Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng phó với dịch bệnh do nCoV gây ra: Giải pháp mua sắm trực tuyến “lên ngôi”

Thanh Hiền| 12/02/2020 06:24

(HNM) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra, hoạt động mua sắm trực tuyến "lên ngôi" khi nhiều người đang thay đổi thói quen mua hàng từ các chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... sang mua hàng trực tuyến. Cùng với đó, các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp ba lần, đồng thời triển khai các giải pháp bán hàng trực tuyến, giúp người dân không phải đến nơi đông người mua hàng làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Nhiều người tiêu dùng chọn giải pháp mua hàng trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh do nCoV diễn biến phức tạp. Ảnh: Hải Anh

Nhu cầu mua hàng qua mạng tăng mạnh

Hơn một tuần trở lại đây, khi dịch bệnh do nCoV diễn biến phức tạp thì nhu cầu mua sắm thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo… ) và các sàn thương mại điện tử của người tiêu dùng tăng mạnh. 

Bà Nguyễn Thị Thu (trú tại khu tập thể Bệnh viện 108, quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Trong bối cảnh dịch bệnh do nCoV đang có chiều hướng gia tăng, gia đình tôi hạn chế ra ngoài ăn uống, mua sắm, đến những chỗ đông người. Khi có nhu cầu mua thực phẩm hay các đồ dùng thiết yếu, tôi đặt mua qua kênh mua sắm trực tuyến của các siêu thị, hoặc sử dụng ứng dụng GrabFood, GoViet… để được giao hàng tận nhà nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho cả gia đình". Tương tự, từ khi có dịch bệnh do nCoV, bà Nguyễn Thị Oánh (trú tại ngõ 29 Vũ Xuân Thiều, quận Long Biên) cũng dần chuyển sang mua hàng hóa qua mạng. "Để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, tôi đã hạn chế đến những chỗ đông người, góp phần phòng, chống dịch bệnh do nCoV", bà Nguyễn Thị Oánh nói.

Về phía người bán hàng, bà Lê Hà An, chủ cửa hàng thực phẩm trực tuyến (ngõ Hòa Bình 1, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Từ Tết đến giờ tôi nhận được trung bình từ 60 đến 70 đơn hàng/ngày, tăng gấp đôi so với thời điểm chưa có dịch bệnh do nCoV. Do lượng đơn hàng tăng mạnh, cửa hàng phải thuê thêm người làm và người giao hàng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng…". Còn bà Nguyễn Lan Hương, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch tại ngõ 13 phố Sài Đồng (quận Long Biên) chia sẻ: “Trong bối cảnh người tiêu dùng hạn chế đi mua sắm, tôi phải đẩy mạnh bán hàng qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, internet, hoặc điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng rồi sau đó nhân viên, hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách”.

Không chỉ bán lẻ trên trang cá nhân, tại các nhóm như: Chợ quê, nhóm mua bán chung, Shopee, Tiki… lượng người mua - bán trực tuyến cũng tăng mạnh. Ông Nguyễn Thanh Hải, chuyên chạy xe ôm công nghệ cho biết: "Từ Tết đến giờ, mỗi ngày tôi phải chạy trung bình 50-60 chuyến phục vụ các đơn hàng ẩm thực được đặt qua ứng dụng GrabFood".

Doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng trực tuyến

Hiện hầu hết các thương hiệu bán lẻ đều có kênh mua sắm trực tuyến, mua sắm qua kênh truyền hình, nhận đơn hàng qua điện thoại... Phó Tổng Giám đốc Central Retail (Tập đoàn Central Group - sở hữu siêu thị Big C) Nguyễn Thị Phương cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, Big C đang tăng cường hình thức thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến để người tiêu dùng có thể ngồi ở nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng khi có nhu cầu, không cần tích trữ khiến thực phẩm mất đi sự tươi ngon. 

Tương tự, hệ thống siêu thị Co.opmart Hà Nội cũng đang triển khai mạnh mẽ hoạt động bán hàng trực tuyến. Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trước khi diễn ra dịch bệnh do nCoV, tỷ lệ bán qua kênh trực tuyến tại Co.opmart đạt từ 5% đến 10%, nhưng ở thời điểm này, lượng khách hàng mua trực tuyến đang tăng mạnh. Hiện, tất cả các sản phẩm bán tại siêu thị Co.opmart đều được đưa lên trang bán hàng trực tuyến. 

Không nằm ngoài xu thế chung, một số siêu thị khác cũng đẩy mạnh chăm sóc khách hàng qua kênh bán hàng trực tuyến, khi phần lớn khách hàng chọn đặt hàng qua email, điện thoại và yêu cầu giao hàng tận nơi.

Về phía cơ quan quản lý, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã và đang theo sát tình hình để ứng phó với dịch bệnh do nCoV. Bên cạnh việc đề nghị các siêu thị tăng lượng hàng hóa bán ra, Bộ còn yêu cầu các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại tăng các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, rau, quả, thịt các loại…, không để thiếu hụt kể cả trong trường hợp sức mua tăng đột biến. Trong trường hợp dịch bệnh do nCoV diễn biến phức tạp, các siêu thị, trung tâm thương mại đã chuẩn bị lượng hàng tăng gấp ba lần, bảo đảm nguồn cung hàng hóa đầy đủ; đồng thời sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các giải pháp bán hàng trực tuyến. 

Cũng theo bà Lê Việt Nga, Bộ Công Thương cũng làm việc với các doanh nghiệp hậu cần, thương mại điện tử..., đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng từ hệ thống siêu thị tới người dân. Đây cũng là một trong những giải pháp hạn chế tập trung nơi đông người mà Trung Quốc đang áp dụng tốt, ngành bán lẻ Việt Nam nên học tập. Tuy nhiên, người dân nên lựa chọn, đặt mua hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trực tuyến có uy tín, nhằm tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với dịch bệnh do nCoV gây ra: Giải pháp mua sắm trực tuyến “lên ngôi”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.