(HNMO) - Sáng 21-8, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cùng Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) đưa vào vận hành thử nghiệm tuyến tàu buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông).
Thời gian chạy thử nghiệm được thực hiện trong vòng 1 tháng, sau đó nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tuyến buýt đường sông này mới chính thức được đưa vào vận chuyển hành khách.
Tuyến buýt đường sông số 1 (TP Hồ Chí Minh) chính thức vận hành kỹ thuật. |
Tại buổi vận hành thử, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng, loại hình giao thông mới này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng để giảm ùn tắc giao thông. Theo ông Cường, thành phố phấn đấu đến năm 2020 loại hình vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng 20% nhu cầu của người dân, trong đó, xe buýt và taxi chiếm khoảng 17% nhu cầu, 3% còn lại là loại hình vận tải khác như: Metro và buýt đường sông.
Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị chức năng phải đảm bảo an toàn, kỹ thuật và đẩy nhanh các hạng mục còn lại của dự án để đưa vào khai thác đồng bộ trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị phải thực hiện việc kết nối giao thông giữa đường bộ và đường thủy để người dân đi lại thuận tiện.
Tuyến buýt đường sông số 1 dài 10,8km, lộ trình từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn, đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức). Trên tuyến này có 12 bến đón, trả khách nằm rải rác tại các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức.
Tuyến này sẽ có 5 tàu buýt, mỗi tàu 80 chỗ, trong đó, 4 tàu vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị. Khi đưa vào khai thác, nếu tính cả đón trả khách, buýt đường sông chỉ cần 30 phút là hoàn thành lộ trình, bằng 2/3 so với buýt đường bộ. Giá vé dự kiến là 15.000 đồng/lượt.
Ngoài ra, tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài 10,3km, lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm (quận 6) cũng sẽ được triển khai vào đầu năm 2018.
Tổng vốn đầu tư của 2 tuyến buýt này gần 125 tỷ đồng theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.