(HNM) - Sau một năm đi vào hoạt động, thừa phát lại (TPL) đã hỗ trợ đắc lực cho người dân trong việc lập vi bằng; giúp tòa án, cơ quan thi hành án tống đạt các văn bản tới đương sự, góp phần giảm tải công việc của cơ quan tố tụng…
Bộ Tư pháp đang chuẩn bị trình Chính phủ đề nghị cho kéo dài thời gian thực hiện thí điểm TPL đến năm 2014 và mở rộng thêm các văn phòng khác ở một số TP. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương trên là hoàn toàn đúng nhưng chưa cần thiết. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để mô hình mới này có đất phát triển.
Mới một năm hoạt động thí điểm (từ tháng 5-2010) tại TP Hồ Chí Minh với số lượng văn phòng không nhiều, nhưng bước đầu hoạt động TPL đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Theo thống kê, 5 văn phòng TPL được thành lập ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh, quận 1, quận 5 và quận 8 đã ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với 23 tòa án, 25 cơ quan thi hành án và thực hiện tống đạt trên 14 nghìn văn bản với tổng chi phí thu được trên 300 triệu đồng. Các văn phòng cũng đã lập gần 2 nghìn vi bằng cho người dân, chủ yếu ghi nhận hiện trạng nhà hàng xóm trước khi xây nhà. Cũng không ít trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tay đã hẹn TPL lập vi bằng về việc giao tiền, sau đó bên mua hoàn toàn chịu trách nhiệm về thủ tục hợp thức hóa căn nhà… Đặc biệt, có 25 vụ việc người dân nhờ các văn phòng TPL thi hành án (THA) trực tiếp, thay vì phải nhờ đến cơ quan THA của nhà nước như trước đây, góp phần bảo đảm các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan tòa án và THA dân sự tại TP Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính khẳng định: Dù mới thành lập, các văn phòng đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ của mình. Đây được xem là một kênh mới trong việc tạo lập chứng cứ, vừa giúp cho người dân bảo đảm quyền lợi của mình, vừa làm phong phú nguồn chứng cứ cho tòa án, cho cơ quan nhà nước khi xem xét các vụ việc có tranh chấp. Tuy nhiên, để TPL hoạt động thành công cần phải làm cho các tổ chức và nhân dân hiểu sâu, rộng về dịch vụ mới này.
Hoạt động TPL mang lại nhiều tiện ích. Tuy nhiên, đại diện văn phòng TPL quận Bình Thạnh phàn nàn rằng, hiện nay công việc chủ yếu của các văn phòng TPL là lập vi bằng, việc THA và các việc khác còn quá ít. Sở dĩ có điều này là do một số tòa án, Chi cục THA chưa sẵn sàng chia sẻ công việc của mình cho TPL, chỉ giao một vài văn bản cho văn phòng TPL tống đạt đến đương sự. Trong quá trình xác minh tình trạng nhà đất theo đơn yêu cầu, nhiều đơn vị không cung cấp kết quả xác minh cho TPL nên gây khó khăn cho hoạt động của mô hình non trẻ này… Hậu quả dây chuyền là các doanh nghiệp bảo hiểm còn e ngại trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho TPL. Nhiều ý kiến lo ngại, giả sử hết thời gian thí điểm, nhà nước không cho tồn tại các văn phòng TPL thì những vi bằng từng lập có giá trị gì không? Trường hợp văn phòng TPL nào đó tự động đóng cửa thì những vi bằng do văn phòng ấy lập có được tòa án chấp nhận không?
Thiếu "đất" để hoạt động và thiếu cơ sở bảo đảm uy tín nên người dân chưa mặn mà với dịch vụ này. Nên chăng, thay vì mở rộng mô hình văn phòng TPL, Bộ Tư pháp cần đề ra cơ chế kiểm soát hữu hiệu hoạt động này và tạo lập những điều kiện cần thiết để TPL thoát cảnh "ngăn sông cấm chợ".
Theo quy định hiện hành, văn phòng TPL có quyền: Tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án; xác lập các vi bằng - văn bản có giá trị chứng cứ trong tố tụng và các quan hệ pháp lý khác theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân; tống đạt các văn bản của tòa án, Cục THA dân sự, Chi cục THA dân sự và các văn bản khác theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân; tư vấn pháp luật về hoạt động xác minh điều kiện THA, tổ chức THA... Nói cách khác, khi người dân có các bản án cần phải THA thì có thể nhờ TPL xác minh tài sản của người phải thi hành án hoặc có thể yêu cầu văn phòng TPL trực tiếp tổ chức thi hành án (thay vì yêu cầu Chi cục THA dân sự).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.