Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề là phải minh bạch

Hoàng Thu Vân| 14/02/2015 08:08

(HNM) - Tết đã cận kề. Có lẽ vì vậy mà người ta còn mải đi mua sắm chứ không quan tâm nhiều đến hoạt động của một số ngành chức năng, nhất là mấy


Tất nhiên "đề xuất" là một chuyện, có được "phê duyệt" hay không lại là chuyện khác. Song đây là một vấn đề có tác động lớn tới đời sống xã hội, có liên quan đến hoạt động của nhiều ngành kinh tế cũng như sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Câu chuyện có tăng giá điện hay không? Tăng vào thời điểm nào? Ở mức nào là hợp lý?... xin gác lại, không bàn ở đây. Đáng chú ý là, sau khi EVN đề xuất việc tăng giá điện, một vị lãnh đạo ngành chủ quản đã phân trần rằng, EVN không được tăng giá điện sẽ đối mặt nguy cơ thiếu vốn và nếu cứ tiếp tục với mức giá này sẽ không thể chịu đựng được lâu dài, thậm chí phá sản. Nếu đúng như vậy thì quả thực là rất… bi đát, và việc chấp nhận phải tăng giá điện là điều hiển nhiên.
Đáng tiếc là dư luận xã hội, trong đó có cả những chuyên gia kinh tế, thậm chí là những người có hiểu biết sâu sắc về hoạt động của EVN lại không đồng tình với điều đó. Đơn giản vì họ đưa ra những cách phân tích, tính toán riêng. Và như các cụ đã dạy, "nói phải củ cải cũng nghe".

Điện năng là một mặt hàng đặc biệt. Song cũng như các mặt hàng khác trong xã hội, giá lúc này giảm, lúc khác có tăng cũng là chuyện bình thường. Ấy cũng tương tự như chuyện giá xăng dầu, hay cước vận tải hành khách… Vấn đề dư luận cần là nguyên nhân của việc tăng giá hay giảm giá, cách tính như thế nào? Tóm lại là cần công khai minh bạch. "Vấn đề không phải là tăng giá bao nhiêu mà là cách thức họ tăng giá" - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung bình luận.

Trước hết, trong tình hình hiện nay, một số nguyên liệu "đầu vào" của ngành điện như giá dầu, giá than đều giảm, vậy hà cớ gì điện sản xuất ra lại tăng giá? Không lẽ, là do "ông giời" tăng giá bán nước cho ngành điện để vận hành các nhà máy thủy điện? Cũng có ý kiến cho rằng, ngành điện tăng giá là để lấy vốn đối ứng nhằm thực hiện các dự án đầu tư cho hạ tầng cơ sở như đầu tư phát triển nhà máy điện, hệ thống lưới điện, điện nông thôn, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nâng cấp, sửa chữa... Nếu đúng như vậy thì tăng giá điện cứ nói thẳng ra vì thế chứ đừng viện dẫn bằng việc so sánh giá thành mặt hàng của Việt Nam còn thấp hơn một số quốc gia. Song cũng không hẳn vì lý do này. Trên báo chí đã đưa ý kiến của một người… am hiểu về ngành điện thì gánh nặng khác tạo áp lực cho EVN đó là việc duy trì bộ máy nhân sự quá cồng kềnh. Cụ thể là EVN quản lý hơn 20.000MW trong tổng số hơn 34.000MW của cả hệ thống điện nhưng lượng người của tập đoàn lên tới 110.000 người. Trong đó, riêng khối điện lực đã chiếm khoảng 70.000 người; số người đi thu tiền điện, đo đếm công tơ, sửa chữa sự cố cũng quá đông. So với nhiều quốc gia năng suất lao động của ngành điện chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3. Rồi còn chuyện tổn thất điện năng cải thiện chậm; chuyện tái cơ cấu, thu hồi số vốn đầu tư ngoài ngành; chưa hạch toán đầy đủ các khoản thu và đầu tư có lợi nhuận vào quá trình tính giá thành…

Nên chăng, như ý kiến của một số người, cần phải thành lập một hội đồng độc lập để xem xét các hoạt động của ngành điện. Không như vậy rất khó xác định EVN đang mắc bệnh gì, năng suất lao động thực ra sao, kém ở chỗ nào… Và quan trọng hơn, như thế mới có thể minh bạch thông tin về giá thành sản xuất điện của EVN, từ đó điều tiết theo cơ chế thị trường như nội dung Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề là phải minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.