(HNM) - Vụ đông - xuân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định kết quả sản xuất cả năm của nông nghiệp Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố phía Bắc nói chung. Năng suất, sản lượng vụ đông - xuân không chỉ tác động tới việc bảo đảm nguồn cung lương thực, rau quả cho thị trường trong bối cảnh "bình thường mới" và có nhu cầu tăng cao dịp cuối năm, Tết Nguyên đán, mà còn đáp ứng nguồn nông sản xuất khẩu cho các doanh nghiệp.
Vụ đông - xuân 2021-2022, khu vực phía Bắc dự kiến gieo trồng hơn 1 triệu héc ta lúa chưa kể các loại rau màu. Với Hà Nội là 82.000ha lúa, 3.600ha ngô, 9.000ha rau màu các loại… Tuy nhiên, theo dự báo của các cơ quan chức năng, vụ đông - xuân này sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Đó là những bất lợi về dịch bệnh, thời tiết như tình trạng hạn hán, thiếu nước cho sản xuất... Đặc biệt, các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp vẫn chưa thể phục hồi do tác động của đại dịch Covid-19 nên giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng tiếp tục biến động… khiến chi phí sản xuất tăng cao, thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng lớn.
Để có vụ đông - xuân 2021-2022 thắng lợi, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng và địa phương cần chủ động các giải pháp nhằm hóa giải khó khăn, thách thức đang đặt ra. Vấn đề cấp bách hiện nay là thực hiện liên kết, tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân tiếp cận nguồn vật tư nông nghiệp trực tiếp tại các nhà máy sản xuất để giảm chi phí trung gian. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cần tăng cường hướng dẫn, phổ biến cho nông dân những cách hiệu quả trong tận dụng các phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học...; hướng dẫn sử dụng phân bón một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm lượng giống bằng cách sử dụng các phương pháp như gieo sạ… Các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường công tác quản lý thị trường nguyên liệu, vật tư nông nghiệp; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mở rộng phát triển ngành sản xuất vật tư, nguyên liệu phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp để có thể chủ động trong mọi tình huống.
Song song với quan tâm ổn định giá cả vật tư nông nghiệp, để vụ đông - xuân 2021-2022 thắng lợi toàn diện, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác dự báo và theo dõi nguồn nước; có kế hoạch phân phối nước hợp lý ngay từ đầu vụ sản xuất; sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi nguồn nước thiếu hụt; đồng thời nâng cao khả năng vận hành của các trạm bơm, công trình đầu mối cũng như năng lực công trình thủy lợi nội đồng, bảo đảm dẫn nước và tích trữ nước. Mặt khác, có phương án chuyển đổi cây trồng phù hợp với diện tích canh tác ở khu vực cao, khó khăn trong việc cấp nước tưới.
Cùng với đó, Hà Nội và các địa phương cần tập trung mọi nguồn lực gieo trồng hết diện tích canh tác theo kế hoạch; mở rộng trà xuân muộn bằng những giống lúa ngắn ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận; ưu tiên các giống lúa đặc sản, có chất lượng cao; hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác... Đặc biệt là mở rộng mô hình mạ khay, cấy máy…, thúc đẩy cơ giới hóa từ gieo cấy đến thu hoạch nhằm bảo đảm khung thời vụ.
Chủ động thực hiện các giải pháp, kịch bản ứng phó hiệu quả với điều kiện bất lợi, giảm chi phí vật tư, nguyên liệu sản xuất nông nghiệp, Hà Nội và các địa phương có thể hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của vụ đông - xuân 2021-2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.