(HNM) - Hằng ngày, hầu như trên các trang nhất của các trang mạng điện tử đều có tin "hot" về giới nghệ sĩ, người nổi tiếng, từ chuyện ăn, mặc, mua nhà, mua xe, đám cưới, tỏ tình… Không biết bao nhiêu phần trăm trong số ấy là sự thật ? Phần nhiều tự nhủ đọc cho thỏa tò mò, giải trí, nhưng ai chắc là không có nhiều lúc không khỏi băn khoăn, hoang mang? Mới đây, theo kết luận của cơ quan điều tra vừa được công bố, thì thực chất của bài viết: Con trai của người giàu nhất sàn chứng khoán tỏ tình "gây sốc"? đăng trên một số báo điện tử chỉ là thông tin "dởm" từ màn kịch của một cô bé lớp 8!
Con người và những quyền cá nhân cơ bản đang trở nên mong manh vô cùng trước internet. Trong đó, người nổi tiếng như nghệ sĩ, doanh nhân… dễ trở thành "nạn nhân" của những trò đùa cá nhân và nguy hiểm hơn là của sự truyền thông dễ dãi. Đứng từ điểm nhìn này để ngẫm, thấy khối cái giật mình về văn hóa internet. Có phải ai cũng có quyền quay, chụp, lấy thông tin cá nhân của người khác và công bố trên hệ thống thông tin toàn cầu? Nghị định 97/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet ghi rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có "Đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm của công dân".
Còn về phía những người làm báo, sự dễ dãi đã khiến những thông tin "đùa cợt" hoặc cố tình xúc phạm người khác tiếp tục bị đẩy lên rộng rãi, nguy hiểm hơn vì trên danh nghĩa chính thống. Điều này, Quy chế "Xác định nguồn tin trên báo chí" của Bộ TT-TT cũng đã khẳng định: "…Phải viện dẫn nguồn tin được sử dụng để đăng, phát trên báo chí… và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ và tính xác thực của nguồn tin".
Nhưng hết thảy những quy định, hướng dẫn trên đều không thể bao quát, kiểm soát, ngăn chặn hết mọi hành vi vi phạm của con người. Nhà văn, nhà báo trẻ Nguyễn Xuân Thủy (đoạt giải với tiểu thuyết "Sát thủ online") cho rằng: Sự phát triển mạnh mẽ của internet đòi hỏi mỗi chúng ta đều phải có những ứng xử phù hợp, có văn hóa.
Tự do đưa tin không trung thực về người khác lên mạng thông tin toàn cầu có phải là có văn hóa hay không? Phải chăng, việc thoải mái tung lên mạng chuyện đời tư, giật gân… của người khác chỉ là một dạng thể của sự không tôn trọng con người trong mọi ứng xử của cuộc sống thường ngày? Và còn một điều quan trọng, phải tự nhủ với mình là truyền thông (xin không nói ở khía cạnh luật pháp, nghề nghiệp, vì đã quá rõ rồi) trước khi lan truyền theo cách chính thống một thông tin về cá nhân ai đó: Hãy thận trọng! Vì đó là cách ứng xử văn hóa trước internet. Một việc làm tôn trọng nhân phẩm con người!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.