(HNMO) - Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đưa ra 6 biện pháp nhằm cải thiện cán cân thanh toán ngoại tệ, giảm thiểu tình trạng nhập siêu và tăng nhanh dự trữ ngoại hối quốc gia
Thứ nhất: Nhanh chóng xóa bỏ thị trường kinh doanh vàng miếng tự do nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tăng giá trị VND
Theo VAFI, biện pháp trên cũng là tiền đề để tăng dự trữ ngoại hối. Trong thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã có thông điệp chỉ dẫn chính sách là không để tồn tại thị trường kinh doanh vàng miếng tự do, để đảm bảo quyền lợi của người dân thì nhà nước sẽ thu mua vàng khi người dân cần bán theo giá quốc tế thông qua hệ thống các công ty kinh doanh vàng được cấp phép. Chỉ mới là thông điệp của Chính phủ, tình trạng đầu cơ vàng miếng gần như chấm dứt, góp phần ổn định tỷ giá. Như vậy, theo VAFI rõ ràng cần ban hành chính sách quản lý vàng miếng theo thông điệp trên. “Nếu thực hiện nhanh chính sách này, trong vòng khoảng 7 năm nữa, nhà nước có thể tạo ra một nguồn cung ngoại tệ khoảng 15 tỷ USD, đồng thời giải phóng được một nguồn vốn “chết” khổng lồ để hướng luồng vốn tích trữ này đi vào sản xuất kinh doanh”-VAFI cho hay.
Thứ hai: Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp có qui mô vốn lớn của Nhà nước
Theo VAFI, trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm như hiện nay thì việc bán cổ phần một cách rộng rãi cho công chúng là rất khó khăn nhưng bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp qui mô vốn lớn, kinh doanh hiệu quả cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (với giá quốc tế), cao hơn nhiều giá bán cho nhà đầu tư trong nước thì không gặp khó khăn gì. Điều này đã được chứng minh là trên thực tế, những doanh nghiệp lớn như Mobiphone, Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội , Vinamilk… đều có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hỏi mua với giá cao. Vì thế, bên cạnh việc cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn, Nhà nước cũng nên có chủ trương bán bớt cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn cho các nhà đầu tư chiến lược để tạo điều kiện cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp.
Thứ ba: Cần các biện pháp cơ bản và biện pháp kỹ thuật để tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn Việt Nam
Nếu xét về “độ mở ” của thị trường chứng khoán Việt Nam so với các nước trên thế giới thì của Việt Nam là rất hẹp. Vì vậy, VAFI gợi ý, cần nghiên cứu mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết và trong ngành ngân hàng. Cho phép các công ty quản lý quỹ nước ngoài thành lập các Quỹ đầu tư theo pháp luật trong nước nhưng huy động vốn trên thị trường quốc tế và coi các quỹ này là nhà đầu tư trong nước. Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng cần nghiên cứu một công cụ huy động vốn mà nhiều nước áp dụng rất hiệu quả để tăng cường thu hút dòng vốn FII như: Cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phiếu phổ thông không có quyền biểu quyết. “Thông lệ thế giới đã chỉ ra rằng có nhiều loại hình quỹ đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư nước ngoài không cần sở hữu cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết, họ cũng không có nhu cầu đi dự đại hội cổ đông. Thái Lan áp dụng qui định này một cách rộng rãi và nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã có nhiều cơ hội dễ dàng hơn trong việc huy động vốn” - VAFI liên hệ.
Ảnh minh họa |
VAFI cho rằng, nếu thực hiện nhanh giải pháp thứ hai và chỉ một phần giải pháp thứ ba, chỉ trong vòng 7 năm nữa, Việt Nam có thể dễ dàng thu hút được khoảng 15 tỷ USD.
Thứ tư: Phải có kế hoạch mới tăng nhanh hơn nữa nguồn cung điện phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa
Nhà nước hay thậm chí là EVN không cần phải bỏ vốn để đầu tư xây dựng các loại hình nhà máy điện, cũng như không cần bao cấp giá bán điện. Nguồn vốn khổng lồ để xây dựng các nhà máy điện mới có thể dễ dàng huy động từ dân cư, từ các thành phần kinh tế trong nước, từ đầu tư nước ngoài và chỉ với một điều kiện duy nhất là giá bán điện hợp lý cho quá trình vận hành các nhà máy. Bộ Công Thương và EVN cần có chiến lược mới trong việc cung ứng nguồn điện là phải chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, chuyển từ tình trạng thiếu điện sang thừa điện một cách hợp lý để gia tăng việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Không nên có quan điểm hạn chế việc thu hút những dự án FDI tiêu tốn nhiều năng lượng, chẳng hạn như các dự án sản xuất thép với mục tiêu chủ yếu là xuất khẩu mà cần nhanh chóng xây dựng giá bán điện theo cơ chế giá hợp lý thì không có gì phải lo thiếu điện. “Việc đáp ứng đủ nguồn điện cho sản xuất kinh doanh trong nước và cho xuất khẩu, đồng thời tận dụng những nguồn năng lượng thiên nhiên là giải pháp lớn để cải thiện cán cân thanh toán ngoại tệ” - VAFI nhấn mạnh.
Thứ năm: Đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Hiệp hội này cho rằng, trong mấy năm gần đây dòng vốn FDI vào Việt Nam để xây dựng các nhà máy làm hàng xuất khẩu đang gia tăng và có nhiều tiềm năng lớn, theo kinh nghiệm nhiều nước thì dòng vốn FDI này góp phần đáng kể đưa đất nước ta trở thành quốc gia xuất siêu. Nếu các bộ, ngành, địa phương tăng cường cải thiện hoạt động thu hút FDI thì tin rằng hàng năm sẽ duy trì đều đặn trên 10 tỷ USD vốn FDI được giải ngân .
Thứ sáu: Cần có thêm nhiều giải pháp hơn nữa để giảm thiểu đáng kể tình trạng nhập siêu, giảm nhập những hàng tiêu dùng xa xỉ, giảm nhập khẩu những mặt hàng trong Danh mục không khuyến khích
VAFI gợi ý, Bộ Tài chính nên làm công tác rà soát toàn diện và tăng tối đa các loại thuế với những mặt hàng trên. Ngoài thuế, cần bổ sung thêm các loại phí cao để ngăn chặn theo thông lệ quốc tế, chẳng hạn nghiên cứu ban hành loại phí mua xe mới (theo giá trị của xe ô tô ). Dùng công cụ phí với mức từ (100% - 300%) giá trị xe có thể giảm 50% - 60% kim ngạch nhập khẩu xe ô tô. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét việc ban hành ban hành giấy phép mua ngoại tệ hoặc hình thức tương tự (căn cứ theo Luật Ngân hàng), xem xét xem có thể vận dụng được không trong một giai đoạn ngắn. Doanh nghiệp nhập khẩu muốn nhập hàng tiêu dùng xa xỉ, hàng không thuộc Danh mục khuyến khích nhập khẩu cần phải xin giấy phép tại ngân hàng nhà nước. Hoặc hàng tháng Ngân hàng Nhà nước xét duyệt kế hoạch bán ngoại tệ cho việc nhập khẩu những mặt hàng nhạy cảm từ hệ thống các ngân hàng thương mại. Theo Hiệp hội này, tích cực vận dụng các biện pháp hành chính, hoặc các rào cản hợp pháp thì hàng năm có thể giảm nhập siêu với những nhóm hàng trên ở mức 3 tỷ - 5 tỷ USD.
“Nếu thực hiện gần như tất cả các giải pháp trên, cộng với chính sách tài khóa hợp lý, chính sách tỷ giá và lãi suất thông minh thì trong 10 năm tới Việt Nam sẽ trở thành quốc gia xuất siêu. Đó là mục tiêu cụ thể mà Chính phủ cần hướng tới” - VAFI tin tưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.