Ngày 16-5, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) đã đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố Hà Nội. Như vậy, thành phố Hà Nội hiện có 65 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 3 xã đang chờ công nhận.
Song song với việc phát triển về số lượng, các xã đạt chuẩn đang tiếp tục nâng chất lượng các tiêu chí, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện 8/8 lĩnh vực gắn với xây dựng nông thôn thông minh.
Xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại
Có nghề gốm sứ truyền thống nổi tiếng cả trong nước và quốc tế, nếu làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, du lịch nên xã Bát Tràng đã thống nhất lựa chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về hai lĩnh vực gồm: Du lịch và an ninh trật tự. Ngày 23-2-2024, xã Bát Tràng được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 1025/QĐ-UBND công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 về các lĩnh vực: Du lịch và an ninh trật tự.
Trong khi đó, năm 2023, xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) cũng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo Chủ tịch UBND xã Phùng Xá Vũ Văn Chùy, xã có 3 trường học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Anh Phạm Đình Thành (xã Phùng Xá) cho biết, từ sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình anh cảm nhận rõ những thay đổi tích cực khi các con anh học ở trường trung học cơ sở xã luôn hào hứng khi đến trường. Tại đây, các con anh được học trong những lớp học khang trang với nhiều trang thiết bị hỗ trợ học tập.
Còn xã Nhị Khê (huyện Thường Tín) được thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 trên 3 lĩnh vực: Y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo. Nhị Khê hôm nay có hệ thống trường, trạm y tế bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho người dân địa phương.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến ngày 16-5, thành phố đã có 65 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa…
Tuy đã đạt kết quả khá cao về số lượng, song Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, đa số các xã đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu đều chưa toàn diện. Hiện thành phố mới có 2/65 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện (8/8 lĩnh vực), đó là xã Yên Mỹ và xã Đại Áng của huyện Thanh Trì. Các xã còn lại chủ yếu đạt từ 2 đến 4 lĩnh vực, nên rất cần các địa phương quan tâm, tiếp tục duy trì, đầu tư, nâng chất lượng các tiêu chí để đạt kết quả cao hơn.
Tăng lĩnh vực đạt chuẩn
Năm 2021, xã Đại Đồng là địa phương đầu tiên của huyện Thạch Thất được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực: Y tế và văn hóa. Không dừng ở kết quả đạt được, chính quyền và nhân dân địa phương vẫn nỗ lực, cố gắng để duy trì và nâng cao chất lượng các lĩnh vực đã đạt; đồng thời xây dựng thêm kiểu mẫu trên các lĩnh vực khác, trong đó có giáo dục và đào tạo.
Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng Khuất Thanh Huyền chia sẻ, trong năm 2022 và năm 2023, Trường Trung học cơ sở của xã đã được đầu tư 37 tỷ đồng xây dựng 22 phòng học, khu giáo dục thể chất; Trường Tiểu học được đầu tư hơn 60 tỷ đồng, bảo đảm cơ sở vật chất đạt chuẩn mức độ 2. Riêng Trường Mầm non xã đã đạt chuẩn mức độ 2 vào năm 2020, nhưng với tầm nhìn xa, xã quy hoạch thêm một khu mới tại xứ đồng thôn 2 rộng 1,5ha.
“Với kết quả đó, chúng tôi tự đánh giá đủ điều kiện để đạt kiểu mẫu trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Năm 2024, xã sẽ trình huyện, thành phố thẩm định và công nhận thêm lĩnh vực này”, đồng chí Khuất Thanh Huyền nói.
Tương tự, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) Vũ Văn Chùy thông tin, ngay sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, xã đã đề ra mục tiêu phát triển Phùng Xá thành xã thương mại điện tử vào năm 2024.
“Phùng Xá có nghề dệt rất phát triển. Chúng tôi sẽ tận dụng công nghệ số và các nền tảng thương mại điện tử quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Xã sẽ đầu tư hạ tầng, mạng internet ổn định, tốc độ cao, phủ sóng rộng; hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người dân về bao bì, đóng gói, kho vận, bảo hiểm hàng hóa trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt...", Chủ tịch UBND xã Phùng Xá Vũ Văn Chùy cho hay.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi khẳng định, việc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu sẽ tạo động lực để xã hoàn thiện các lĩnh vực còn lại cũng như nâng chất những lĩnh vực đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu như du lịch, an ninh trật tự. Trong đó, riêng về lĩnh vực du lịch, xã sẽ phối hợp với các doanh nghiệp đưa ra thêm nhiều giải pháp về chuyển đổi số để Bát Tràng thực sự trở thành điểm du lịch tiêu biểu của Thủ đô.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, cùng với việc tăng số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu để hoàn thành mục tiêu đề ra, thành phố luôn chỉ đạo các xã tiếp tục nâng cao chất lượng những lĩnh vực đạt chuẩn và những lĩnh vực còn chưa đạt hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới thông minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.