Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hóa đọc của thiếu nhi: Phát triển chiều rộng, lắng đọng chiều sâu

Thi Thi| 29/05/2016 06:12

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã thông tin, đúng dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay, lần đầu tiên UBND thành phố ban hành kế hoạch tổ chức

Hy vọng sự kiện năm nay sẽ trở thành tiền đề cho hoạt động thường niên nhằm cổ vũ văn hóa đọc của thiếu nhi thành phố thời gian tới. Trong đó, quan trọng nhất là làm thế nào để việc đọc của trẻ không chỉ phát triển về chiều rộng, mà còn phải lắng đọng ở chiều sâu.

Giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ là vấn đề được nhiều gia đình quan tâm. Ảnh: Mai Anh


Từ các phong trào sôi động...

Có lẽ chưa khi nào các hoạt động cổ vũ cho văn hóa đọc của thiếu nhi lại phát triển mạnh như vậy, đặc biệt ở Hà Nội. Gia đình, nhà trường và các chuyên gia đều có những động thái khuyến khích trẻ đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thân thiện, cởi mở hơn. Không chỉ các câu lạc bộ (CLB) đọc sách của các chuyên gia, mà các nhà sách, đơn vị phát hành cũng xây dựng những mô hình đọc cho thiếu nhi. Rồi nhà trường cũng tổ chức Ngày hội đọc, thậm chí mời cả chuyên gia, kiến trúc sư tư vấn, tạo dựng không gian đọc với khái niệm ấn tượng như "Hệ sinh thái sách"...

Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB "Đọc sách cùng con" cho rằng: Để có một nhận định chính xác về văn hóa đọc của trẻ thì cần những con số, phân tích cụ thể. Tuy nhiên, nhìn chung ở tầm quốc gia và TP Hà Nội, có thể thấy rõ những động thái cổ vũ cho văn hóa đọc, đặc biệt là văn hóa đọc của trẻ. Từ đây, các phong trào đọc sách ngày một phát triển, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội vào hoạt động ý nghĩa này. Còn nhớ, CLB "Đọc sách cùng con" ra đời đã 6 năm, thời gian đầu rất lặng lẽ nhưng càng về sau càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn, nhờ bầu không khí chung cổ vũ việc đọc ở thành phố và cả nước.

Trở lại với sự kiện Hội sách thiếu nhi 1-6 lần đầu được tổ chức ở Hà Nội, Ban tổ chức cho biết có hàng chục đơn vị, với nhiều hoạt động phong phú đã sẵn sàng để tham dự. Không chỉ giới thiệu những đầu sách chọn lọc, có giá trị, các đơn vị còn mang đến cho trẻ nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm lôi cuốn, thu hút các em đến với sách, cảm nhận sự thú vị của việc đọc, khám phá, tự học. Đại diện Công ty Sách Long Minh bày tỏ, dịp này đơn vị không chỉ giới thiệu sách khoa học của đơn vị mình mà quan trọng hơn là kết nối với các trường học của thành phố để tổ chức các trò chơi trí tuệ như "Từ đọc sách đến STEM" (STEM - khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học), "Chơi với các từ khóa để thành nhà thông thái"… Bên cạnh đó, nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách cũng chia sẻ với các em về kỹ năng đọc, các chương trình giao lưu với nhà văn mà các em yêu thích…

Hơi thở từ phong trào văn hóa đọc của thiếu nhi lôi cuốn ngay chính nhiều thành phần xã hội trong một mạng lưới có sự hợp tác, tương tác nhiều hơn.

Như chia sẻ của một nhà văn chuyên viết cho trẻ em, Hội sách thiếu nhi của Hà Nội tới đây khi trở thành hoạt động thường niên chắc chắn sẽ góp phần khuyến khích mạnh mẽ phong trào đọc sách của trẻ, góp phần "đánh động" cả gia đình, nhà trường và xã hội cùng phải quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho hoạt động có ý nghĩa giáo dục nền tảng này.

… đến môi trường đọc tích cực, khoa học

Tất nhiên, đọc sách không chỉ nên dừng ở phong trào mà phải lắng đọng cả ở chiều sâu. Ông Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Ban tổ chức "Ngày hội STEM Việt Nam" cho rằng, ở Hà Nội có một bộ phận trẻ duy trì nếp đọc tốt từ gia đình, môi trường học tập…, song con số này còn ít. Đặc biệt, sự quan tâm của các em tới sách khoa học, lịch sử còn khá hạn chế. Hội sách tại Công viên Thống Nhất cuối tháng 4 vừa qua doanh số của Công ty Sách Long Minh chỉ vào khoảng 20 triệu đồng, tương đương với khoảng 1.000 cuốn sách có giá 20 nghìn đồng/cuốn được tiêu thụ. "Khảo sát ở một trường trung tâm của Hà Nội, trong tổng số 156 phiếu thăm dò phát ra, chỉ có 4 phiếu cho biết các em có đọc sách khoa học, tương ứng với khoảng 0,025%. Ở trường khác, con số này nhỉnh hơn nhưng cũng chỉ dừng ở mức 5% trong tổng số trẻ có đọc sách. Trong khi đó trên thế giới, trẻ em được tiếp cận sách khoa học từ sớm và phổ biến hơn" - ông Đỗ Hoàng Sơn chia sẻ thêm.

Như vậy, câu chuyện nêu trên liên quan đến đọc cái gì và đọc như thế nào để hình thành thói quen và phương thức tự học ở trẻ. Về điều này, cũng cần có sự quan tâm, góp sức của nhiều thành phần trong xã hội. Ví như để sách khoa học được quan tâm thì bản thân hệ thống phát hành cũng cần... khoa học. Trên thực tế, hầu như tại các nhà sách ở thành phố mới chỉ có tấm biển quy định khu vực sách dành cho thiếu nhi chứ chưa phân ra sách khoa học, lịch sử… tạo sự thuận lợi và cũng là dạy trẻ phương thức tiếp cận sách văn minh ngay từ khi vào hiệu sách.

Bà Đỗ Thị Quyên, Trưởng khoa Xuất bản và Phát hành Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, việc phân chia, đặt biển hiệu cho từng loại sách là một nội dung trong nhiều môn học về xuất bản. Điều này không chỉ giúp định hướng nhu cầu đọc cho trẻ, mà còn giúp người đọc tiết kiệm thời gian, khuyến khích trẻ tiếp cận những mảng sách có giá trị.

Ở góc nhìn khác về việc tạo môi trường đọc cho trẻ, TS Nguyễn Thụy Anh bày tỏ: Bên cạnh các phong trào, rất cần chú ý tới các hoạt động cổ vũ việc đọc một cách bền bỉ, "chạm" tới từng đứa trẻ. Rõ ràng tâm lý trẻ giờ khác xưa. Nhiều tác phẩm trước thì hấp dẫn nhưng nay trẻ không thích, song không vì thế mà vội vã đánh giá trẻ xa rời việc đọc. Cùng với việc trang bị cho trẻ bộ công cụ đọc, ta cũng cần biết chấp nhận, tìm cách dung hòa sở thích, thói quen đọc của trẻ hôm nay.

Đặc biệt, đối với mục tiêu đưa sách vào trường học, TS Nguyễn Thụy Anh có những ý kiến tâm huyết, đó là không nên ép trẻ bằng các chỉ tiêu, bằng bài tập… mà cần khơi gợi để trẻ vui thích, rung động, tự mình khám phá. Phát triển văn hóa đọc cũng phải làm đồng bộ không chỉ trông chờ vào nhà trường hay xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa đọc của thiếu nhi: Phát triển chiều rộng, lắng đọng chiều sâu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.