(HNMO) - Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang đến gần, hơn bao giờ hết, những vấn đề về văn hoá ứng xử trong ngày Tết lại được đề cập...
Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và văn hoá gia đình (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội). |
Trước những vấn đề trên, phóng viên HNMO đã trao đổi với ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và văn hoá gia đình (thuộc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) để đưa ra những góc nhìn về văn hoá ứng xử của mỗi người trong ngày Tết.
Người có văn hoá là biết nhường nhịn và biết xấu hổ
- Những ngày giáp Tết, đường phố ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn chật như nêm, ai cũng cố gắng làm mọi cách để được việc của mình, thậm chí là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Rõ ràng ở đây không chỉ là việc tuân thủ pháp luật mà còn là vấn đề ứng xử của con người. Là cán bộ văn hoá, ông nghĩ gì về hiện tượng này?
- Đó thật sự là vấn đề rất cần phải suy nghĩ. Tết là ngày vui của mọi gia đình, mọi cá nhân, ngày đoàn tụ, sum họp nhưng cũng buồn vì đây lại là thời điểm hay xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Có người thì do vội vàng mà phóng nhanh vượt ẩu, hay uống rượu mà thiếu tỉnh táo khi tham gia giao thông. Nhiều vụ tai nạn thương tâm và đáng tiếc xảy ra chỉ vì một vài giây tắc trách, thiếu cẩn trọng của người điều khiển phương tiện. Điều tôi muốn nói ở đây không chỉ là vấn đề văn hoá ứng xử ở nơi công cộng và sự thượng tôn pháp luật mà còn là trách nhiệm của mỗi người với sinh mệnh của bản thân, người thân mà của cả những người cùng tham gia giao thông.
- Như bao lâu nay dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng những vấn đề về ứng xử của mỗi người dân ở nơi công cộng, trên đường phố vẫn còn là câu chuyện dài. Người ta vẫn lao lên vỉa hè để đi dù có biển cấm, hay vẫn cố tình chen ngang, vượt đèn đỏ khi không phải là lượt của mình. Ông nghĩ nguyên nhân của những vi phạm này do đâu?
Giao thông ngày Tết luôn đông đúc, người đi đường cần tôn trọng Luật Giao thông đường bộ và có ứng xử văn minh. (ảnh minh hoạ). |
- Tâm lý chung của người Việt là năm mới không nói chuyện cũ, không làm việc cũ nên ai cũng muốn cố gắng hoàn thành thật sớm công việc của mình trước khi đón Tết. Đó cũng là lý do, cận Tết mọi người thường vội vã hơn, “sống gấp” hơn. Cứ nhìn giao thông của Hà Nội những ngày này là thấy được sự gấp gáp của cuộc sống.
Tôi cho rằng, nguyên nhân chính của những vi phạm này là ý thức tham gia giao thông, tuân thủ pháp luật, tôn trọng người đi đường của một bộ phận người dân còn kém. Thứ hai là do kỷ cương xử lý của ta vẫn chưa nghiêm. Nếu vi phạm mà còn tình trạng xin để không bị phạt thì khó có thể răn đe người khác. Cũng với những con người ấy nếu ra nước ngoài, họ răm rắp tuân thủ pháp luật, ứng xử rất văn minh, nhưng khi ở Việt Nam thì họ lại sẵn sàng vi phạm mà không mảy may xấu hổ. Việc “nhờn” luật pháp vẫn đang xảy ra nên tình trạng mạnh ai nấy đi vẫn còn tiếp diễn.
- Nhìn ở góc độ văn hoá ứng xử, theo ông, làm cách nào để hạn chế tình trạng cứ cuối năm, đường phố lại nhốn nháo như hiện nay?
- Ở góc độ văn hoá ứng xử, tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân. Tôi ủng hộ việc cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay đối với trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông, ví như cán bộ, công chức vi phạm có thể bị gửi giấy thông báo về cơ quan, đơn vị. Việc làm này nhằm khơi gợi sự xấu hổ trong mỗi con người. Có xấu hổ thì mới mong thay đổi hành vi.
Còn với người dân, mỗi người khi ứng xử ở nơi công cộng nên có sự nhường nhịn, thông cảm nhau. Ở nơi công cộng, trên đường phố, nếu ai cũng muốn chen ngang, vượt lên trước thì chắc chắn chỉ làm giao thông thêm hỗn loạn và rắc rối mà thôi. Đôi khi sự nóng vội của bản thân có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Nhiều người muốn nhanh được vài giây có khi bị chậm cả đời. Tôi hy vọng, trong những ngày bộn bề, hối hả này, mỗi người khi đi đường hãy chậm lại, bình tĩnh hơn và tôn trọng người khác.
Ngày Tết, nên biết dừng đúng lúc
- Văn hoá mua sắm ngày Tết của người Việt Nam bây giờ đã khác trước nhưng có vẻ như nhiều người vẫn chưa thoát được tâm lý “thừa còn hơn thiếu”, trước Tết mua rất nhiều để rồi sau Tết phải bỏ đi, gây lãng phí. Ở góc độ văn hoá gia đình, theo ông, việc tích trữ đồ ăn cho Tết có còn phù hợp với xã hội hiện nay?
- Thói quen tích trữ đồ ăn cho 3 ngày Tết đến nay vẫn còn diễn ra ở nhiều gia đình. Trước đây, điều kiện hàng hoá khan hiếm nên người dân thường tích trữ nhiều thức ăn. Tuy nhiên, việc tích trữ đồ ăn nhiều mang đến những hệ quả không tốt, như đồ ăn nhanh hỏng, phải bỏ đi gây sự lãng phí, chưa kể những đồ ăn tích trữ lâu ngày không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với cuộc sống hiện nay, theo tôi các gia đình nên cân nhắc việc mua sắm, chỉ nên mua đủ dùng, không nên mua nhiều quá. Nhiều năm nay, hệ thống siêu thị, các khu chợ dân sinh đã mở hàng từ mùng 2 Tết, thậm chí có nơi đã mở từ mùng 1 Tết để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân. Việc mua sắm hợp lý sẽ tránh được sự lãng phí trong những ngày Tết.
- Văn hoá chúc Tết theo truyền thống của người Việt hiện nay có nhiều mâu thuẫn. Nhiều người quan niệm, khách đến nhà phải thiết đãi long trọng, cần phải có chén rượu thì mới vui, nhưng có người lại cho rằng, sự long trọng ấy gây cảm giác mệt mỏi, phiền hà, thậm chí là… sợ vì bị ép ăn, uống không như ý muốn. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Chúc Tết là nét đẹp văn hoá của người Việt cần được duy trì và gìn giữ. Việc chúc Tết thế nào để cả gia chủ và người đi chúc cảm thấy vui vẻ, thoải mái lại cần sự thẳng thắn ở cả hai phía. Tôi cho rằng, với suy nghĩ có phần hiện đại và thoáng như hiện nay, gia chủ và khách nên thẳng thắn bày tỏ ý muốn của mình khi giao đãi.
Văn hoá chúc Tết cần có sự cởi mở, chân thành từ cả phía gia chủ và khách. (Ảnh: Giải Nhất Cuộc thi ảnh người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh 2018) |
Ví như, khách đến nhà có thể nói thẳng với gia chủ về việc mình không muốn, không thể uống rượu. Chủ mời khách cũng nên thẳng thắn hỏi ý muốn của khách. Một đoàn khách khoảng 20 người đến chúc Tết một gia đình, người chủ nhà hoàn toàn có thể hỏi những người trong đoàn về nhu cầu ăn, uống để chuẩn bị, thay vì loay hoay đi tìm đủ 20 cái chén, có khi chưa kịp rót đủ số chén thì khách đã lục đục ra về. Tôi cho rằng, điều quan trọng của việc tiếp đón giữa chủ và khách là sự chân thành, cởi mở, thẳng thắn để cả hai cảm thấy thoải mái và vui vẻ.
- Quan niệm về Tết sum vầy của người Việt giờ đây đã khác trước, người lớn tuổi mong sự đoàn tụ gia đình, trong khi những người trẻ lại tìm đến xu hướng là chơi Tết, đi du lịch. Theo ông, những nhu cầu này có làm phai nhạt giá trị Tết truyền thống?
- Mỗi lứa tuổi sẽ có một nhu cầu riêng và đó đều là những nhu cầu chính đáng. Vấn đề ở đây là các thế hệ cần tìm được tiếng nói chung để có thể đáp ứng nhu cầu của nhau. Những năm gần đây, ngày nghỉ Tết truyền thống thường kéo dài từ 7-9 ngày, đó là điều kiện thuận lợi để các gia đình thu xếp, bố trí lịch nghỉ ngơi, sum họp gia đình hợp lý.
Người trẻ nên dành vài ngày để thực hiện bổn phận của mình, ví như thăm hỏi bố mẹ, người thân trước. Những người lớn tuổi cũng nên có suy nghĩ thoáng, để con trẻ có thời gian riêng. Tết là thời gian để nghỉ ngơi, vui vẻ nên tôi cho rằng, mỗi thành viên trong gia đình cần có sự thấu hiểu, chia sẻ với nhau thì ngày Tết sẽ có ý nghĩa hơn.
- Cảm ơn ông về những chia sẻ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.