(HNM) - Bát phở bò Kobe giá 750 nghìn đồng ở một khách sạn nọ vẫn đông khách cho dù các phương tiện thông tin phê phán; những bữa tiệc linh đình vẫn diễn ra; ô tô trị giá hàng chục tỷ đồng vẫn không ngừng được nhập về... là những chuyện có thật đang diễn ra trên đất Việt Nam. Trong buổi họp báo sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ chiều 29-4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết tình trạng nhập siêu vẫn ở mức cao, trong đó có các mặt hàng xa xỉ...
Năm 2010, Việt Nam nhập siêu 12,6 tỷ USD góp phần làm tăng tỷ lệ nhập siêu là những mặt hàng không được Nhà nước khuyến khích nhập gồm ô tô hạng sang, các loại mỹ phẩm, thời trang hàng hiệu cao cấp... Trong một bài phát biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết: Tháng 1-2011, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển cho các tổ chức tín dụng 132.000 tỷ đồng và phần lớn số tiền này chảy vào tiêu dùng trong dịp Tết Tân Mão. Cuối năm 2010, Tổ chức tín dụng quốc tế MasterCard World Wide công bố khảo sát tiêu dùng qua việc phỏng vấn 10.502 cá nhân tại 24 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi và Trung Đông; về ưu tiên cho ăn chơi, giải trí, Việt Nam đứng đầu với 86%, tiếp đó là Hàn Quốc 78% và Hồng Công (Trung Quốc) là 75%. Việt Nam cũng ở ngôi đầu bảng về tiêu dùng không toan tính với 63%, trong khi Hàn Quốc và Australia cùng là 59%.
Một thống kê không chính thức trong nước cho ra kết quả, nhóm người giàu nhất tuy chỉ chiếm 20% dân số nhưng tiêu dùng tới 43,3% tổng chi tiêu cả nước. Không rõ chuẩn giàu của nhóm nghiên cứu thế nào, song người giàu xa hoa, phung phí đã đành, không ít người mới qua cái đận thoát nghèo đã chạy vạy, vay mượn để mua sắm những chiếc xe máy SH đắt tiền. Vì sao bát phở bò Kobe đắt như vậy mà người nhiều tiền, thậm chí chưa nhiều tiền, vẫn đến ăn? Giản đơn là từ miếng ăn. Nhiều người coi đó mới là ăn chơi, mới là đẳng cấp thượng lưu. Đáng tiếc là trong số không ít vị "hưởng ứng chuẩn" đó có cả lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, công chức, viên chức. Theo PGS. TS Sử học Nguyễn Minh Tường, lối tiêu dùng như vậy hoàn toàn xa lạ với văn hóa truyền thống của người Việt Nam là "Tích cốc, phòng cơ", "Sống hôm nay phải biết ngày mai" hay "Buôn tàu bán bè, không bằng ăn dè hà tiện".
Về pháp lý đã là tiền của cá nhân (chưa nói đến tiền sạch hay tiền "bẩn), họ có quyền ăn tiêu phung phí. Nhưng tại thời điểm nền kinh tế nước nhà còn không ít khó khăn, Chính phủ còn đang phải kiềm chế lạm phát, nhập siêu 4 tháng đầu năm vẫn ở mức cao… thì hành động đó là tiêu dùng vô trách nhiệm. Điều này làm cho kinh tế Việt Nam đã khó khăn lại thêm khó khăn. Văn hóa tiêu dùng là một phần của văn hóa sống. Sống như thế, tiêu dùng như thế, xã hội có bao giờ trân trọng, phỏng cái danh hão "chịu chơi" có ích gì?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.