Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn bản và tính khả thi

Hoàng Thu Vân| 15/08/2012 05:14

(HNM) - Bộ NN&PTNT vừa ban hành Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 3-9-2012, quy định điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm.

Cụ thể, Thông tư quy định thịt và phụ phẩm được bày bán phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định, không được dùng hóa chất để bảo quản thịt và phụ phẩm tươi sống. Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Đối với trường hợp được bảo quản ở 0-5 độ C thì được bày bán trong vòng 72 giờ từ khi giết mổ. Đối với phụ phẩm là dạ dày, ruột non và ruột già bảo quản ở 0-5 độ C được bày bán trong vòng 24 giờ kể từ khi giết mổ…

Về lý thuyết, những quy định trên là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm an toàn về sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là những quy định trên có khả thi, nghĩa là có thực hiện được trong thực tế hay chỉ tồn tại trên… giấy?

Để có được tính khả thi, các văn bản luật và văn bản dưới luật (như thông tư, nghị định… do các cơ quan nhà nước ban hành) phải phản ánh đúng hiện thực khách quan, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phải điều chỉnh và định hướng hành vi của con người phù hợp với quy luật của xã hội, phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân, được người dân đồng tình ủng hộ. Đồng thời phải có bộ máy thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện và có đủ kinh phí để thực hiện; đồng thời cũng cần có những quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các quy định…

Áp những vấn đề đó vào Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT có thể dễ dàng nhận thấy nhiều quy định trong văn bản này là khó thể thực hiện. Ví dụ về quy định thịt và phụ phẩm được bày bán phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y, nhiều ý kiến cho rằng đây là quản lý "phần ngọn". Trong khi đó, xét về "phần gốc", hiện cả nước có hơn 28.000 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó chỉ có 59 cơ sở giết mổ tập trung (chiếm 0,51%) còn lại đều là các điểm giết mổ nhỏ lẻ. Điều đáng nói là lực lượng thú y mới chỉ kiểm soát được trên 900 cơ sở (chiếm khoảng 8,05%). Một vấn đề khác là những quy định về thời gian sau giết mổ, là 8 giờ đối với thịt, phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ bình thường; là 24 hoặc 72 giờ đối với thịt, phụ phẩm bảo quản ở mức 0-5 độ C - Ngay cả các chuyên gia cũng cho biết là rất khó phân biệt và xác định chính xác. Còn về quy trình thực hiện, theo thông tư, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện; Chi cục Thú y phổ biến, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm trong địa bàn… trong khi không có hình thức kiểm tra, xử phạt, mức xử phạt, chế tài xử lý cụ thể… Đặc biệt là ai, lực lượng nào sẽ kiểm soát, xử lý những vi phạm cũng không thấy được nhắc đến.

Thế nên, có những ý kiến cho rằng, đây là một "dạng" quy định… cho có vì không có khả năng thực hiện. Phải chăng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chỉ là ban hành văn bản, còn thực hiện được hay không lại là chuyện khác?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn bản và tính khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.