(HNM) - Rất nhiều trường hợp bệnh nhân trong cơn “thập tử nhất sinh” không có tiền cứu chữa được các bác sĩ tại bệnh viện bỏ tiền túi hoặc lấy danh dự của mình “đặt cược” viện phí giúp người bệnh qua cơn hoạn nạn.
Hiệp sĩ bất đắc dĩ
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi thư khen bác sĩ Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn (Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức) vì đã bảo lãnh viện phí cho bệnh nhân Phùng Văn Xuân (thôn Bằng Tạ, Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội). Nhờ vậy, anh Xuân đã được cấp cứu kịp thời.
Bệnh nhân Vi Thị Ăm nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm. |
Trước đó, anh Phùng Văn Xuân bị tai nạn xe máy, cổ đập mạnh vào xe. Nhà nghèo nên anh không đi khám mà tự điều trị các vết xây xước. Mấy ngày sau tai nạn, cổ sưng to, trí nhớ không tốt, thần kinh bất ổn, anh được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức trong tình trạng khó thở, suy hô hấp nặng. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị áp xe trung thất - một thể nhiễm trùng nặng do thực quản bị thủng, không mổ ngay sẽ tử vong. Chi phí cho ca mổ khoảng 100 triệu đồng, gia đình chỉ xoay xở được hơn 20 triệu đồng. Chị Dủng - vợ anh Xuân cho biết, anh chị có 3 con đang tuổi ăn học. Cả nhà trông vào 5 sào ruộng và đồng lương làm công nhân vệ sinh ít ỏi của chị. Tài sản tích lũy của gia đình chỉ có mảnh đất vài chục mét vuông và gian nhà nhỏ được xây dựng nhờ 23 triệu đồng tiền hỗ trợ hộ nghèo. Trước tình cảnh khó khăn, cô con gái học lớp 6 đã bỏ học, đi làm giúp việc kiếm thêm tiền lo cho gia đình.
Biết được gia cảnh anh Xuân, bác sĩ Chính quyết định đứng ra bảo lãnh để anh được điều trị tại viện. Sau đó, cũng chính người thầy thuốc này và đồng nghiệp góp tiền, kêu gọi ủng hộ để chị Dủng có tiền lo viện phí cho chồng. “Cho dù anh ấy bệnh tật, không giúp được nhiều cho vợ con nhưng đối với gia đình, người cha sẽ là sức mạnh tinh thần, giúp họ vượt qua khó khăn. Anh Xuân có cơ hội sống nếu được phẫu thuật, phải bằng mọi cách cứu lấy mạng sống cho anh ấy” - bác sĩ Nguyễn Đức Chính chia sẻ.
Với những bác sĩ ở các khoa Cấp cứu, Hồi sức, Phẫu thuật, Tim mạch…, việc phải đứng ra làm “hiệp sĩ bất đắc dĩ” là chuyện như cơm bữa. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu điều trị tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương), hầu như tháng nào anh cũng phải “gán nợ” cho bệnh viện. “Quy định của bệnh viện là khi vào viện phải đặt 4 - 5 triệu đồng mới mở mã bệnh nhân. Các bác sĩ căn cứ vào mã đó để đưa ra phác đồ điều trị. Nếu không đặt tiền viện phí, bệnh viện sẽ không cấp thuốc, cấp trang thiết bị điều trị, không mở phòng mổ. Tuy nhiên, vào cấp cứu nhiều khi bệnh nhân và người nhà không mang tiền. Do đó, các bác sĩ thường đứng ra “đặt cược” cho bệnh nhân” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết.
Mới đây nhất, một bệnh nhân nam 26 tuổi, quê Nghệ An vào viện trong tình trạng viêm não cấp, sốt cao, hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng. Để điều trị bệnh phải mất gần 100 triệu đồng. Người mẹ già vừa ôm con, vừa than thở, một mình con trai bà phải gồng gánh, phụng dưỡng bố mẹ quanh năm đau yếu và đứa con mới được hai tuổi. Vợ anh vì không chịu được cảnh nghèo đã bỏ chồng con đi biệt tích. Anh sang Lào kiếm sống hy vọng đổi đời, chưa được bao lâu đã lâm bệnh nặng. Người mẹ già năn nỉ các bác sĩ cứu giúp trụ cột của gia đình bà. Không có anh, nghĩa là 3 con người còn lại trong gia đình không biết dựa vào ai. Một người nhưng 4 mạng. Trước hoàn cảnh bi đát ấy, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đã ký giấy bảo lãnh điều trị cho bệnh nhân, tìm các nguồn tài trợ, kêu gọi các nhà hảo tâm để đủ tiền cho gia đình nộp viện phí.
TS, bác sĩ Dương Đức Hùng - Trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch - Viện Tim quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai): Không phải ai cũng hiểu được nỗi cực nhọc của bác sĩ khi đứng 5-10 tiếng trong phòng mổ. Chúng tôi phải chịu áp lực rất lớn, có lúc ngất xỉu vì ngấm thuốc mê trong phòng mổ, lại có lúc uất ức, buồn tủi vì bệnh nhân hoặc người nhà không hiểu hết mức độ nghiêm trọng của bệnh tật, quay sang kiện cáo, đe dọa. Nhưng chứng kiến những gương mặt vỡ òa trong nước mắt của người nhà bệnh nhân khi biết người thân được cứu sống, nắm đôi bàn tay giá lạnh đang ấm lại của bệnh nhân, tôi đã cảm thấy lựa chọn nghề nghiệp của mình thật đúng đắn, sự vất vả của mình thật đáng giá... |
... Và niềm vui thầm lặng
Thường xuyên đứng trước những quyết định sinh tử, bác sĩ Phạm Thế Thạch - Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, anh và đồng nghiệp vừa cứu được một người vợ - người mẹ qua cơn thập tử nhất sinh. Bệnh nhân là Vi Thị Ăm (36 tuổi, dân tộc Thái ở Sơn La). Chị Ăm mang thai 12 tuần thì bị phù nề nặng. Gia đình đưa đi khám nhưng không có tiền điều trị, đành đưa chị về nhà uống thuốc Nam. Khi sức khỏe bệnh nhân nguy kịch, họ mới đưa chị đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán, chị bị suy gan, suy thận, chảy máu tiêu hóa, nếu không được điều trị thì cả mẹ lẫn con phải bỏ mạng. Để cứu sống bệnh nhân phải hỗ trợ gan và chạy thận bằng cách liên tục lọc máu, truyền các chế phẩm máu và sử dụng các loại thuốc kháng sinh đặc trị. Bệnh nhân Vi Thị Ăm là người dân tộc, được bảo hiểm y tế chi trả 100%. Tuy nhiên, việc lọc gan, lọc thận, truyền chế phẩm máu không nằm trong danh mục bảo hiểm, gia đình phải tự chi trả với chi phí lên đến hơn 10 triệu đồng/ngày, điều trị trong vòng 2 - 3 tuần liên tục.
Gom góp tất cả gia sản trong nhà, nào bán bò, bán lợn, đất đai... chồng chị Ăm mới có được 7 triệu đồng. Nghe thấy số tiền phải lo viện phí, anh ứa nước mắt xin cho vợ về nhà. Nhìn khuôn mặt khắc khổ của chồng bệnh nhân, bác sĩ Phạm Thế Thạch và đồng nghiệp không khỏi ngậm ngùi. Mọi người thống nhất ký giấy bảo lãnh nợ cho bệnh nhân, kêu gọi các nhà hảo tâm mở lòng nhân ái cứu giúp chị Ăm. Sau 3 tuần cấp cứu, chị Ăm đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, đứa con trong bụng chị vẫn khỏe mạnh. “Người chồng nói tiếng Kinh chưa sõi, ngượng nghịu nắm chặt tay chúng tôi, rơm rớm nước mắt. Không chỉ cứu được bệnh nhân, chúng tôi đã cứu được mẹ của 3 đứa trẻ, cứu được vợ cho một người đàn ông chân tình, cứu được hạnh phúc của một gia đình”. Từ số tiền được các nhà hảo tâm hỗ trợ, vợ chồng chị Ăm đã có tiền đóng viện phí, chuộc lại được mái nhà cho gia đình, mảnh vườn và con trâu để cấy cày. “Những niềm vui nho nhỏ như vậy đã giúp chúng tôi thêm niềm tin vào nghề nghiệp, vào nghĩa tình”, bác sĩ Phạm Thế Thạch nói.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Uy (Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức) cũng đã giúp đỡ gia đình bệnh nhân Giàng A L. (người Mông, Lào Cai). L. từng đánh nhau bị chấn thương sọ não, phải mổ khí quản để đặt ống thở. Nhưng sau đó, do không có điều kiện chăm sóc nên bị di chứng hẹp khí quản. Nếu không mổ có thể bị suy hô hấp, bội nhiễm dẫn đến tử vong. Nghe đến tiền viện phí vài chục triệu đồng, người cha dúm dó mặt, lắc đầu xin con về, mặc dù gia đình chỉ có một con trai. Mỗi ngày, ông đều sống cầm hơi bằng một chiếc bánh mì, lấy đâu ra tiền lo chữa bệnh cho con. Nhìn chàng thanh niên đang lún phún lông măng phải về nhà chờ chết, anh Uy đã đứng ra xin bảo lãnh cho bệnh nhân. Sau đó, anh điện thoại cho bạn bè, quyên góp tiền để lo cả tiền viện phí lẫn tiền ăn. “Cứu được thêm một bệnh nhân là chúng tôi thêm một niềm vui, thêm nỗ lực để vượt qua khó khăn trong công việc” - điều dưỡng Nguyễn Văn Uy chia sẻ.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.