(HNM) - Sáng 9-7, Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) TP Hà Nội đã họp tổng kết công tác an toàn thực phẩm (ATTP) trong 6 tháng đầu năm và việc triển khai
Rau an toàn cũng... mất an toàn
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã kiểm tra 57.666 lượt cơ sở, trong đó, xử lý hành chính đối với 7.113 cơ sở vi phạm ATTP; 1.771 cơ sở bị phạt hành chính với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng. Về công tác triển khai "Tháng hành động vì chất lượng VSATTP" (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5) với chủ đề "Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn", ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, các đoàn kiểm tra liên ngành từ tuyến thành phố đến quận, huyện đã kiểm tra hơn 18.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 81,8% số cơ sở đạt tiêu chuẩn. Kết quả cho thấy công tác quản lý, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đã phát huy hiệu quả.
Người tiêu dùng chưa thể yên tâm với một số mặt hàng rau an toàn đang bày bán trên thị trường. Ảnh: Khánh Nguyên |
Tuy nhiên, quá trình thanh tra, kiểm tra cũng cho thấy một số tồn tại như: Thực phẩm không nguồn gốc, thực phẩm nhập lậu vẫn được đưa về Hà Nội; việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các loại thịt gia súc, gia cầm, rau... gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, ngay cả các cơ sở sản xuất rau an toàn (RAT) cũng cho ra sản phẩm... không an toàn. Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP Hà Nội cho biết, khi kiểm tra hợp tác xã RAT Đạo Đức (ở Vân Nội, Đông Anh), cơ sở có xuất trình giấy chứng nhận sản xuất RAT nhưng một số mặt hàng tại đây lại không có trong danh mục đăng ký của cơ sở sản xuất. Thậm chí, tại đây, cơ quan chức năng còn phát hiện một số loại rau có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại đóng gói nhãn mác rau Đạo Đức rồi chuyển vào các siêu thị lớn.
Lý giải về tình trạng "bát nháo" các loại rau đưa vào siêu thị, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, tại các siêu thị, quy định ghi nhãn rau sạch rất đơn giản. Trong khi đó, việc xử phạt đối với hành vi sai phạm không đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở cố tình vi phạm dù đã bị các cơ quan chức năng xử lý trước đó. Cũng theo ông Nguyễn Đắc Lộc, theo quy định thì trong 6 tháng doanh nghiệp phải tự kiểm định chất lượng sản phẩm một lần, thế nhưng, trên thực tế, có đơn vị có tới hàng trăm sản phẩm, việc kiểm nghiệm mất quá nhiều công sức, tiền bạc nên doanh nghiệp khó tự giác thực hiện nghiêm túc quy định này. "Vấn đề đặt ra là việc cấp giấy phép, thẩm định cơ sở và hậu kiểm cần phải được tiến hành một cách chặt chẽ. Cấp phép xong thì phải tăng cường hậu kiểm thì mới truy xuất được vấn đề, chứ nếu cấp xong rồi buông thì không thể quản lý nổi", ông Nguyễn Đắc Lộc nói.
Bếp ăn tập thể - mối lo lớn
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng, nếu làm con số thống kê thì tất cả các nhà hàng trên địa bàn thành phố trung bình một ngày chỉ đón chừng 1.000 - 2.000 khách. Trong khi đó, chỉ riêng một bếp ăn tập thể có thể phục vụ đến 3.000 người/ngày. Do vậy, lượng thực phẩm tiêu thụ tại đây là rất lớn và việc phòng chống ngộ độc tại bếp ăn tập thể trong trường học, bệnh viện, khu công nghiệp được cho là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm VSATTP những tháng cuối năm 2015.
Kết quả kiểm tra của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, khi kiểm tra các cơ sở sản xuất RAT tại 6 quận, huyện (gồm Thanh Trì, Ba Vì, Mỹ Đức, Hà Đông, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm), cơ quan chức năng đã phát hiện 36 trường hợp vi phạm quy trình, quy định sản xuất RAT, trong đó có 26 trường hợp vi phạm quy định vệ sinh đồng ruộng, 1 trường hợp sử dụng thuốc ngoài danh mục, 3 trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên lúa cho rau, 6 trường hợp phun phối trộn 3 loại thuốc/bình phun... |
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, ngộ độc thực phẩm cấp tính hiện đang có diễn biến phức tạp. Ngay trong Tháng hành động VSATTP, trên địa bàn thành phố đã có 2 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể ở Khu công nghiệp Chương Mỹ và Mê Linh. Chính vì vậy, việc phòng chống ngộ độc tại bếp ăn tập thể càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho năm học mới, vấn đề bảo đảm nước uống cho học sinh tại các trường học là rất quan trọng, cần phải được tăng cường kiểm tra trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo VSATTP thành phố Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh về Hà Nội; quan tâm hơn nữa tới việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đưa vào các siêu thị, các bếp ăn tập thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.