(HNM) - Nếu được hỏi dịp nào trong năm là dịp bận rộn nhất, CBCNV ngành môi trường đô thị chắc đều trả lời: Đó là dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Không chỉ những người trong ngành môi trường đô thị mà chính chúng ta cũng có cảm nhận ấy.
Trước Tết là dịp xả rác. Theo phong tục, ngày mồng Một không nhà nào quét rác vì sợ "mất lộc"(?) nên cho đến trước giờ Giao thừa, người ta thường tống rác thải, đồ cũ ra khỏi nhà! Những ngày đó lượng rác thải tăng vọt. Ở Hà Nội, ngày thường 1.500 tấn rác, TP Hồ Chí Minh khoảng 2.500 tấn rác thì vào những ngày giáp Tết, con số này tăng gấp đôi, gấp ba. Đâu chỉ có rác thường, nhiều loại chất thải độc hại như dầu mỡ công nghiệp, túi, bao bì ni lông; dầu mỡ thực phẩm phế thải; chất thải giết mổ gia súc cũng tăng trong dịp này. Sau ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời, các hồ nước, bến sông trong thành phố la liệt túi ni lông của những người thả cá theo tục phóng sinh, nhiều khi là vứt đồng thời cả cá và túi xuống hồ. Dưới lòng sông hồ, người ta còn vớt được hàng ngàn bát hương các loại, tích tụ sau bao năm thay mới ban thờ, bát hương nhân ngày Tết. Chưa tính các hồ khác, khi nạo vét hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu người ta phải dọn đi hàng chục tấn các đồ thải trên. Đêm Giao thừa cũng là đêm tàn phá cây cối ven Hồ Gươm. Sau khi màn pháo hoa và chương trình truyền hình đón năm mới kết thúc, hàng vạn người tập trung nơi đây tản về, để lại khu vực này cảnh tan hoang: cây cối bị bẻ cành, vặt trụi lá; lòng đường đầy lá mía, rác rưởi, túi ni lông. Từ đó cho đến sáng, công nhân môi trường đô thị ra sức quét dọn để cho sáng mồng Một, khu trung tâm Thủ đô của quốc gia được sạch sẽ, gọn gàng.
Rác năm cũ chưa hết đã đến rác đầu năm. Từ ngày mồng Ba đến hết tháng Giêng, người ta tống ra đường chất thải thực phẩm, xỉ than đốt lò, lá bánh, thức ăn thừa và vô số cành đào, gốc quất héo úa, còn nguyên cả đất cát. Xe chở rác quá tải, rác tồn đọng dồn ứ hàng chục ngày, ô nhiễm các ngõ ngách, lối phố. Nói đến thói mất vệ sinh, xả rác bừa bãi, người ta nghĩ ngay đến những người không phải dân Hà Nội gốc (từng ba đời trở lên sinh ra và lớn lên tại đây) nhưng việc xả rác, hái lộc tàn phá cây cối (có "cành lộc" một người vác nặng) vào dịp Tết là khi những người làm việc, học tập ở Hà Nội hoặc những người có quê hương, gia đình ở xa đã về hầu hết, chỉ còn lại những người có quê quán tại đây. Tàn phá môi trường là do ý thức của con người, không phân biệt đấy là người có gốc gác thanh lịch Tràng An hay người mới nhập cư.
Tình trạng rác rưởi tăng vọt (chưa kể ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, nước thải) trong dịp Tết có căn nguyên xã hội của nó. Về mặt quản lý đô thị, đó là việc buông lỏng vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường do thiếu cơ chế, thiếu trách nhiệm lâu nay. Nhưng sâu xa và quyết định là ý thức văn minh đô thị của người đô thị đã xuống rất thấp. Có lực lượng chuyên trách, có cán bộ tốt, có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh là không thể thiếu nhưng còn cần ý thức cộng đồng về văn hóa đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.