(HNM) - Mặc dù thời gian qua Hà Nội đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn lách luật, thực hiện không đúng cam kết về xử lý chất thải.
Hiện hai con sông thoát nước thải chính của nội thành Hà Nội là Tô Lịch và Kim Ngưu đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp không qua xử lý xả trực tiếp ra sông. Môi trường đất cũng đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các ôxít kim loại nặng có mặt trong các nguồn nước thải công nghiệp. Kết quả đo đạc tại nhiều trục đường giao thông còn cho thấy, nồng độ bụi trong không khí đang tăng lên đáng kể.
Trước tình trạng ô nhiễm đã đến mức báo động, Hà Nội đang huy động các nguồn lực tập trung giải quyết 3 vấn đề bức xúc nhất. Đó là ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, ô nhiễm môi trường nước mặt của các sông, hồ và ô nhiễm môi trường không khí do bụi và khí thải của phương tiện giao thông. Thế nhưng việc xử lý không đơn giản. Gần đây nhất, qua thanh tra, có 24/25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã bị phạt hành chính, đồng thời phải thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Trong khi đó, nhân lực theo dõi, giám sát tại các quận, huyện, thị xã lại mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm, trình độ còn hạn chế. Vì vậy, tình trạng xử lý đơn vị này nhưng bỏ qua đơn vị khác không hiếm. Đang có khoảng 20% lượng chất thải nguy hại chưa được thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy định.
Cùng với sự ra đời ồ ạt các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề thủ công truyền thống cũng có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ tại các huyện ngoại thành. Do sản xuất mang tính tự phát, sử dụng máy móc công nghệ lạc hậu, chắp vá, mặt bằng sản xuất chật chội nên hậu quả về ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Hà Nội cần có biện pháp tuyên truyền để người dân nhận ra tác hại của ô nhiễm môi trường lớn hơn nhiều so với lợi nhuận đem lại… Nếu làm tốt việc này, dù lực lượng thanh, kiểm tra mỏng nhưng vẫn có thêm nhiều kênh thông tin tố giác hành vi vi phạm về môi trường.
Tuy nhiên, đây là giải pháp cần nhưng chưa đủ. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đang có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh tế, sử dụng quy trình kỹ thuật, nguyên liệu trong sản xuất nhưng thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao. Tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung khá phổ biến. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường - văn bản chính điều chỉnh hoạt động bảo vệ môi trường - có chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, không theo kịp sự phát triển của thực tiễn đời sống xã hội. Tội phạm hình sự cướp của, giết người sẽ bị tử hình nhưng tội phạm trong lĩnh vực môi trường gây ảnh hưởng tới sức khỏe cả thế hệ, thậm chí nhiều thế hệ, hầu hết lại chỉ bị phạt chưa tới 500 triệu đồng. Lợi dụng kẽ hở này, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xác định nộp phạt vẫn có lợi và rủi ro bị đóng cửa do gây ô nhiễm là rất thấp. Một vấn đề nữa đặt ra là mặc dù thời gian qua có rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được báo chí phanh phui, nhưng chưa có bất kỳ một vụ tố tụng hình sự nào về ô nhiễm công nghiệp ở Việt Nam. Nguyên nhân là theo Bộ luật Hình sự hiện hành, không thể khởi tố một tổ chức mà chỉ được phép khởi tố cá nhân. Điển hình vụ vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở sông Thị Vải (Đồng Nai) của Công ty Vedan Việt Nam.
Những bất cập của luật pháp về lĩnh vực bảo vệ môi trường tồn tại đã quá lâu và sinh ra nhiều hệ lụy không chỉ cho Hà Nội mà còn nhiều tỉnh, thành phố khác. Thế nhưng, việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và Bộ luật Hình sự vẫn đang trong quá trình… khởi động, trong khi ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.