(HNM) - Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2016 là tập trung xây dựng giao thông thông minh - một lĩnh vực quan trọng của thành phố thông minh...
Ứng dụng công nghệ vào điều khiển giao thông tại Trung tâm đèn tín hiệu giao thông Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
- Thưa ông, có mô hình chung nào cho việc xây dựng TPTM?
- Trước hết muốn xây dựng TPTM thì phải có hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông sẵn sàng, gồm cả hạ tầng không dây. Đây là những điều kiện cần thiết vì trong các giải pháp của TPTM, việc kết nối không chỉ giữa con người, mà là kết nối vạn vật (kết nối chiếu sáng, ô tô, camera…); hay nói cách khác sự kết nối biến những vật không thông minh thành thông minh.
Nói đến TPTM thường chia ra các lĩnh vực khác nhau, song có 4 phân khúc triển khai nhiều nhất, đó là: Giao thông thông minh; hạ tầng thông minh; điện thông minh và tòa nhà thông minh. Ví dụ, ứng dụng công nghệ để giúp giảm ùn tắc giao thông, quản lý lưu lượng xe lưu thông trên đường, xử lý bãi đỗ xe, rồi triển khai hạ tầng cho ô tô điện. Hay ứng dụng công nghệ xây dựng hạ tầng thông minh cung cấp nước sạch; cung cấp điện; chiếu sáng đô thị; thu gom, xử lý rác thải; chống thực phẩm “bẩn”… Có thể nói, đây là những “bài toán” lớn của đô thị TPTM có thể giải quyết được.
- Mô hình TPTM có thể giúp các thành phố lớn giải quyết được không ít tồn tại gây bức xúc xã hội hiện nay. Theo ông, các thành phố lớn như Hà Nội nên tập trung xử lý vấn đề nào trước?
- Tôi nghĩ, các thành phố lớn tại Việt Nam nên chọn giải quyết những vấn đề “nóng” đang gặp phải. Ví dụ, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đang bị kẹt xe thì nên tập trung xử lý vấn đề này. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ vào trung tâm điều khiển giao thông, từ đó biết được điểm “nóng” tắc đường, điều chỉnh đèn hiệu, phân luồng… thì cần tới các giải pháp đồng bộ khác, ví dụ xây dựng hệ thống thu phí thông minh tại các tuyến đường hay bị tắc vào giờ cao điểm. Việc thu phí không phải mục đích tăng doanh thu, mà nhằm để hạn chế phương tiện vào tuyến đường đó trong giờ cao điểm. Có nghĩa nếu đi vào giờ cao điểm thì phải trả phí, còn sau giờ cao điểm, có thể không thu phí, hoặc thu mức thấp. Đó là cách để hạn chế tắc đường. Để làm được thì phải có hệ thống camera và thiết bị cảm biến tự trừ tiền qua thẻ tín dụng lắp trên xe. Có thể áp dụng các module có kết nối 3G, hoặc sắp tới là 4G với xe máy, ô tô để giúp quản lý lưu lượng xe, phòng chống mất cắp, giải quyết trường hợp tai nạn... Một ứng dụng khác được các nước phát triển áp dụng, ví dụ như Nhật Bản là gắn thiết bị cảm biến vào lốp xe, để cảnh báo số kilômét mà xe đã chạy, từ đó khuyến cáo chủ phương tiện thay lốp xe đúng định kỳ, tránh tai nạn nổ lốp có thể xảy ra…
Tiếp theo, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nên chọn giải pháp ứng dụng công nghệ để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; có thể áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và các sản phẩm này muốn bán được ở các siêu thị phải tuân thủ theo quy trình. Người tiêu dùng chỉ cần có smartphone (điện thoại thông minh - hoặc tại siêu thị buộc phải có thiết bị) scan nhãn sản phẩm, phần mềm hiển thị nguồn gốc của sản phẩm đó được nuôi, trồng ở trang trại nào, vùng nào và có bảo đảm quy trình hay không. Để làm được như vậy, phải xây dựng giải pháp công nghệ điện toán đám mây và triển khai đến từng trang trại, hộ nông dân.
- Có một vấn đề hiện cũng rất bức xúc với Hà Nội là rác thải. Vậy, có thể ứng dụng công nghệ để giải bài toán này như thế nào, thưa ông?
- Đây chính là vấn đề mà các đô thị ở Việt Nam đang gặp phải. Mô hình hiện nay vẫn tập trung thu gom rác hằng ngày vào khung giờ nhất định, tuy nhiên lại không biết được số hộ gia đình có đổ rác hết hay không… Vậy nên chọn giải pháp làm thùng thu gom rác thông minh, kết nối với trạm thông tin của công ty thu gom rác qua mạng 3G, 4G. Thùng rác này có công nghệ nén rác tự động và phân loại rác; khi thùng đầy, tự báo về trung tâm, người điều hành nhận biết qua hệ thống và điều xe đến thu gom rác. Giải pháp sẽ tăng tính hiệu quả cho đơn vị thu gom rác; còn người dân không chỉ thuận tiện mà còn không phải chịu mùi xú uế từ các bãi tập kết. Tôi biết, Hà Nội đang thực hiện xã hội hóa trong thu gom rác thải và khi giao cho các đơn vị tư nhân làm, họ sẽ càng đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả. Nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào thu gom rác thải, Hà Nội sẽ là địa phương đi đầu cả nước, nhất là khi thành phố đang đẩy mạnh phát triển du lịch.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.