(HNM) - Cùng với các vùng nội đô, không gian văn hóa xứ Đoài cũng bừng sáng đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội bằng nhiều hoạt động như mở cổng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (LVH-DL) đón khách tham quan tại Đồng Mô từ ngày hôm nay (19-9); mang không khí lễ hội đến Làng Việt cổ ở Đường Lâm; trưng bày tranh ảnh cùng nhiều hoạt động văn hóa khác ở "làng họa sĩ" Cổ Đô… Tất cả sẽ tạo thành những điểm nhấn hấp dẫn cho người dân và du khách khi đến với Thủ đô nghìn tuổi.
Lễ hội cúng bến nước của người Xơ Đăng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Mở cổng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, kiêm Trưởng ban Quản lý LVH-DL cho biết: Sau 12 năm xây dựng với sự đóng góp tâm sức của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, già làng, trưởng bản đại diện cho 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam, LVH-DL chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19-9. Với tổng diện tích 1.544ha, trong đó có 605ha mặt đất và 939ha mặt nước, LVH-DL là trung tâm hoạt động văn hóa, du lịch tầm quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc.
Có mặt trong buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh với các nghệ nhân đại diện cho các dân tộc vùng Tây Nguyên "định cư" ở LVH-DL vừa qua, già làng Brol Vẽh, dân tộc Giẻ Triêng, 65 tuổi, đến từ thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum phấn khởi: "Mình thích sống ở LVH-DL lắm, ở đây có tới 5 cái nhà của dân tộc Giẻ Triêng, cái nào cũng rộng rãi, thoáng mát. Bà con dân tộc mình đã về đây được một thời gian rồi, đang làm các nghề thủ công, đan lát và tập duyệt các điệu múa trong lễ hội mừng lúa mới, làm nhà mới". Còn già làng Ytuyc Nie Đăm, 68 tuổi, người Êđê nói: "Nhà dài ở LVH-DL rất đẹp, ở trong buôn làng chỉ có những người giàu mới làm được cái nhà như thế. Điều đó chứng tỏ Nhà nước rất quan tâm tới việc giữ gìn nét sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình. Trong ngôi nhà dài ấy, mình cùng hơn chục người dân Êđê sẽ kể cho du khách nghe những câu chuyện thần thoại nổi tiếng như Đam San, Đam Kteh M'lan... và ca hát, tấu nhạc với cồng chiêng, trống, sáo, khèn để giao lưu văn hóa với các dân tộc khác".
“Làng họa sĩ” Cổ Đô - một trong những địa chỉ văn hóa xứ Đoài. Ảnh: Anh Dũng |
Ông Hồ Anh Tuấn cho biết thêm, thời gian tới, LVH-DL sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố luân phiên đưa đồng bào 54 dân tộc về sinh sống và trình diễn những nét sinh hoạt văn hóa tiêu biểu; đồng thời mời một số sinh viên là người các dân tộc tốt nghiệp đại học về Làng làm hướng dẫn viên cho sinh động… Như vậy, LVH-DL đi vào hoạt động sẽ mang đến một không khí mới, luồng gió mới cho vùng văn hóa xứ Đoài.
Làng Việt cổ Đường Lâm vào hội
Từ đầu tháng 9, không gian yên bình của làng cổ Đường Lâm với cây đa, giếng nước, sân đình, với những ngôi nhà đá ong rêu phong, cổ kính, với những ngõ nhỏ lát gạch đỏ thẳng tắp được tô điểm thêm màu sắc lễ hội. Trong những ngôi nhà đá ong, thanh thiếu niên làm kiệu, tập văn nghệ để biểu diễn trong lễ kỷ niệm 5 năm làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích cấp quốc gia vào tối 20-9 và trong dịp Đại lễ. Dưới ao làng, nhà thủy đình đã được lắp đặt chuẩn bị biểu diễn rối nước phục vụ nhân dân.
Không chỉ dừng lại ở bề nổi, việc làm thế nào để bảo tồn, khai thác và phát huy tốt hơn nữa giá trị của làng cổ Đường Lâm, góp phần giới thiệu, quảng bá vùng văn hóa phía Tây Thủ đô nghìn tuổi cũng được các cơ quan hữu quan đặc biệt quan tâm. Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích làng cổ Đường Lâm cho biết: Đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học về bảo tồn di tích, phát triển du lịch, ẩm thực và trang phục truyền thống diễn ra trên làng cổ, song kết quả thu được chưa thỏa đáng. Vì vậy, một cuộc hội thảo lớn về 4 nội dung trên với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Đại học Nữ Showa, Tổ chức JICA (Nhật Bản), Viện Bảo tồn di tích, các trường đại học Kiến trúc, Xây dựng, Văn hóa… sẽ diễn ra vào ngày 21-9.
Đồng bào Giẻ Triêng với nghi lễ mừng nhà mới tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hoài Thu |
Đặc biệt, trang phục truyền thống đặc trưng của người Việt như áo cánh, áo tứ thân, áo bông, quần lửng (quần chân què), khăn, yếm… hiện vẫn còn ở làng cổ Đường Lâm từ lâu ít được quan tâm, nay được đưa ra bàn thảo. Trao đổi với phóng viên Hànộimới trước khi hội thảo diễn ra, Giáo sư Tanii Yoshiko, Trường Nữ Showa, Trưởng nhóm nghiên cứu về trang phục ở làng Đường Lâm cho rằng: "Trang phục cổ truyền thống là một bộ phận không thể tách rời, cùng với các giá trị vật thể như nhà cổ, đường làng, văn bia, đình làng... sẽ tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về làng cổ Đường Lâm". Ngoài ra, "làng họa sĩ" Cổ Đô trên đất Ba Vì cũng được Sở VH,TT&DL Hà Nội đưa vào điểm đến của du lịch văn hóa cộng đồng trong dịp Đại lễ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.