó là một năm đầy khó khăn, hầu như không có dòng chuyển động của sách từ Bắc vào Nam như trước đây. Các nhà sách thu hẹp dần phạm vi phát hành, cũng như số lượng đầu sách. Sự thật, không phải cứ cuốn nào được các phương tiện truyền thông quảng bá mạnh thì đều bán chạy. Có nhiều cuốn thông qua facebook lại phát hành tốt. Nhiều nhà sách như Phương Đông năm nay tập trung vào xuất bản những tác phẩm kinh điển thì cũng lại phát hành mạnh hơn những mảng khác. Nói chung, xuất bản sách trong thời điểm này rất khó khăn, phụ thuộc vào "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".

Trở lại với công việc của riêng tôi, trong năm 2013, tôi sẽ hoàn thành cuốn sách về kỹ năng sống liên quan đến vấn đề PR, một cuốn tiểu thuyết mới về trinh thám… Nói chung, mỗi năm tôi đều có một vài cuốn sách. Điều đó đối với tôi giống như một cách giữ lửa cho nghề viết.

Nhà phê bình Đoàn Ánh Dương, Viện Văn học Việt Nam:

Có hay không những chuyển động của văn học Việt Nam những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI? Và nếu có, thì ở những phương diện nào? Nhìn vào đời sống văn học, ở sự kiện và hoạt động nổi bật, ở tình hình sáng tác, nhất là mảng dịch thuật, tôi có cảm giác văn học đang manh nha những chuyển động mới mẻ. Quốc tế hóa văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa đang dần trở thành xu thế chủ yếu của văn học Việt Nam đương đại. Ở đấy, dịch thuật như là trung tâm của hoạt động giao lưu văn học đã dần hiện lên như yếu tố quyết định sự hình thành mô hình văn học mới. 


Năm 2012, hoạt động văn học có xu thế hướng vào các nỗ lực giao lưu, vào việc tạo ra không gian mới cho các hoạt động văn học nghệ thuật. Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất, Diễn đàn văn học Việt - Mỹ nhìn lại và phát triển, Quỹ giao lưu văn học Nga - Việt, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ IV…; phụ trương Nghệ thuật mới của Báo Người Hà Nội, tạp chí Lý luận phê bình văn học nghệ thuật và đề án tái cơ cấu các tạp chí trực thuộc Hội Nhà văn…; các tọa đàm và hội thảo văn học được tổ chức thường xuyên tại các trường đại học, viện nghiên cứu và các hội văn học nghệ thuật… Tất cả làm cho năm 2012 trở thành năm có nhiều nỗ lực hướng ngoại, vì sự phát triển của văn học nghệ thuật.

Nhưng trái lại, bất chấp các hoạt động văn học có nhiều phần rầm rộ, cũng như mấy năm trước, chuyển biến trong sáng tác lại không hô ứng được với tình hình ấy. Thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết đều không có được nhiều tác phẩm có chất lượng cao, một số vở kịch được công diễn không gây được tiếng vang đáng kể. Thực sự, không có nhiều tác giả và tác phẩm có thể gây được ít nhiều chú ý như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Thúy Quỳnh, Vi Thùy Linh, Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến ở thể loại thơ, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phong Điệp, Lê Minh Khuê trong truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư, Hồ Anh Thái… trong tiểu thuyết. Cũng như vậy là phê bình, ngoài cây bút đã trở nên quen thuộc Đỗ Lai Thúy.

Sóng gió của đời sống văn học nằm ở mảng văn học dịch. Mươi năm mở đầu thế kỷ XXI, văn học Việt Nam ngày càng chứng nhận sâu sắc hiện tượng văn học dịch chuyển dịch vào trung tâm của nền văn học. Văn học dịch năm 2012 xuất hiện trong bối cảnh ấy. Một sự phát triển đáng kể của văn học dịch ở cả xu hướng văn học tinh hoa và xu hướng văn học thông tục, trong chiến lược kinh doanh của ngày càng nhiều các công ty sách và trong sự quan tâm của cũng ngày càng nhiều các dịch giả và người đọc chuyên và không chuyên. Tôi nghĩ, trong thời gian tới, những tranh luận về dịch thuật, những suy tư về loại hình văn học được chuyển dịch (sự nghiêng lệch giữa văn học tinh hoa và văn học thông tục) sẽ là khâu đột phá cho sự phát triển của văn học Việt Nam. Phải bắt đầu bằng ý thức sâu sắc về văn học dịch thì văn học Việt Nam mới thực sự có thể tìm ra những cơ hội cho chính bản thân mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn học có những chuyển động mang tính hội nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.