(HNM) - Với những giá trị cảnh quan mà thiên nhiên ưu đãi, cùng đặc thù hệ cây xanh, mặt nước, điều kiện khí hậu, hệ sinh vật đa dạng, với các công trình di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, Hồ Tây - khu vực di sản đô thị hiếm có nơi nào trên thế giới có được - đã được nhiều học giả đề nghị nâng tầm thành danh thắng quốc gia.
Theo TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội), thời phong kiến, Hồ Tây đã là điểm dân cư với làng nghề hoa, cây cảnh, làm giấy, đánh cá, dệt lưới… Khi xây dựng kinh thành Thăng Long qua các triều đại, Hồ Tây được khai thác như địa điểm du ngoạn, giải trí mà bằng chứng là nhiều cung điện, đền, chùa và nhiều di sản văn hóa phi vật thể gắn với lễ hội truyền thống, danh nhân văn hóa còn đến ngày nay. Thời kỳ Pháp thuộc, nhất là qua hai lần quy hoạch (năm 1924-1925 và năm 1943), Hồ Tây được chú trọng với ý đồ bảo tồn cảnh quan và khai thác chủ yếu phục vụ nghỉ ngơi, giải trí, tạo vùng không gian xanh mở từ sông Hồng vào trung tâm hành chính - chính trị. Sau hòa bình lập lại đến nay, Thủ đô Hà Nội qua 7 lần phê duyệt quy hoạch chung và định hướng phát triển, nhưng đều có điểm chung là kế thừa truyền thống xác định ưu tiên xây dựng chức năng trung tâm công cộng và công viên lớn ở khu vực Hồ Tây.
Hồ Tây, lá phổi xanh của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Xuân Chính |
Dưới góc độ bảo tồn đa dạng sinh học, Hồ Tây chứa đựng nguồn tài nguyên động - thực vật độc đáo. Riêng thực vật nổi đến năm 2013 đã phát hiện tổng cộng 68 loài tảo, thuộc 4 ngành; động vật nổi có 50 loài; động vật đáy có 48 loài; hệ cá có 48 loài thuộc 4 họ… Chưa kể các loài chim, bò sát, thực vật bậc cao. Và chắc chắn với diện tích mặt nước 500ha, Hồ Tây chính là "lá phổi" thiên nhiên của Hà Nội, tạo ra môi trường không khí trong sạch; đồng thời là hồ chứa nước mùa mưa, tạo nguồn nước ngầm quý giá cho Hà Nội.
Mới đây, tại hội thảo "Bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị Hồ Tây - danh thắng quốc gia", hầu hết các học giả trong nhiều lĩnh vực đều nhất trí phải nâng Hồ Tây trở thành danh thắng quốc gia vì những giá trị to lớn mà nó đem lại. Theo TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, từ những giá trị hiện diện ở đây, Hồ Tây xứng đáng được xem xét là danh thắng quốc gia. Nếu cơ sở pháp lý được hoàn thiện, nhận thức của cộng đồng được nâng lên, chú trọng đầu tư xây dựng và quản lý hiệu quả thì khu vực Hồ Tây sẽ là điểm đến hấp dẫn của người dân Thủ đô, cả nước và bạn bè quốc tế. TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, để góp phần phát triển Hà Nội theo định hướng thành phố sinh thái - kinh tế thì Hồ Tây phải phát triển thành danh thắng văn hóa đô thị quốc gia.
Phải tính đến vai trò của cộng đồng
Hà Nội vốn được coi là thành phố của sông hồ. Hệ thống sông hồ Hà Nội mang lại những giá trị to lớn nhiều mặt, trong đó nổi bật nhất là giá trị về môi trường, được ví như chiếc điều hòa nhiệt độ khổng lồ của thành phố. Thế nhưng, qua thời gian dài phát triển nhưng lại xem nặng về giá trị kinh tế và đòi hỏi tăng trưởng, nhiều sông hồ Hà Nội đã biến dạng, thậm chí không ít diện tích mặt nước đã biến mất hoàn toàn. Hậu quả là tình trạng úng ngập, suy giảm mực nước ngầm mất dần nhiều loài động - thực vật do mất môi trường sống.
Hồ Tây, hồ lớn nhất trong hơn 100 hồ của Hà Nội, cũng rơi vào tình trạng bị lấn chiếm và ô nhiễm do nước thải xả trực tiếp. TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, qua các bản đồ cho thấy Hồ Tây có nhiều biến động về diện tích và hình dáng. Cho đến ngày nay, khi hồ đã được kè, làm đường quanh hồ, diện tích Hồ Tây đã bị thu hẹp rất nhiều. GS - TSKH Phạm Ngọc Đăng, trong báo cáo tại cuộc hội thảo về Hồ Tây cũng nhận định, mặc dù đã được đầu tư hệ thống thu nước thải và thay đổi cách quản lý từ nhiều đầu mối về một đầu mối là UBND quận Tây Hồ, tình trạng ô nhiễm nước Hồ Tây vẫn đáng quan ngại. Qua khảo sát, hàm lượng chất ô nhiễm gần bờ gấp 2 lần ở giữa hồ cho thấy hệ thống thu gom nước thải chưa bảo đảm ngăn ngừa 100% nước thải xả trực tiếp vào hồ. Vì vậy, để Hồ Tây thực sự là danh thắng thì trước tiên phải hoàn thiện hệ thống cống, xử lý ô nhiễm, phục hồi chất lượng nước hồ trong sạch, đạt loại A như nước hồ vào năm 1960.
Tình trạng ô nhiễm không chỉ diễn ra ở Hồ Tây mà còn là vấn đề lớn với hệ thống sông hồ Hà Nội hiện nay, mặc dù những năm gần đây thành phố đã đầu tư lớn từ ngân sách cũng như nguồn vốn xã hội hóa cải tạo hàng loạt hồ, nhằm giữ gìn cảnh quan, sinh thái. Khảo sát mới đây cho thấy, trong số hồ, ao diện tích từ 1.000m2 trở lên, phần lớn các chỉ tiêu môi trường không đạt, chủ yếu ô nhiễm chất hữu cơ, trong đó 14% ô nhiễm hữu cơ nặng, đặc biệt là có 6 hồ hầu như không có sự sống của sinh vật. Đối với những hồ, ao chưa được kè bờ, tình trạng lấn chiếm, đổ rác, phế thải, tình trạng bồi lấp… cũng đáng báo động. Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm hồ, ao, sông là nước thải sinh hoạt, sản xuất từ cộng đồng chưa qua xử lý xả thẳng xuống hệ thống.
Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, mặt nước đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050. Trong đó, mạng lưới sông hồ sẽ được cải tạo, khơi thông dòng chảy và làm sạch nước; triển khai dự án lớn khai thác mặt nước sông hồ; bảo tồn mặt nước bằng cách kè và làm đường xung quanh hồ; tổ chức cây xanh gắn với mặt nước theo hướng không gian mở, tiếp cận đa hướng, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của người dân. Có thể thấy, giá trị của sông hồ đã được coi trọng, tuy nhiên để thực hiện cũng còn nhiều việc đáng bàn, đặc biệt là phải tính đến vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ hệ thống sông hồ Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.