(HNMO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, trong những tháng đầu năm 2022, các yếu tố thị trường như lãi suất, tỷ giá vẫn tương đối ổn định và diễn biến theo định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Đây là kết quả nổi bật, quan trọng và ấn tượng nếu đặt trong bối cảnh giai đoạn 10-15 năm trước, mỗi khi giá xăng, dầu tăng, giá vàng biến động và tăng cao sẽ tác động ngay đến tỷ giá và thị trường ngoại hối, cũng như tạo áp lực lớn đến lãi suất, gây ảnh hướng đến tính ổn định của thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng và kinh tế vĩ mô.
Không còn “cơn sốt” vàng
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2011 đến năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt việc huy động, cho vay vốn bằng vàng. Các tổ chức tín dụng không được phép huy động vàng, chỉ được bảo quản tài sản (bao gồm vàng) và khách hàng phải trả phí khi gửi giữ hộ tại tổ chức tín dụng.
Thực tế cho thấy, nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng giảm, trong khi đó tiền gửi bằng VND trong hệ thống gia tăng. Cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm. Các doanh nghiệp chủ yếu mua ròng vàng miếng từ khách hàng cá nhân.
Thị trường không có các "cơn sốt" vàng và gần như chấm dứt tình trạng đầu cơ, làm giá diễn ra trong thời gian dài gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô như giai đoạn trước đây. Trong khi đó, số liệu tiền gửi VND từ năm 2014 đến nay liên tục tăng, với tốc độ tăng hằng năm quanh mức 16-20%. Ngoài ra, nền kinh tế không bị tiêu tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng.
Hạn chế đô la hóa
Còn đối với những kỳ vọng tăng giá USD, lãi suất USD được đưa về 0% được đánh giá là một giải pháp hiệu quả. Trước đây, do lạm phát luôn ở mức cao nên tình trạng đô la hóa của Việt Nam ở mức báo động. Lượng tiền gửi ngoại tệ so với tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2007-2011 ở mức trên 20%, thậm chí lên mức 30-40% vào những năm trước đó. Hiện tượng mua bán, thanh toán và găm giữ ngoại tệ tiền mặt khá phổ biến, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức ở mức cao, tạo áp lực lớn cho thị trường ngoại hối chính thức và ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành tỷ giá, tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Từ sau khi áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm (thể hiện qua tỷ lệ đô la hóa giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% thời điểm ngày 31-12-2017). Hệ thống tổ chức tín dụng chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối.
Tiếp tục chống vàng hóa, đô la hóa
Liên hệ đến giai đoạn hiện nay, mặc dù giá dầu và giá vàng tăng cao, các thị trường tài chính thế giới biến động, nhưng thị trường tiền tệ và kinh tế vĩ mô trong nước vẫn ổn định và duy trì xu hướng ổn định. Chính sách chống đô la hóa, vàng hóa tiếp tục phát huy hiệu quả.
Tỷ trọng dư nợ cho vay ngoại tệ chỉ chiếm khoảng 7% trong tổng dư nợ tín dụng; huy động vốn bằng ngoại tệ chỉ chiếm khoảng 8% trong tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong suốt thời gian qua, phản ánh chủ trương chống đô la hóa, vàng hóa trúng, đúng và phát huy hiệu quả, đồng thời hạn chế rất nhiều những tác động mỗi khi đồng đô la, vàng biến động.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022 trở lại đây, đồng USD liên tục biến động khiến doanh nghiệp cũng như người dân hoang mang liệu tình trạng đô la hóa có trở lại. Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), nếu xét thuần túy về khía cạnh giá trị so với các đồng tiền khác trong khu vực, thì tỷ giá VND/USD tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2022 không phải là nhiều.
Trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay, các đồng tiền trong khu vực đã giảm giá khoảng 5-10% so với đồng USD. Chẳng hạn như đồng nhân dân tệ (CNY) Trung Quốc đã giảm giá khoảng 6%, đồng bath Thái Lan cũng có mức giảm giá khoảng 8%. Còn mức giảm giá của đồng peso Philippines so với đồng USD trong khoảng thời gian này đã lên đến 10%.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tiền đồng mất giá ít hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực được Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ lý giải là do trước đó các đồng tiền này đã có một giai đoạn tăng giá mạnh, khi USD giảm giá. Trong khi đó, Việt Nam duy trì chính sách tỷ giá ổn định trong cả giai đoạn USD giảm giá. Bởi vậy, khi USD tăng giá, Việt Nam không cần điều chỉnh tỷ giá với biên độ lớn như các nước.
Thực tế tại Việt Nam những năm gần đây cho thấy, chính sách tỷ giá ổn định, xét tổng thể, mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Một mặt, sự ổn định của tỷ giá giúp cho việc thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) diễn ra thuận lợi. Mặt khác, sự ổn định của tỷ giá giúp kiềm chế nhập khẩu lạm phát, nhất là trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản, đặc biệt là giá dầu, trên thế giới tăng mạnh như thời gian qua.
"Xét trên khía cạnh cung cầu ngoại tệ, có thể thấy rằng Việt Nam không bị mất cân đối, thậm chí cán cân nghiêng về phía cung nhiều hơn. Trong những năm gần đây Việt Nam luôn xuất siêu hàng hóa, tuy nhập siêu về dịch vụ. Giải ngân vốn FDI vẫn ổn định ở mức 10-15 tỷ USD/năm. Nguồn kiều hối vẫn dồi dào, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh. Đây là những yếu tố giúp cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam luôn thặng dư. Đó là chưa kể tình trạng đô la hóa nền kinh tế giảm mạnh. Những yếu tố nói trên, về cơ bản, tạo áp lực khiến tiền đồng tăng giá chứ không phải giảm giá. Vì vậy, để hóa giải áp lực, Ngân hàng Nhà nước đã luôn mua ròng ngoại tệ trong giai đoạn trước 2022, từ đó nâng dự trữ ngoại hối lên mức trên 100 tỷ USD", Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ nhận xét.
Tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn đối sách tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tổ chức ngày 28-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tình hình thế giới đang tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; lạm phát tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá... Vì vậy, cần tiếp tục phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Trong số điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, chống đô la hóa, vàng hóa, với mục tiêu ưu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.