(HNMO) - Tán thành chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh là ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 8-6. Tuy nhiên, các đại biểu cũng còn nhiều băn khoăn về lộ trình thực hiện dự án, việc huy động vốn, hướng tuyến...
Nên có chủ trương đầu tư dự án
Tán thành chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Lương Phan Cừ - Đắk Nông nói: "Tôi cho rằng, với một dự án đặc biệt lớn, với tổng số vốn đầu tư sơ bộ xác định đến hơn 1 tỷ triệu đồng, tương đương gần 56 tỷ đôla Mỹ, kéo dài tới 25 năm, có tới 16.529 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 9.480 hộ bị mất đất ở, thì ý kiến khác nhau cũng là chuyện bình thường và Quốc hội cần thảo luận cho ý kiến kỹ và quyết định".
Theo đại biểu Cừ, việc đầu tư dự án là cần thiết, chưa nói là chậm vì đất nước ta đang phát triển và đang nhắm đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020, giao thông là huyết mạch, phải đi trước một bước. Thêm nữa, nước ta nhỏ, trải dài với miền Trung hẹp, dân số lớn, tập trung chủ yếu ở hai đầu với hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nên càng phát triển, nhu cầu đi lại càng lớn, trong đó có giao lưu Bắc - Nam, việc đáp ứng hiện đang rất thiếu và các phương tiện khác không đáp ứng kịp. Có đường sắt cao tốc sẽ giúp phát huy thế mạnh du lịch, dịch vụ của bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, góp phần giải quyết việc làm, kích cầu sản xuất xi-măng, sắt, thép...
Mặc dù còn nhiều băn khoăn về dự án, đại biểu Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng vẫn ủng hộ việc quyết chủ trương.
"Trước mắt tôi đề nghị Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư tập trung vào 2 đoạn tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang. Sau khi có chủ trương chúng ta lập dự án điều chỉnh quy hoạch giữa các địa phương để xác định chỉ giới đất. Nếu thời điểm này chúng ta không quyết về chủ trương sẽ khó giữ được hành lang từ Bắc vào Nam", đại biểu Vinh nói.
"Ở kỳ họp này chúng ta đồng ý chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc với những nội dung cụ thể đã xác định được, ví dụ tên của dự án, điểm đầu, cuối, hướng, tuyến, phương án cơ bản để lựa chọn công nghệ, giải pháp vốn làm cơ sở pháp lý để Chính phủ, chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Sau khi các báo cáo nghiên cứu khả thi giải quyết cơ bản những vấn đề mà cử tri, đại biểu Quốc hội, nhân dân, các nhà khoa học quan tâm thì Chính phủ báo cáo chính thức, Quốc hội cho ý kiến khởi công xây dựng" - Đó là ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Toàn - Vĩnh Phúc.
Theo đại biểu Toàn, đường sắt cao tốc vận hành sẽ hạn chế các phương tiện cá nhân khác tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Như vậy, ngoài ý nghĩa kinh tế, tuyến đường này còn có ý nghĩa xã hội rất lớn.
Đại biểu Đào Xuân Nay - Bình Thuận cũng tán thành chủ trương cần phải xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.
"Triển khai thực hiện dự án sẽ góp phần quan trọng về cơ sơ hạ tầng và kích cầu thúc đẩy sản xuất ngành công nghiệp trong nước, tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng dự án, tôi đồng tình việc đầu tư cho ngành đường sắt hiện nay, nhưng do ta đang khó khăn về vốn nên cần phải có chiến lược đầu tư lâu dài, song đã là đầu tư cần phải giải quyết mang tính đột phá đi thẳng vào hiện đại, quy mô lớn. Vì chúng ta phát triển chậm nên phải đi tắt đón đầu, có thể trước mắt chưa thấy hiệu quả nhưng lâu dài sẽ là thiết thực và hiệu quả như tính quyết đoán và hiện thực của đường dây 500kv là một minh chứng", đại biểu Nay phát biểu.
Đại biểu này cũng cho rằng một công việc rất quan trọng cần sớm triển khai, trước 1 - 2 năm khi chúng ta thực hiện dự án, đó là chuẩn bị thật tốt công tác giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù, tái định cư của người dân trong vùng dự án.
Ủng hộ chủ trương làm dự án, đại biểu Nguyễn Hữu Phước - Bến Tre đề nghị làm rõ hơn hiệu quả kinh tế của dự án. Theo ông, dự án nên được triển khai theo tinh thần lấy ngắn nuôi dài, lấy "gốc đậu nấu đậu", cụ thể, làm 3 đoạn: Thành phố Hồ Chí Minh - Phan Thiết, Huế - Đà Nẵng, Hà Nội - Thanh Hóa.
"Làm những đoạn đó để chúng ta có thể rút kinh nghiệm được trong quá trình tổ chức thi công, trong quá trình quản lý dự án cũng như chúng ta có nguồn vốn để tập trung đầu tư cho các giai đoạn sau", đại biểu Phước nói.
Đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh cũng ủng hộ chủ trương phải xây dựng một dự án toàn tuyến Bắc - Nam.
"Tôi đề nghị chúng ta đồng ý chủ trương cho thiết kế lập đề án này, trong quá trình đó những ý kiến góp ý Chính phủ phải giải trình thêm, báo cáo Quốc hội trong quá trình thực thi và nên chọn hình thức PPP, xác định phần nhà nước hỗ trợ, còn lại khai thác theo hướng đa dạng hóa các doanh nghiệp, trong đó Tổng công ty đường sắt có thể làm nòng cốt lập các công ty cổ phần khai thác như nhiều ý kiến đề nghị, ở những đoạn khác nhau rút kinh nghiệm", đại biểu Lịch nói.
Đại biểu Lê Văn Cuông - Thanh Hoá cũng đề nghị Quốc hội tán thành thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư tại kỳ họp này, đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo làm báo cáo khả thi của dự án.
"Tôi đề nghị Chính phủ khi đầu tư cho đường sắt cao tốc cũng phải xem xét điều chỉnh lại quy hoạch phát triển giao thông nói chung, giao thông đường bộ và đường hàng không nói riêng sao cho hợp lý, tiết kiệm phát huy hiệu quả. Đồng thời nghiên cứu sớm ban hành cơ chế để xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh", ông nói.
Đại biểu Trần Tiến Cảnh - Hà Nam cũng nhất trí chủ trương đầu tư dự án, bởi Việt Nam hội đủ các yếu tố về sự cần thiết, về địa hình, nhu cầu đi lại 2 miền rất lớn và sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, băn khoăn của ông là nhiều nước có thừa về khả năng kinh tế, công nghệ để xây dựng đường sắt cao tốc nhưng họ lại chọn giải pháp nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt hiện có. Vì vậy, đại biểu Cảnh đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn tại sao không chọn giải pháp này, đồng thời giải trình kỹ hơn khả năng huy động vốn, có nghiên cứu, đánh giá, dự báo được những khó khăn, rủi ro khi xây dựng tuyến đường dài, thời gian lâu.
"Trên con đường phát triển kinh tế cho mỗi một quốc gia không có con đường nào rộng rãi thênh thang cả, chắc chắn cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, trái chiều về dự án này, nhưng tôi nghĩ với tinh thần Việt Nam không còn là nước nghèo, với quyết tâm chính trị của cả dân tộc, đề nghị Quốc hội tán thành chủ trương xây dựng Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh trong kỳ họp này", đại biểu Cảnh nói.
Có nên quá lo về vốn đầu tư cho dự án?
"Tôi đọc các Tờ trình của Chính phủ, đặc biệt là Báo cáo giải trình gần nhất ngày 4/6 mà Bộ trưởng vừa trình bày sáng nay thể hiện ý chí triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2014 của Chính phủ rất quyết liệt, nhưng rất đáng tiếc vào thời điểm hiện nay với khả năng tiềm lực tài chính quốc gia, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp dân cư, nhất là 70% cư dân nông thôn đồng bằng Sông Cửu Long, lực lượng công nhân lao động", đại biểu Trần Hồng Việt - Hậu Giang nói.
Theo đại biểu Việt, dự án đường sắt cao tốc là ý tưởng đẹp cần có thời gian khảo sát, phân tích kỹ hơn, cần có thời gian mời chào các nhà đầu tư tham gia, hạn chế mức chi phí, hạn chế mức thấp nhất sử dụng ngân sách để đầu tư.
"Tôi đề nghị giao cho Quốc hội khóa XIII xem xét quyết định đầu tư", đại biểu Việt nói.
Chung đề nghị trên, đại biểu Sùng Thị Chư - Yên Bái cũng cho rằng, việc đầu tư đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết nhưng chưa phải là cấp thiết trong thời điểm này.
"Tại sao đến nay chỉ có 11 nước trên thế gới làm đường cao tốc mà không phải là nhiều nước làm, kể cả một số nước có nền kinh tế khá hơn Việt Nam của chúng ta và chiều dài của các đường cao tốc của các nước đó đa phần từ 95 cho đến 417km, trong khi chiều dài đường cao tốc ở Việt Nam chúng ta là 1.750km?", đại biểu Chư nêu vấn đề.
Tuy nhiên, đại biểu Lương Phan Cừ - Đắk Nông cho rằng, việc đi vay bội chi đầu tư cho phát triển là cần thiết.
"Vay để chi tiêu, để ăn thì mới sợ, còn để phát triển tạo việc làm thì tại sao ta lại sợ? Dự án này là dự án phát triển, vay đầu tư là cần thiết, nhất là trong lúc người cho vay vẫn tin tưởng ở chúng ta, cam kết cho chúng ta vay, đồng thời dự án kéo dài tới 25 năm. Tổng dự án thì lớn, khổng lồ nhưng bình quân hàng năm chỉ ở mức hơn 2 tỷ đôla", đại biểu Cừ nói.
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh - TP Đà Nẵng đánh giá, đường sắt cao tốc sẽ thu hồi vốn chậm, nhưng nếu có thì nó sẽ có sức lan tỏa, kích hoạt sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mang lại lợi ích cho nhiều ngành khác nữa, không phải chỉ riêng cho ngành đường sắt.
"Đầu tư lãng phí, để lại nợ nần là có lỗi với con cháu nhưng để một đất nước chậm tiến lạc hậu để hệ thống đường sắt, đường bộ Bắc - Nam rất xập xệ, xuống cấp trong ba bốn chục năm, giao thông đi lại với tốc độ rùa bò, từ Hà Nội đi Thanh Hóa có 150 cây số mà hơn 4 tiếng đồng hồ, mỗi năm 7.000-8.000 người chết và bị thương, đó cũng là có lỗi với thế hệ con cháu mai sau. Nếu cách đây 20 năm mà ta tập trung lo cho ngành điện, huy động các nguồn lực trong xã hội để lo cho ngành điện thì giờ đất nước cũng không đến nỗi thiếu điện trầm trọng như thế. Thế mà việc xây dựng đường dây 500KV lúc đó cũng bị phản đối quyết liệt, tôi cũng là một đại biểu Quốc hội trong hội trường đã chứng kiện chuyện đó. Tôi tán thành việc sớm xây dựng đường sắt cao tốc, cũng tán thành luôn việc sớm xây dựng đường bộ cao tốc trước hết là từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh", đại biểu Thanh nói.
Đại biểu Phan Xuân Dũng - Thừa Thiên - Huế đề nghị, nên nhìn nhận lo ngại về vốn cho dự án dưới một góc độ khác.
"Dự án này kéo dài đến 25 năm, nếu ta chia cho từng năm, nhất là những năm đầu xây dựng dự án 2012 - 2013 theo báo cáo cũ của Chính phủ khi đất nước còn khó khăn thì ta chỉ mới chi khoảng 600 - 700 triệu đô la thì so với các dự án khác nó rẻ hơn nhiều. Hiện nay nước ta có GDP 106 - 110 tỷ đô la, với tốc độ tăng trưởng theo chiến lược chuẩn bị trình Đại hội Đảng cỡ khoảng 7,5%/ năm, theo tính toán của tôi, đến 2015 GDP nước ta có khoảng 153,2 tỷ USD và năm 2020 là 197,5 tỷ đô la. Tổng GDP của Việt Nam trong 9 năm từ năm 2012 đến năm 2020 cỡ khoảng 1.270 - 1.275 tỷ đô la. Nếu chúng ta chi cho 2 tuyến như Chính phủ đã đề cập trong thời gian này là 21 tỷ đô la, như vậy trung bình hàng năm trong giai đoạn này, chúng ta phải chi khoảng 1,7-2% GDP, chứ không phải lớn như một số đại biểu đã tính", ông phân tích.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào - TP Hà Nội cũng nhất trí, đây là một dự án đầu tư cho tương lai, đầu tư cho phát triển.
"Chúng ta đầu tư tiền dù 56 - 60 tỷ đô la đầu tư không bị đánh mất. Tại sao 50 - 60 tỷ đô la lại mất đi khi con cháu chúng ta, thế hệ mai sau được hưởng lợi và kinh tế phát triển từ đó, đây là việc không mất, tại sao chúng ta nghĩ bỏ đi mất. Tôi cho rằng đây là đầu tư cho sự phát triển, đã là đầu tư cho sự phát triển thì con cháu chúng ta nói lời cám ơn những người ngồi đây hôm nay đã nghĩ cho tương lai con cháu chúng ta", đại biểu Đào nói.
Theo ông, mặc dù khó khăn, thiếu vốn nhưng không vì thế mà chúng ta chùn bước trước 56 tỷ đôla và lộ trình không phải là ngắn mà dài, thu lợi ở đó không phải là ít mà sẽ là nhiều trong tương lai.
"Tôi hy vọng nếu dự án này được Quốc hội ủng hộ và tôi ủng hộ là Quốc hội thông qua Nghị quyết thì đề nghị Bộ giám sát một cách chặt chẽ và rất căn cơ, không để trình trạng dự án quyết rồi, ngân sách Nhà nước bỏ ra, tiền thuế của dân bỏ ra rồi chúng ta làm dở dang bỏ dở và tốn phí", đại biểu Đào nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.