Giải trí

Đưa công nghiệp âm nhạc “cất cánh”:Cần cơ chế, chính sách đột phá

Thụy Du 04/05/2025 09:03

Âm nhạc được coi là một ngành công nghiệp văn hóa cốt lõi, tiềm lực cho phát triển kinh tế sáng tạo. Bên cạnh nỗ lực của nhạc sĩ, ca sĩ..., tổ chức hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, thì cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính phù hợp, rộng mở là “chìa khóa” hóa giải nhiều khó khăn, vướng mắc, cho công nghiệp âm nhạc “cất cánh”.

Chưa tương xứng với tiềm lực

hoa-minzy.jpg
Một cảnh trong video âm nhạc “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy.

Nối dài chuỗi thắng lợi, hai chương trình truyền hình thực tế “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” đều tiếp tục có những concert (đêm hòa nhạc) bùng nổ trong năm nay. Sau concert 3 và 4 vào ngày 22 và 23-4 tại thành phố Hồ Chí Minh đón khoảng 150.000 khán giả, “Anh trai vượt ngàn chông gai” sẽ có concert 5 và 6 tại miền Bắc vào tháng 6 tới. Cùng với các màn trình diễn âm nhạc mỗi đêm, chương trình còn có hoạt động ngoài lề thu hút khán giả và du khách. Phim điện ảnh “Anh trai vượt ngàn chông gai” cũng sẽ ra mắt tại hệ thống rạp trong tháng 5 này.

Tương tự, “Anh trai say hi” cũng đang hướng đến concert 6 ở Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) vào ngày 10-5 tới. Với giá vé từ 800 nghìn đến 10 triệu đồng, hiện phần lớn số vé đã bán hết. Phim tài liệu về chương trình này ra rạp cũng đạt doanh thu 15,4 tỷ đồng, trở thành bộ phim concert Việt Nam có doanh thu cao nhất. Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo ở thành phố Hồ Chí Minh tuy là sự kiện miễn phí nhưng có sức hút hàng chục nghìn khán giả, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ…

Ngoài các chương trình biểu diễn, thị trường nhạc số Việt Nam cũng đang phát triển mạnh với nhiều MV, thu hút hàng chục, hàng trăm triệu lượt xem, thu về số tiền hàng tỷ đồng, điển hình như MV “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy. Từ hiệu ứng ca khúc này, nữ ca sĩ còn tham gia nhiều show diễn và là gương mặt thu hút của các nhãn hàng…

anh-trai.jpg
Phần biểu diễn của các nghệ sĩ trong concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” tại thành phố Hồ Chí Minh, tháng 3-2025. Ảnh: BTC

Rõ ràng, công nghiệp âm nhạc đang phát triển, song vẫn chưa xứng với tiềm năng. Tổng Giám đốc Vietfest (đơn vị tổ chức Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo - Hozo music festival) Phạm Minh Toàn nhận định, Việt Nam còn rất khó khăn về cơ sở hạ tầng để tổ chức các sự kiện âm nhạc quy mô lớn.

Lấy ví dụ về Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo diễn ra trên đường phố trong 2-3 đêm để so sánh với một số lễ hội âm nhạc lớn ở nước ngoài có địa điểm thiết kế riêng, diễn ra cả tuần, thậm chí cả tháng, ông Phạm Minh Toàn cho rằng, làm sự kiện văn hóa rất khó sinh lời, thậm chí phải chịu lỗ trong nhiều năm để tạo thương hiệu. Do vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực để theo đuổi, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách, nhất là về thuế, phí, cơ sở hạ tầng…

Một nguyên nhân nữa là vấn đề bảo hộ bản quyền tác phẩm âm nhạc để phát triển công nghiệp văn hóa đang là thách thức lớn ở nước ta, nhất là khi nền tảng số phát triển mạnh như hiện nay.

Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nền tảng số là một trong những kênh phân phối quan trọng của âm nhạc hiện đại, nhưng việc định danh chủ thể quyền, cấp phép sử dụng và thu tiền bản quyền vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, các hình thức vi phạm như hát, phát lại không xin phép, chèn nhạc nền không rõ nguồn gốc đang gia tăng mà chưa có nhiều công cụ để phát hiện và xử lý…

Cùng đồng hành, hỗ trợ

Để công nghiệp âm nhạc “cất cánh”, đóng góp cho kinh tế sáng tạo phát triển, giới hoạt động âm nhạc mong mỏi có sự chung tay hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước, địa phương.

Qua tổ chức thành công các sự kiện âm nhạc quy mô như “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Chị đẹp concert”, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Yeah1 Nguyễn Xuân An cho rằng, những sự kiện nghệ thuật tầm cỡ có thể diễn ra thường xuyên, bài bản và bền vững, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, ngành, nhằm xây dựng một môi trường tổ chức thuận lợi, rõ ràng về quy hoạch và thủ tục. Trong đó, “bài toán” về địa điểm là yếu tố then chốt, không chỉ giúp bảo đảm điều kiện tổ chức tối ưu, mà còn mở ra cơ hội đưa concert Việt vươn tầm khu vực, thu hút nghệ sĩ quốc tế, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển liên ngành.

Ông Nguyễn Xuân An kiến nghị, các sự kiện quy mô lớn cần được hỗ trợ bằng những hướng dẫn thống nhất và cụ thể liên quan đến các yếu tố kỹ thuật, như phương án giao thông, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, quy trình xin phép đồng bộ...

Có kinh nghiệm biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, đang làm công tác quản lý, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Xuân Bắc nhận định, tuy ngành công nghiệp âm nhạc còn nhiều thách thức, song đã có những tín hiệu lạc quan khi ngày càng nhiều địa phương thể hiện sự sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp, đơn vị tổ chức âm nhạc.

Là đơn vị hoạt động trong ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam, đại diện BH Media chia sẻ, đơn vị gặp không ít vướng mắc về thủ tục hành chính, cũng như nhiều loại chi phí bản quyền chồng chéo, đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ để có bảng giá bản quyền minh bạch, hệ thống dữ liệu công khai về tác phẩm và đơn vị bảo hộ…

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Hoàng khẳng định, âm nhạc muốn trở thành một ngành công nghiệp vững mạnh, không thể chỉ tập trung vào sáng tạo nội dung mà cần một hệ sinh thái đồng bộ. Cục Bản quyền tác giả sẽ tham mưu với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp âm nhạc. Cục sẽ mở nhiều lớp tập huấn để nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ, người hoạt động âm nhạc và công chúng; có những hoạt động, cơ chế khuyến khích người dân trả phí cho các sản phẩm nghệ thuật cả online và trực tiếp…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa công nghiệp âm nhạc “cất cánh”: Cần cơ chế, chính sách đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.