(HNM) - Một trong những thông tin đáng chú ý tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm về tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN là tính đến ngày 23-6, các bộ, ngành, địa phương đã CPH được 61 DNNN.
Tuy nhiên, tỷ lệ này (đạt 21,1%) là quá thấp khi theo kế hoạch năm 2015, tổng cộng có tới 289 DN thuộc diện CPH. Để hoàn thành mục tiêu trong 6 tháng cuối năm (còn 228 doanh nghiệp thuộc diện CPH, chưa kể 125 DNNN được phê duyệt bổ sung trong năm 2015), đòi hỏi sự quyết tâm và tập trung cao độ của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Trước đó, trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII, cũng nêu rõ: Việc triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch tái cơ cấu ở một số bộ, ngành, địa phương; việc sắp xếp, CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động ở một số DNNN và công ty nông, lâm nghiệp còn chưa đạt yêu cầu.
Tại sao tiến độ CPH DNNN lại chậm trễ như vậy? Có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra. Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương ban hành chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN trong 6 tháng qua chưa đạt tiến độ, chưa tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, đặc biệt là CPH. Thứ hai, nhiều DN thuộc diện sắp xếp, CPH có quy mô lớn nên cần thời gian để chuẩn bị, xử lý. Xác định giá trị DN tại các khâu như các khoản đầu tư dài hạn, giá trị tiềm năng, tài sản đã hết khấu hao, định giá cổ phiếu bán cho người lao động… gặp không ít khó khăn. Đồng thời, hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước cũng tác động đến việc thoái vốn, bán cổ phần ra công chúng…
Trên thực tế, bên cạnh không ít nơi chậm trễ trong thực hiện CPH thì một số đơn vị vẫn thực hiện tốt. Thành phố Hà Nội làm ví dụ, để hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN thuộc UBND thành phố giai đoạn 2013-2015, UBND thành phố giao cơ quan chức năng rà soát tình hình thực hiện, tiến độ đã giao cho từng DN; yêu cầu các DN lập tiến độ chi tiết và cam kết thực hiện; trường hợp lãnh đạo DN không bảo đảm tiến độ cam kết, sẽ xem xét, cử người khác thay thế. Nhờ đó, công tác CPH đạt được kết quả tích cực (với 19 doanh nghiệp).
CPH DNNN là chủ trương lớn, là một nhiệm vụ trọng tâm trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế với mục tiêu tạo động lực để nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Kết quả thực hiện CPH bước đầu cho thấy doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động đều tăng. Cũng trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ tại kỳ họp thứ chín, những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong những tháng còn lại của năm 2015 là thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu DNNN; tập trung chỉ đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phấn đấu hoàn thành kế hoạch CPH 289 DN; tiếp tục rà soát, bổ sung DN cần CPH, bán phần vốn nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành...
Cần nhắc lại là tại hội nghị giao ban về tái cơ cấu DNNN 3 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Khó khăn khi thực hiện CPH là đương nhiên, tùy thuộc thẩm quyền, Chính phủ, các bộ, ngành tiến hành xử lý. Vấn đề còn lại là quyết tâm và trách nhiệm.
Nếu không thực sự quyết tâm, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, việc CPH DNNN trong những tháng còn lại của năm sẽ còn nhiều điều đáng bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.