Thay vì đọc sách, bây giờ nhiều độc giả trẻ thường thích lướt mạng xã hội mỗi ngày. Ngay cả với học sinh, sinh viên, những người cần phải tạo thói quen đọc sách để chuẩn bị hành trang cho tương lai thì việc đọc cũng còn khá hời hợt.
Cuốn sách “Đọc sách cũng như yêu” (NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh) của tác giả Trung Nghĩa ra đời với mong muốn chia sẻ tình yêu sách báo, giữ gìn thói quen đọc sách, để các độc giả thấy được rằng “mỗi chúng ta cần “đọc đi đôi với hành” thì mới cảm nhận được rõ ràng ích lợi của sách và sự thú vị của cuộc sống”.
Theo tác giả Trung Nghĩa, việc đọc sách cũng như tình yêu vậy, cần được vun đắp, chăm sóc ngày ngày. Anh viết: “Ai đó đã ví von rằng nếu nói “đằng sau sự thành đạt của người đàn ông không thể thiếu bóng dáng người phụ nữ” thì đằng sau sự thành công của rất nhiều người là việc họ đã đọc rất nhiều sách trong đời”. Dù sự phát triển của công nghệ nghe nhìn hiện đại ngày nay giúp các độc giả tiếp nhận thông tin, tri thức qua nhiều kênh khác nhau, nhưng dù công nghệ có hiện đại và tiện lợi đến đâu cũng khó thay thế được trải nghiệm và cảm xúc khi cầm một cuốn sách trên tay. Vì sao? Tác giả cho rằng, cầm một quyển sách giấy, bạn luyện được lòng nhẫn nại trước độ dày của cuốn sách; bạn có tính ngăn nắp khi sắp xếp tủ sách ở nhà theo chủ đề dễ tìm, dễ tra cứu; bạn dễ chịu hơn khi mang theo một quyển sách bầu bạn và đọc chúng ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào rảnh.
Dày 224 trang, “Đọc sách cũng như yêu” mang đến những bài viết đa dạng. Đó là các giới thiệu sách về nhiều chủ đề từ sách lịch sử, văn hóa, văn chương, nghệ thuật đến sách/thơ dành cho thiếu nhi, sách kỹ năng sống... như bài viết “Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam văn hóa sử cương cho người yêu sử nước nhà”, “Tiếng Việt ân tình phong phú mến thương”, “Hành trình Cà Nóng chu du Trường Sa: Trường Sa mãi mãi trong tim”, “Bắt đầu bằng để lại: Tạp văn nồng hậu về đời, về người”, “Đời ném ta chanh, xử nhanh bằng đường”... Hay các bài viết lan tỏa tình yêu với sách, xây dựng thói quen đọc sách và văn hóa đọc như “Văn hóa đọc trong thời đại số”, “Tìm hạnh phúc và khỏe mạnh từ sách”, “Hoa hậu cùng Thư viện Ước mơ lên non cao”, “Cha mẹ giúp con em mê đọc sách”...
Trong các bài viết của Trung Nghĩa, có thể bắt gặp những lời khuyên đọc luôn ẩn giấu đâu đó. Ví như đề cập đến sách nói, anh viết về việc mọi người nên đặt mục tiêu về số đầu sách mình đọc được trong năm. Và sách nói có thể giúp độc giả dễ dàng hoàn thành mục tiêu này hơn, bởi tốc độ nghe sách nhanh hơn đọc sách.
Hay khi trả lời câu hỏi của nhiều bạn trẻ khi băn khoăn trong nhịp sống thường nhật quá bận rộn cho việc học hành, mưu sinh, chưa kể tiếp nhận quá nhiều thông tin đa nguồn thì làm sao để có thể yêu sách và đọc sách, anh cho biết: “Các bạn trẻ trước hết hãy xây dựng thói quen đọc sách bắt đầu từ nhu cầu cốt lõi của bản thân”. Chúng ta cần đọc sách như một nhu cầu tự nhiên, cơ bản không thể thiếu trong cuộc sống.
“Đôi khi, chuyện cần làm chỉ đơn giản là giảm bớt thời gian lướt smartphone để trở lại thú vui lật giở từng trang sách, đọc vài đoạn nào đó đặc sắc, thấm thía thông điệp và ứng dụng vào cuộc sống của chính mình” - tác giả Trung Nghĩa chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.