(HNM) - Đến hết năm 2018, ngành nước TP Hồ Chí Minh phấn đấu duy trì 100% hộ dân được cấp nước sạch, đưa vào hoạt động các nhà máy cung cấp hàng trăm nghìn mét khối mỗi ngày, giảm còn 23,9% tỷ lệ nước thất thoát...
Nhiều đột phá về công nghệ
Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), những năm qua, ngành sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân thành phố có nhiều ứng dụng thành công các giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại và đem lại không ít lợi ích trong đời sống như: Chuyển đổi thành công sử dụng PAC (Poly Aluminium Chloride) lỏng làm chất keo tụ thay thế cho phèn nhôm trong xử lý nước; trang bị biến tần cho các nhà máy giúp điều chỉnh được chế độ vận hành trạm bơm linh hoạt phù hợp với yêu cầu của mạng lưới cấp nước; ứng dụng thành công phần mềm thủy lực (WATERGEMs) vào hoạt động quản lý vận hành, phát triển hệ thống cấp nước.
Thiết bị kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và cung cấp nước sạch được đầu tư hiện đại. |
Tiêu biểu là triển khai được hệ thống GIS (thông tin địa lý) cho mạng lưới cấp nước thành phố, góp phần nâng cao năng lực quản lý cấp nước, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu phục vụ công tác vận hành hệ thống cấp nước.
Cụ thể, nếu như trước đây hệ thống cơ sở dữ liệu, lịch sử quản lý tài sản mạng cấp nước được lưu trữ rời rạc, phụ thuộc vào các đơn vị quản lý địa bàn, thì với hệ thống quản lý mới này, các thông tin cơ sở dữ liệu hệ thống cấp nước sẽ được thể hiện tập trung, đầy đủ và cập nhật thường xuyên.
Nhờ đó, tăng cường khả năng kiểm tra, giám sát, truy xuất, khai thác các nguồn dữ liệu phục vụ có hiệu quả công tác quản lý và vận hành hệ thống cấp nước.
Đặc biệt, ngành nước TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng thành công giải pháp thi công đấu nối ống cấp nước bằng công nghệ sử dụng van Linestop (cắt tê không ngưng nước) trong công tác di dời đường ống cấp nước phi 2.000mm khu vực cầu Điện Biên Phủ (trung tâm TP Hồ Chí Minh).
Nhờ vậy, trong quá trình thi công đã không còn làm gián đoạn hoạt động cấp nước như thời gian trước, góp phần bảo đảm an toàn cấp nước cho người dân thành phố. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được thực hiện thành công ở Việt Nam, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc, tạo động lực để ngành nước sạch mạnh dạn ứng dụng các giải pháp, công nghệ phức tạp khác trong thi công, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống cấp nước.
Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin
Cùng với các giải pháp trên, một số đơn vị đã thực hiện hiệu quả nhiều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Cụ thể: Công ty CP Cấp nước Trung An (Gò Vấp) đã thành công trong việc ứng dụng điện thoại thông minh trong đọc số đồng hồ nước; Công ty CP Cấp nước Bến Thành (quận 3), Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn (quận 5) đã áp dụng hóa đơn điện tử trong thanh toán tiền nước… Các ứng dụng, cải cách trên mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực, chi phí trong hoạt động.
Theo kế hoạch năm 2018, ngành nước TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa văn bản giấy tờ; cải tiến các quy trình giải quyết công việc, xử lý văn bản; xây dựng và phát triển các chức năng mới cho văn phòng điện tử như: Quản lý công việc, quản lý dự án… nhằm giám sát và giải quyết công việc kịp thời. Ngành cấp nước cũng sẽ ứng dụng chữ ký số để giải quyết các văn bản trên mạng nhanh chóng... Mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ quản lý vận hành hệ thống cấp nước theo hướng tự động hóa, hiện đại hóa.
Theo thông tin từ Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, mới đây Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ (Việt kiều Canada) đã đề xuất ý tưởng về ứng dụng đồng hồ nước thông minh trong quản lý và cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Chiếc đồng hồ này có bề ngoài giống đồng hồ nước thông thường nhưng được gắn các chíp điện tử và tích hợp công nghệ điện toán đám mây, giúp người dùng kiểm soát lượng nước sử dụng. Mọi dữ liệu sử dụng nước sẽ được gửi liên tục cho người dùng qua phần mềm cài đặt trên điện thoại. Đồng hồ cũng sẽ thống kê chi tiết lượng nước đã dùng giúp người dân đối chiếu, so sánh với thời điểm hiện tại để sử dụng hợp lý.
Công ty CP Cấp nước Tân Hòa (quận 5) là đơn vị đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm gắn đồng hồ nước thông minh dựa trên đề xuất trên. Bà Trần Thị Bé (chủ hộ dân đang thí điểm gắn đồng hồ nước thông minh, ở đường Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) cho hay, thông qua ứng dụng, gia đình dễ dàng biết được lượng nước sử dụng nên có thể chủ động dùng nước tiết kiệm hơn. Theo đó, khi lượng nước sử dụng tăng bất thường, phần mềm trên điện thoại sẽ phát âm thanh cảnh báo người dùng để kiểm tra đường ống, thiết bị nước trong nhà, tìm chỗ rò rỉ.
Năm 2018, ngành nước TP Hồ Chí Minh mở rộng công suất cấp nước các nhà máy nước, trạm cấp nước nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng và sản lượng, với kế hoạch nâng công suất đạt 1.875.000m3/ngày; áp dụng công nghệ, nguyên vật liệu mới để cải tiến quy trình sản xuất nước; thực hiện thí điểm lắp đặt hộp đồng hồ nước nhằm khắc phục tình trạng gian lận nước... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.