Hà Nội là điểm sáng về công tác giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề, trong đó giáo dục mũi nhọn đạt kết quả xuất sắc, dẫn đầu cả nước về số học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế...
Đây là những kết quả nổi bật được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2024, diễn ra tháng 4-2025.
Nhiều chính sách vượt trội
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (313 cơ sở), số lượng tuyển sinh và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có xu hướng tăng. Giai đoạn 2021-2023, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tuyển sinh 720.493 người; năm 2024, tuyển sinh 251.368 người, đạt 107% so với kế hoạch. Hà Nội đã hình thành một số trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, như: Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc; đa dạng hóa loại hình đào tạo, chú trọng mô hình liên kết 3 nhà (nhà trường - doanh nghiệp - nhà nước).
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, bên cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế, Hà Nội rất quan tâm công tác phát triển nguồn nhân lực, coi đó là động lực quan trọng để phát triển. Đặc biệt, Hà Nội đã quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đãi ngộ nhân tài. Mới đây, HĐND thành phố đã ban hành các nghị quyết về chế độ đãi ngộ với các vận động viên thành tích cao, học sinh giỏi đoạt giải quốc tế với mức thưởng cao...
Đáng lưu ý, để triển khai Luật Thủ đô năm 2024, HĐND thành phố Hà Nội đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, UBND thành phố tiếp tục triển khai xây dựng các nghị quyết để thông qua tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2025.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, những năm qua, thành phố rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, năm 2024, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó Điều 16 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc và phân cấp cho thành phố quyết định những chính sách đặc thù vượt trội để thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Những yếu tố quan trọng này, góp phần để chất lượng giáo dục và đào tạo được giữ vững, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả xuất sắc (dẫn đầu cả nước về số học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế). Công tác hướng nghiệp được quan tâm, quy mô học sinh phân luồng tăng, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chuyển biến. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 71,1% (năm 2021) lên 74,25% (năm 2024); tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 50,1% lên 54,05%. Chỉ số đào tạo lao động của Hà Nội được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá ở vị trí dẫn đầu.
Đáng lưu ý, tỷ lệ chi ngân sách thành phố cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề không ngừng gia tăng giá trị tuyệt đối. Năm 2024, tổng chi cho giáo dục nghề nghiệp của thành phố tăng gần 240% so với năm 2021; chi đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tăng trên 20% so với năm 2021...
Ngoài ra, thành phố Hà Nội còn xác định 6 đối tượng nhân tài (thủ khoa xuất sắc; tiến sĩ có công trình khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; bác sĩ, giáo viên, giảng viên, chuyên gia giỏi; vận động viên; văn nghệ sĩ...) để thu hút thông qua hỗ trợ kinh phí, đãi ngộ đặc biệt và tạo điều kiện thuận lợi tham gia các dự án trọng điểm.
Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn
Dù có nhiều kết quả nổi bật, song thực tế, chất lượng đào tạo, đặc biệt là dạy nghề ở Hà Nội còn chưa đồng đều. Theo nhận định của đại biểu Quốc hội, một số cơ sở đào tạo chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và sự biến động nhanh chóng của thị trường lao động. Nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường còn mất cân đối, chủ yếu vẫn là lao động phổ thông, thiếu hụt lao động có kỹ năng nghề cao, đặc biệt trong các ngành công nghệ mới như tự động hóa, cơ điện tử, công nghệ thông tin...
Sự gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động, giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động còn chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ, lãng phí nguồn lực đào tạo và khó khăn trong giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, còn tình trạng sinh viên ra trường phải đào tạo lại hoặc làm trái ngành nghề. Công tác dự báo nhu cầu nhân lực làm căn cứ định hướng cho hoạt động đào tạo chưa cập nhật so với thực tiễn. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng, phát triển nhân lực chất lượng cao còn nhiều bất cập.
Để tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong giai đoạn tới, thành phố Hà Nội sẽ chú trọng hơn đến chất lượng đào tạo nghề các ngành công nghiệp mũi nhọn, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo; hiện đại hóa cơ sở vật chất, đẩy mạnh mô hình đào tạo kết hợp thực hành tại doanh nghiệp, tập trung đầu tư cho các cơ sở và ngành nghề trọng điểm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, trong đó chú trọng khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ bằng các chính sách ưu đãi phù hợp. Đi đôi với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số trong giáo dục và quản trị nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp, đầu tư hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.