Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ủy ban Quân chính trong thời kỳ tiếp quản thành phố

Th.S Phạm Kim Thanh| 10/10/2016 06:34

(HNM) - Ủy ban Quân chính (UBQC) là một hình thức tổ chức đặc biệt trong thời kỳ tiếp quản thành phố, để tiếp thu các cơ quan, công sở, do chính quyền Pháp và Bảo Đại bàn giao; sau đó, điều hành bộ máy hoạt động cho bình ổn.


Ngày 11-9-1954, Thành ủy họp và ra nghị quyết thành lâp Ủy ban Quân chính (1), sau đó, ngày 17-9-1954, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập UBQC Hà Nội do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Ủy viên UBQC là các đồng chí: Lê Trung Toản, Lê Quốc Thân, Trần Minh Việt. Ngày 4-10-1954, UBQC ra quyết định về nguyên tắc chung và tổ chức bộ máy của Ủy ban, trong đó nêu rõ: Bộ máy tiếp quản của UBQC TP Hà Nội được tổ chức trên cơ sở đảm bảo việc tiếp thu và quản lý tất cả các cơ quan các cấp của chính quyền Pháp và Bảo Đại.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng cùng đoàn quân chiến thắng tiến về tiếp quản Thủ đô năm 1954. Ảnh tư liệu


UBQC TP Hà Nội lãnh đạo việc tiếp quản các ngành. Trong thời gian tiếp quản, UBQC thành phố tổ chức thành các bộ phận sau: Bộ Tư lệnh khu Hà Nội. Các Ban và các Sở gồm: Ban Nội chính có Sở Công an và Sở Tư pháp. Ban Kinh tế tài chính có Sở Tài chính, Sở Thuế, Sở Kho thóc, Sở Kho bạc, Sở Địa chính, Sở Trước bạ điền thổ, Sở Công - Thương, Sở Mậu dịch, Sở Ngân hàng, Sở Canh nông, Sở Lao động. Ban Xí nghiệp công ích có Sở Hỏa xa, Sở Bưu điện, Sở Giao thông, Sở Công vụ. Ban Tuyên - Văn - Xã có các Sở Tuyên truyền, Đài Phát thanh, Báo Tin tức, Nhà in Quốc gia, Ban Tiếp quản Ngành Giáo dục, Ban Tiếp quản Ngành Y tế. Văn phòng UBQC có: Phòng Tổ chức và cán bộ, Phòng Quản lý và phân phối tài sản, Phòng Ngoại kiều, Ban Kiểm tra, Ban Cung cấp. Cán bộ phụ trách các Ban, Sở của UBQC đều được trên giao nhiệm vụ trước khi vào tiếp quản.

9h30 sáng 10-10-1954, UBQC và Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308 dẫn đầu Đại quân từ Sân bay Bạch Mai qua ngã tư Trung Hiền lên Phố Huế - Hàng Bài - Hồ Hoàn Kiếm rồi vào Cửa Bắc - Thành Hà Nội.

Trên cơ sở các nhà máy, xí nghiệp, công sở, công trình lợi ích công cộng của chính quyền Pháp và Bảo Đại mà phía Pháp đã ký kết biên bản bàn giao cho Nhà nước ta tại Hội nghị Phù Lỗ (2); Đội Hành chính và Trật tự (vào nội thành từ ngày 2 đến 4-10-1954) đã kiểm kê tài sản và hồ sơ. Ngày 10-10-1954, cán bộ của UBQC vào tiếp thu và quản lý toàn bộ bộ máy chính quyền cũ cả ở 34 khu phố nội thành và trụ sở Đại lý Hoàn Long cùng 5 quận Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Văn Điển, Quỳnh Lôi.

Ngay sau khi tiếp quản, UBQC đã tiếp tục chỉ đạo các Ban và các Sở quản lý cho guồng máy thành phố chạy đều; khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Do đó, đối với các công sở vừa tiếp thu, UBQC đòi Pháp phải trả lại những vật dụng còn thiếu so với biên bản bàn giao, sắp xếp lại bộ máy, tạo không khí phấn khởi giữa cán bộ kháng chiến và công chức cũ. 300 công chức cũ đi làm bình thường và được giữ nguyên lương.

Công tác trật tự trị an được UBQC đặc biệt chú trọng. Ủy ban đã ra thông báo về thiết lập trật tự trong thành phố. 1.200 binh lính của chính quyền cũ đã ra ghi tên trình diện. UBQC cũng đã chỉ đạo Ban Nội chính và Sở Công an làm tốt công tác bảo vệ các cơ quan trung ương, thành phố, xí nghiệp và công trình quan trọng; quản lý hộ khẩu và giải quyết vấn đề ngoại vụ.

Về chính quyền, UBQC đã tuyên bố giải tán bộ máy chính quyền cũ. Cuối tháng 10-1954, UBQC cho thành lập các tổ công tác để chỉ đạo mọi công việc ở khu phố. Các ông Trưởng phố đã làm từ trước ngày tiếp quản, vẫn được UBQC giao làm các công việc cứu tế xã hội, giấy khai sinh, khai tử, thị thực, giấy giá thú… Tổ công tác có nhiệm vụ báo cáo tình hình mọi mặt ở khu phố và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ.

UBQC còn chỉ đạo Ban Kinh tế và các Sở thực hiện tốt chính sách; bảo đảm cho các hộ công thương nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh. Các loại thuế đánh theo đầu người như thuế căn cước, thuế đảm phụ quốc phòng, thuế an ninh bị bãi bỏ. Ngày 11-10-1954, thành phố bắt đầu thu hồi tiền Đông Dương, tiền tệ được lưu thông bình thường. Các chợ lớn trong thành phố và cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh như thường lệ. Giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh được thông suốt.

Đặc biệt, dòng điện vẫn được công nhân Yên Phụ và đèn Bờ Hồ giữ vững. Sinh viên, học sinh đến trường khai giảng năm học mới. Giới văn học - nghệ thuật hoạt động sôi nổi, làm bừng lên không khí mới trong niềm tin và lạc quan cách mạng.

Ở ngoại thành, Ban Đại diện UBQC tổ chức giúp đỡ nông dân khai hoang phục hóa, cung cấp nông cụ, sức kéo, tháo gỡ mìn và dây thép gai trên đồng ruộng; đồng thời, giúp dân chống đói, đề phòng giáp hạt.

Cuối tháng 10-1954, thành phố đã ổn định mọi mặt về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Do đó, ngày 4-11-1954, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban Hành chính TP Hà Nội gồm: Bác sĩ Trần Duy Hưng: Chủ tịch; đồng chí Trần Danh Tuyên, Phó Chủ tịch; các Ủy viên: Bác sĩ Trần Văn Lai - phụ trách khối văn xã, đồng chí Lê Quốc Thân - phụ trách khối nội chính; đồng chí Hà Kế Tấn, phụ trách công tác bảo vệ thành phố; đồng chí Khuất Duy Tiến, phụ trách khối kinh tế.

Từ 11-9 đến 4-11-1954 là quãng thời gian hết sức ngắn ngủi nhưng UBQC do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao. Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tiếp quản và ổn định về mọi mặt - Đó là một sự kiện lớn, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử hiện đại thế giới. Chính phủ đã nhận định: “Công cuộc tiếp quản Thủ đô và các thành phố khác là một kỳ công của nhân dân ta mà kẻ địch phải hoảng sợ và toàn thế giới đều khen ngợi” (3).

Hơn nửa thế kỷ đã qua, nhưng những thắng lợi to lớn của công cuộc tiếp quản và sự quản lý vừa chặt chẽ, vừa năng động, phát huy sức mạnh vĩ đại của toàn dân để “tự quản và giúp Chính phủ ổn định, củng cố bộ máy trên tất cả các mặt chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội”, vẫn là bài học quý giá cho công cuộc Canh tân - Đổi mới trong hoàn cảnh mới hiện nay!

--------------------------
(1). Nghị quyết Hội nghị Thành ủy ngày 11-9-1954, hồ sơ số 05, hộp 52, lưu trữ TUHN.
(2). Trung tuần tháng 9-1954, Hội nghị của Ủy ban Liên hiệp đình chiến mở tại Phù Lỗ bàn việc chuyển giao Hà Nội. Đến ngày 28 và 29-9, phía Việt Nam và Pháp thỏa thuận về thời gian quân đội Liên hiệp Pháp rút đi và QĐNDVN vào tiếp thu Hà Nội. Ngày 30-9, hai bên ký tiếp Hiệp định chuyển giao về quân sự và trật tự; ngày 2-10, ký Hiệp định chuyển giao về hành chính.
(3). Biên bản Hội đồng Chính phủ năm 1955, Phông Phủ Thủ tướng, Trung tâm LTQG III.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Quân chính trong thời kỳ tiếp quản thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.