Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề người nhập cư ở Đức: Bài toán khó cho lòng trắc ẩn

Thùy Dương| 30/07/2016 07:06

(HNM) - Nhằm trấn an tinh thần người dân Đức sau những cuộc khủng bố liên tiếp xảy ra gần đây tại nước này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tổ chức sớm cuộc họp báo mùa hè, vốn diễn ra thường kỳ vào cuối tháng 8 hằng năm.

An ninh được thắt chặt sau các vụ khủng bố ở Đức.


Tại sự kiện này, nhà lãnh đạo Đức đề cập tới nhiều vấn đề liên quan đến chính sách đối nội và đối ngoại, đặc biệt là tình hình an ninh, khẳng định giới chức nước này sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn các hành động tương tự, cũng như bảo đảm an toàn cho người dân.

Thủ tướng A.Merkel đã công bố kế hoạch 9 điểm nhằm tăng cường an ninh ở Đức, bao gồm: Giảm bớt rào cản trong việc trục xuất người tị nạn, thành lập "hệ thống cảnh báo sớm" về sự cực đoan hóa trong cộng đồng người di cư. Đặc biệt, Berlin sẽ thực hiện diễn tập chung giữa lực lượng cảnh sát và quân đội cũng như đẩy mạnh việc xây dựng Trung tâm Công nghệ thông tin về an ninh (Zitis) nhằm giải mã thông tin trên internet.

Nỗi lo sợ đang bao trùm Cựu lục địa bởi chỉ trong 10 ngày đã liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ khủng bố gây thương vong lớn tại Pháp và Đức. Với 4 cuộc tấn công chấn động tại Wurzburg (18-7), Munich (22-7), Reutlingen (24-7) và Ansbach (24-7), chủ nghĩa khủng bố đã tràn vào quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Châu Âu. Cho dù những vụ việc này được cho là không liên quan đến nhau, song có đến 3 trong 4 thủ phạm là những thanh niên tị nạn mà nước Đức từng mở rộng vòng tay chào đón. Điều này một lần nữa làm bùng lên những tranh cãi gay gắt về vấn đề vốn đã gây chia rẽ trong nội bộ Liên minh Châu Âu, đặc biệt là chủ trương mở cửa tiếp nhận người di cư của Thủ tướng A.Merkel. Con số 70.000 vụ phạm tội (thủ phạm đa phần là người nhập cư) trong quý I-2016 và hàng loạt vụ tấn công nêu trên đã hé lộ một chút phần chìm của tảng băng mà nhiều người lo ngại. Đó là ngày càng có thêm “những con sói đơn độc” đe dọa an ninh nước Đức.

Trên thực tế, nước Đức đã thắt chặt các chính sách nhập cư trong vài tháng qua để hạn chế số người tị nạn. Đầu tháng 7-2016, Nghị viện Đức đã nhất trí về một luật hội nhập mới, nhằm tạo điều kiện cho người được hưởng quy chế tị nạn dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường việc làm. Song luật này cũng đe dọa cắt giảm phúc lợi và từ chối cấp giấy phép cư trú cho những cá nhân không tuân thủ các bước hòa nhập vào xã hội Đức như từ chối tham gia các khóa học tiếng Đức cũng như khóa học về hội nhập. Berlin cũng đạt được một thỏa thuận gây nhiều tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó cho phép trục xuất những người nhập cư trái phép vào Châu Âu trở lại nước này; đồng thời gây sức ép đối với Tunisia và Morocco về việc tiếp nhận lại công dân của mình nếu họ không đủ điều kiện nhập cư.

Tuy nhiên, nhiều người Đức vẫn muốn có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong vấn đề người nhập cư. Một quan chức phụ trách vấn đề nhập cư, di cư và hội nhập, thừa nhận rằng “ngay trong Chính phủ Đức đang xảy ra cuộc tranh cãi giữa quan điểm ủng hộ và phản đối chính sách nhập cư của bà A.Merkel”. Dẫu vậy, trong cuộc họp báo mới nhất, bên cạnh việc công bố chính sách an ninh mới, Thủ tướng A.Merkel khẳng định không thay đổi lập trường mở cửa với người tị nạn; đồng thời tiếp tục cung cấp nơi trú ngụ cho những người di cư xứng đáng được hưởng điều này. “Bà đầm thép” của nước Đức cho rằng, chính sách thân thiện với những người nhập cư đang trốn chạy chiến tranh ở Trung Đông về lâu dài sẽ giúp quốc gia này an toàn hơn trước các cuộc tấn công khủng bố.

Bằng cách thể hiện lòng trắc ẩn với hàng trăm nghìn người tị nạn Hồi giáo, Thủ tướng A.Merkel muốn gửi đi thông điệp rằng, Berlin không đối đầu với đạo Hồi. Về logic, điều này sẽ khiến đa số cộng đồng người Hồi giáo ở Đức thấy có trách nhiệm phải hợp tác với các cơ quan an ninh trong cuộc chiến chống khủng bố. Thế nhưng, thực tế là vẫn tồn tại những đối tượng đi ngược lại mong muốn này. Vì thế, Thủ tướng A.Merkel đang phải đối mặt với bài toán nan giải về việc phải giải quyết sự khác biệt giữa chính sách nhập cư và bảo đảm an ninh của quốc gia. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề người nhập cư ở Đức: Bài toán khó cho lòng trắc ẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.