(HNM) - Việc thực hiện ưu đãi thuế cho doanh nghiệp công nghệ thông tin (DN CNTT) được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ mang lại hiệu ứng lan tỏa xét trên góc độ lợi ích chung của Nhà nước và xã hội, như tăng sức cạnh tranh, tăng năng suất lao động, tạo thêm việc làm.
Ưu đãi thuế sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ thông tin nâng cao khả năng cạnh tranh. |
Nên ưu đãi
Theo đề án ưu đãi thuế lĩnh vực CNTT của Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), Chính phủ, Bộ Tài chính nên đưa DN dịch vụ CNTT và phần mềm vào nhóm hưởng ưu đãi đầu tư và tăng thời hạn ưu đãi đối với sản xuất và dịch vụ phần mềm lên 30 năm; giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với DN CNTT và những người hoạt động trong lĩnh vực này; ưu đãi thuế đối với hoạt động cho thuê cơ sở, hạng tầng dịch vụ CNTT. Lý giải về đề xuất này, VTCA cho rằng, việc ưu đãi sẽ giúp ngành CNTT tăng năng suất, năng lực cạnh tranh, đóng góp vào tăng trưởng GDP. Đặc biệt, việc ưu đãi không ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách mà còn gián tiếp tác động tăng thu ngân sách, tạo điều kiện để ngành CNTT thu hút nhân tài, tạo thêm một triệu việc làm có thu nhập cao trong ngành CNTT và hàng triệu việc làm trong ngành khác. Mặt khác, chính sách này sẽ là điểm hấp dẫn thu hút đầu tư ngành CNTT thế giới vào Việt Nam.
Theo Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT (Vinasa), nếu ưu đãi cho CNTT phát triển, giá trị sản xuất có thể tăng thêm khoảng 200.000 tỷ đồng. Cụ thể, ứng dụng CNTT giúp tăng năng suất lao động, tạo thêm các việc làm hàm lượng chất xám cao... Đại diện một số DN phần mềm cho biết, ưu đãi thuế giá trị gia tăng giúp người mua có được sản phẩm giá thấp hơn. Hơn nữa, Chính phủ đã cho phép các đơn vị thuê ngoài dịch vụ CNTT, do vậy, khi ưu đãi thuế sẽ tạo đòn bẩy để DN cho thuê cơ sở hạ tầng, dịch vụ CNTT phát triển nhờ giảm các chi phí, khuyến khích đầu tư vào dịch vụ cho thuê CNTT.
Cần cân đối lợi ích
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT, Chủ tịch VTCA Nguyễn Thị Cúc cho rằng, việc xây dựng chính sách thuế ưu đãi dành cho DN CNTT cần dựa trên cơ sở cân đối giữa lợi ích của ngành CNTT và lợi ích tổng thể. Do vậy, thay vì việc xác định khoản thuế thu được trước và sau khi ưu đãi cho DN, cần tính những hiệu ứng lan tỏa xét trên góc độ lợi ích chung của Nhà nước và xã hội. Các ý kiến tại cuộc họp cũng cho rằng, cần đưa ra danh mục cụ thể dịch vụ CNTT được hưởng ưu đãi về thuế suất như lĩnh vực công nghệ cao.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, bộ này ghi nhận và sẽ xem xét, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ… những điểm cần điều chỉnh liên quan đến ưu đãi thuế cho DN CNTT, người làm CNTT.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, nếu làm tốt chính sách thuế, những người làm CNTT ở Việt Nam sẽ không phải mở công ty ở nước ngoài, đóng thuế cho nước ngoài. Việc ra chính sách thuế ưu đãi cũng cần hướng tới để người nước ngoài có thể mở DN ở Việt Nam và đóng thuế ở Việt Nam. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ xác định danh mục ngành nghề trong lĩnh vực dịch vụ CNTT, phần mềm là công nghệ cao, để hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi về thuế.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật kịp thời các ngành nghề CNTT được hưởng chính sách ưu đãi vào cơ sở dữ liệu các ngành nghề kinh doanh để hướng dẫn kịp thời. Bộ TT-TT phối hợp Bộ Tài chính hướng dẫn rõ ràng các chính sách ưu đãi thuế trong lĩnh vực CNTT cho DN và người làm CNTT. "Muốn khuyến khích CNTT phát triển, phải ưu đãi để DN tăng quy mô, trở thành những DN lớn, có đủ năng lực. Những tiêu chí cần cụ thể để áp dụng được ngay. Các chính sách cần được xem xét, xây dựng trên góc độ DN làm CNTT chứ không phải là người sử dụng dịch vụ CNTT" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.