Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng phó với thách thức an ninh

Phương Quỳnh| 11/08/2016 06:26

(HNM) - Ngày 10-8, hai hội nghị quốc tế chống khủng bố đã khai mạc tại Indonesia với sự tham dự của nhiều chuyên gia, quan chức chính phủ đến từ hơn 20 quốc gia, cùng nhiều tổ chức quốc tế.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh nước chủ nhà vừa đạt được thỏa thuận với Malaysia, Philippines về việc tiến hành tuần tra chung trên biển nhằm đối phó với những hoạt động phi pháp. Đây là động thái được đánh giá cao, nhất là khi thế giới đang phải đối mặt với những hình thức khủng bố mới như những vụ tấn công tại Pháp, Bỉ, Đức vừa qua, cũng như những thách thức mới đối với an ninh toàn cầu.

Các cuộc tuần tra chung của lực lượng an ninh Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ góp phần bảo vệ lợi ích trên biển tại khu vực Đông Nam Á.



Khu vực Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ trở thành căn cứ địa mới của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cách đây ít ngày, nhà chức trách Indonesia đã bắt giữ 6 đối tượng âm mưu tấn công vịnh Marina của Singapore bằng rocket từ đảo Batam của Indonesia. Nhóm này được cho là có liên hệ với Bahrun Naim, phần tử khủng bố người Indonesia đang tham chiến cùng IS ở Syria và là kẻ chủ mưu những vụ tấn công ở Jakarta hồi đầu năm nay. Các số liệu từ cơ quan an ninh cho thấy, có khoảng 60 công dân Indonesia đang chiến đấu cho IS tại Syria. Tuy nhiên, con số thực tế được cho là cao hơn rất nhiều. Philippines cũng sẽ phải đối mặt với mối đe dọa tương tự nếu các thành viên của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) - một nhánh của Al-Qaeda đóng tại Philippines - đến Syria hay Iraq để chiến đấu và trở về nước. Lúc đó, MILF có thể sẽ trỗi dậy như một nguy cơ an ninh hàng đầu. Mặc dù một thỏa thuận giữa Chính phủ Philippines và MILF vào tháng 3-2014 đã kết thúc 45 năm xung đột giữa hai bên, song MILF và các nhóm chiến binh Hồi giáo vẫn là "ngòi nổ" có thể làm bùng lên những căng thẳng về tôn giáo và chia rẽ tại đảo quốc này. Ngoài ra, nhóm khủng bố Abu Sayyaf cũng là "cơn ác mộng" thường trực của người dân Philippines từ nhiều năm nay. Tại Malaysia, việc tuyển dụng cho IS đang diễn ra rầm rộ qua các mạng xã hội. Mới đây, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết, nước này đã bắt giữ 230 nghi phạm khủng bố trong 3 năm qua. Chưa kể, theo thông tin tình báo, khoảng 300 kẻ phục tùng Abu Bakar Bashir - lãnh đạo tinh thần của nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiyah đứng sau vụ đánh bom Bali năm 2002 - đã tới Batam, một hòn đảo thuộc quần đảo Riau của Indonesia. Đáng lo ngại là Riau chỉ cách khu vực cảng biển tấp nập của Singapore một hải trình rất ngắn.

Sự thâm nhập của IS vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã được cảnh báo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguy cơ này trở nên rõ ràng hơn. Nhiều nhận định cho rằng, một trong những vấn đề mà các quốc gia Đông Nam Á cần quan tâm hiện nay là đối phó hiệu quả với các nguy cơ khủng bố. Lựa chọn hợp lý nhất là tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia theo một lộ trình bền vững. Do đó, việc thành lập đội tuần tra chung trên biển giữa Indonesia, Malaysia và Philippines là một tín hiệu tích cực. Ba nước này đã đồng ý cho phép lực lượng an ninh được quyền truy đuổi tàu thuyền khả nghi trong các vùng biển của nhau. Và đây là bước khởi đầu nhằm tiến tới thỏa thuận cho phép lực lượng an ninh Indonesia, Malaysia và Philippines được phép tiến hành các hoạt động tuần tra dọc đường biên giới đất liền.

Trong bối cảnh phải đối mặt với những rủi ro an ninh truyền thống và phi truyền thống, hoạt động tuần tra chung này được nhìn nhận là một nỗ lực tích cực nhằm bảo vệ và tăng cường lợi ích biển của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần duy trì an ninh, tự do hàng hải tại Biển Đông, tuyến hàng hải quan trọng có ý nghĩa sống còn với sự phát triển và thịnh vượng của khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với thách thức an ninh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.